Tiếp nhận, cứu hộ 02 cá thể Khỉ mốc
Lượt xem: 370

Ngày 13/4/2022, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên đã thực hiện tiếp nhận, cứu hộ 02 cá thể Khỉ mốc (Macaca assamensis) từ Hạt kiểm lâm huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Bàn giao 02 cá thể Khỉ mốc

Khỉ mốc có tên khoa học Macaca assamensis (M' Clelland, 1839) thuộc họ Khỉ (Cercopithecidae), bộ Linh trưởng (Primates).

Mô tả đặc điểm: Khỉ mốc có lông dày và dài. Đuôi dài hơn. Bờ sau đít có lông (trụi ở khỉ vàng). Màu lông có thể thay đổi từ màu nâu sẫm tới màu nâu vàng nhạt, nhưng ở vai, gáy, đỉnh đầu và tai thường sáng hơn và vàng hơn phía sau chân và đuôi. Lông xung quanh mặt màu đen, hai má có lông màu xám, phía trong và phía dưới của đùi màu trắng xám. Lông đuôi dài phần dưới đuôi có mầu nhạt hơn phần trên. Hướng của lông ở trên đỉnh đầu rất đặc trưng, mọc rẽ sang phải và sang trái, xoắn ở trên gốc tai. Mào hướng ra phía sau. Có túi má, chai mông lớn, xung quanh có lông. Đuôi thường mập phần gốc, ngắn kém nửa chiều dài thân nhưng dài hơn 10% chiều dài thân và dài hơn bàn chân sau, đuôi không thon, thường thẳng.

Kiểm tra, chăm sóc 02 cá thể Khỉ mốc

Sinh học, sinh thái: Khỉ mốc sinh sản quanh năm. Mỗi lứa đẻ một con. Thường gặp khỉ con vào tháng 4, 5, 7, 8, 10. Trọng lượng sơ sinh từ 300-500g. Thức ăn chủ yếu là quả, lá non, côn trùng, thằn lằn và một số động vật nhỏ. Khỉ mốc hoạt động vào ban ngày. Cuộc sống leo trèo và có nhiều lúc đi trên mặt đất. Chúng thường ngủ trên cây và trên núi đá. Cấu trúc đàn: Nhiều đực, nhiều cái. Số lượng cá thể trong đàn thường lớn, từ 10-50 con (Wolfheim, 1983). Sống trong rừng cây cao trên núi đá, núi đất, sống phần lớn ở rừng ẩm thường xanh, rừng thưa, rừng tre nứa, cánh đồng gần rừng. Trú ẩn trong các hang hốc dưới mỏm đá, hoặc náu mình trong các lùm cây rậm rạp. Sống theo đàn do một con đực làm chỉ huy canh gác khi đàn kiếm ăn. Có thể sống chung với cu li, vượn, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng hoặc voọc đen, voọc mũi hếch, voọc ngũ sắc (Fooden, 1982). Khỉ mốc phân bố ở độ cao từ 150-1.200m, có khi tới 1.750m.

Hai cá thể Khỉ mốc mới tiếp nhận là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Một cá thể Khỉ mốc bị cụt bàn tay trái

Hai cá thể Khỉ mốc này được gia đình ông Lý A Đậu, bản Ngài Trồ, xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu tự nguyện làm đơn hiến tặng cho Hạt Kiểm lâm huyện Sìn Hồ. Sau khi tiếp nhận, 02 cá thể Khỉ mốc đã được di chuyển về Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và PTSV Hoàng Liên. Qua kiểm tra thú y, cả 2 cá thể Khỉ mốc có giới tính đực, trọng lượng gần 2,0kg/ con, có sức khỏe và tâm lý bình thường, trong đó một cá thể khỉ bị cụt bàn tay phải, nghi do bị bẫy săn bắt từ người dân địa phương.

Hai cá thể Khỉ mốc trong chuồng nuôi cứu hộ

Để tiện việc chăm sóc và huấn luyện, hai cá thể Khỉ mốc được nhân viên Trung tâm đặt tên là Sìn Hồ và Nậm Cha để nhớ tới địa điểm các cá thể khỉ này được hiến tặng. Trong thời gian ngắn được nhân viên Trung tâm theo dõi, chăm sóc, tình trạng sức khỏe, tâm lý của hai cá thể khỉ đã ổn định, ăn uống tốt. Sau khi được cách ly, theo dõi, đến sáng ngày 18/4, hai cá thể khỉ đã được di chuyển vào trong chuồng nuôi cứu hộ.

Hiện tại, Sìn Hồ và Nậm Cha nhận được sự chăm sóc đặc biệt của nhân viên Trung tâm trước khi tái thả về tự nhiên./.

Chu Tấn – Trung tâm Cứu hộ


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập