Tiếp nhận Gấu ngựa và Tê tê Java quý hiếm
Lượt xem: 277
Vừa qua, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm thành phố Lào Cai thực hiện tiếp nhận 01cá thể Gấu ngựa do hộ gia đình trên địa bàn thành phố Lào Cai hiến tặng.
anh tin bai
anh tin bai

Bàn giao, tiếp nhận cá thể Gấu ngựa về Trung tâm

Cá thể Gấu ngựa có trọng lượng 170kg, giới tính đực, do người dân trên địa bàn thành phố Lào Cai nuôi nhốt trong nhiều năm. Trải qua quá trình tuyên truyền, vận động của Hạt Kiểm lâm thành phố Lào Cai, gia đình đã đồng ý hiến tặng cho Trung tâm. Sau khi hoàn thiện các thủ tục liên quan, cá thể Gấu ngựa đã được Trung tâm đưa về chăm sóc nuôi dưỡng. Qua đánh giá sơ bộ, cá thể Gấu ngựa này to béo, có sức khỏe, vận động, ăn uống tốt và dần thích nghi với môi trường tại Trung tâm.

Ngày 31/8/2023, Trung tâm phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) - Công an tỉnh Điện Biên tiến hành tiếp nhận 01 cá thể Tê tê java (Manis javanica).

anh tin bai

Trung tâm tiếp nhận cá thể Tê tê

Cá thể Tê tê java có cân nặng 6,79 kg, sức khỏe bình thường, không bị thương, được bà Nguyễn Hải Nhung phát hiện ven đường, biết đây là động vật quý hiếm nên đã tự nguyện đem nộp cho Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên. Ngay sau khi tiếp nhận, Trung tâm đã thực hiện cung cấp nước uống, thức ăn (trứng kiến) và quan sát hành vi của Tê Tê, tiến hành vận chuyển về Trung tâm để chăm sóc.

Tê tê java còn có các tên gọi khác là Trút, Xuyên sơn giáp, Tu lìn (Thái, Tày), Thêm (Mường), Tào Lạy (Dao), có tên khoa học Manis javanica Desmarest, 1822, thuộc họ Tê tê (Manidae), bộ Tê tê (Pholidota).

anh tin bai

Cá thể Tê tê Java quý hiếm

Tê tê java có thân cỡ trung bình, dài 40 – 65cm, trọng lượng 6 – 8,0 kg. Không có răng, lưỡi dài nhiều chất dính. Toàn thân, từ đầu đến cuối đuôi phủ lớp vẩy sừng. Các vẩy sừng xếp chồng lên nhau như mái ngói. Bụng không có vẩy sừng, da dầy có lớp vẩy cứng. Mầu sắc của vẩy thường là mầu nâu sẫm, vàng hoặc vàng nhạt, có những con bạch tạng do nuôi con trong hang lâu ngày. Có 17 hàng vẩy thân xếp theo chiều dọc, 11 - 13 hàng xếp theo chiều ngang; đuôi có 25 hàng vẩy xếp theo chiều dọc, 8 hàng xếp theo chiều ngang (3 hàng mặt trên, 3 hàng mặt dưới và 2 hàng mép đuôi. Các móng (vuốt) chân trước dài hơn móng chân sau khoảng 1,5 lần, móng giữa phát triển mạnh.

Thức ăn của Tê tê chủ yếu là mối, kiến, côn trùng nhỏ ở mặt đất, đôi khi có cả cỏ, lá cây mục. Động dục, ghép đôi vào tháng 10, đẻ con vào tháng 3 ở trong hang. Mỗi lứa Tê tê đẻ từ 1 - 2 con; con non thường có lớp vẩy mầu trắng đục. Chúng sống trong rừng già, rừng thứ sinh, rừng hỗn giao tre nứa gỗ, ở hang dưới các gốc cây to, cây mục nát, hoặc vách đất đá trong lùm cây rậm rạp. Hoạt động kiếm ăn ban đêm trên mặt đất, ban ngày trú ẩn trong hang.

Gấu Ngựa và Tê tê java đều trong nhóm IB - Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ; thuộc các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và ghi trong Sách đỏ Việt Nam (năm 2007) ở mức EN (Nguy cấp), Sách đỏ Thế giới mức CR (Cực kỳ nguy cấp) và nằm trong Phụ lục I Công ước CITES.

Nguyễn Năm - Trung Kiên (Trung tâm Cứu hộ)




 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập