Phát triển xứng tầm Vườn Di sản ASEAN
Lượt xem: 278
anh tin bai

LCĐT - Được thành lập năm 2002, Vườn quốc gia Hoàng Liên - một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam có tổng diện tích 29.845 ha, được chia làm các phân khu: Phân khu được bảo vệ nghiêm ngặt (11.800 ha); Phân khu phục hồi sinh thái (17.900 ha); Phân khu hành chính, du lịch, dịch vụ (70 ha). Ngoài ra, Vườn còn có vùng đệm với 38.724 ha tiếp giáp và bao quát một phần diện tích của các xã lân cận thuộc huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai); huyện Than Uyên, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu).

Do đặc thù về khí hậu, thời tiết, địa hình, dãy Hoàng Liên đã hình thành tại đây hệ động - thực vật vô cùng phong phú. Theo đánh giá của các nhà khoa học, Vườn quốc gia Hoàng Liên là một trong những trung tâm đa dạng sinh vật vào bậc nhất của Việt Nam, đặc biệt là hệ thực vật rừng.

anh tin bai

Theo thống kê, Vườn quốc gia Hoàng Liên có 2.847 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.064 chi của 229 họ, trong 6 ngành thực vật, nhiều loài có tên trong Sách đỏ. Vườn sở hữu 03 loài cây đặc biệt quý hiếm là loài bách xanh, thông đỏ, vân sam fansipan (sam lạnh). 03 loại cây này đã được Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Chương trình Đông Dương khuyến cáo cần có biện pháp bảo tồn, nhân giống vì đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao.

Cùng với đó, các nhà khoa học đã phát hiện ở Vườn quốc gia Hoàng Liên nhiều loài phong lan quý hiếm, như lan sứa Sa Pa, lan môi dày Sa Pa và nhiều loài phong lan đặc hữu của Việt Nam phân bố ở Sa Pa, như hoàng thảo ngọc vạn, thanh đạm tuyết ngọc, lan môi ẩn vàng rủ…

anh tin bai

 Đặc biệt, Vườn quốc gia Hoàng Liên không thể không nhắc tới các loài đỗ quyên, như đỗ quyên gai, đỗ quyên răng lá nhỏ, đỗ quyên silie, đỗ quyên ly, đỗ quyên huyền diệu, đỗ quyên lưu huỳnh… với khoảng 20 loài trên tổng số 30 loài có mặt tại Việt Nam. Ngoài ra, ở Vườn quốc gia Hoàng Liên, các loài cây dược liệu cũng rất phong phú, với gần 800 loài đã được phát hiện.

Bên cạnh hệ thực vật đa dạng, phong phú, tại Vườn quốc gia Hoàng Liên, các nhà khoa học đã thống kê được 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó 96 loài thú; 346 loài chim; 63 loài bò sát và 50 loài lưỡng thể, đặc biệt có loài ếch gai rất hiếm mới được phát hiện.

Đáng chú ý là Vườn quốc gia Hoàng Liên có rất nhiều loài bướm đẹp, không những có giá trị bảo tồn, thương mại, mà còn có giá trị tham quan du lịch và thẩm mỹ. Nơi đây đã ghi nhận được 304 loài, thuộc 138 giống, 10 họ. Đây là nơi duy nhất của Việt Nam có nhiều loài bướm chưa được tìm thấy ở các vùng, miền khác của đất nước.

anh tin bai

Nghiên cứu, bảo tồn các loài thực vật quý hiếm.

Trong số 555 loài động vật có xương sống đã được ghi nhận ở Vườn quốc gia Hoàng Liên, có 60 loài động vật quý, hiếm ghi trong Sách đỏ Việt Nam (1992), 33 loài trong Danh lục đỏ IUCN/2004, 5 loài chim đặc hữu cho Việt Nam và 55 loài chim khác đặc hữu cho vùng núi cao của Hoàng Liên Sơn. Yếu tố đặc hữu còn cao hơn nữa đối với khu hệ lưỡng thể (6 loài), Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang bảo tồn nguồn gen của một nửa loài ếch nhái có ở Việt Nam và được xem như điểm “nóng” về đa dạng của nhóm động vật này.

Chính vì vậy, tại Hội nghị các Vườn Di sản ASEAN tổ chức tại Thái Lan tháng 12/2003, có 04 vườn quốc gia của Việt Nam gồm: Hoàng Liên (Lào Cai), Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn, Chư Mom Ray (Kon Tum) và Kon Ka Kinh (Gia Lai) được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Đặc biệt, Vườn quốc gia Hoàng Liên từng được Quỹ môi trường toàn cầu xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam.

Sở hữu sự đa dạng về sinh vật vào bậc nhất của Việt Nam, trong suốt 20 năm (2002 - 2022) xây dựng và phát triển, Vườn quốc gia Hoàng Liên đã nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ với mục tiêu cao nhất và xuyên suốt là quản lý, bảo vệ, bảo tồn những giá trị quan trọng nhất về đa dạng sinh học mà cả nước và thế giới kỳ vọng. Để hoàn thành sứ mệnh này, suốt 20 năm, Vườn quốc gia Hoàng Liên luôn chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng (năm 2021, đơn vị tổ chức 85 buổi tuyên truyền với trên 7.500 lượt người tham dự, 137 lượt tuyên truyền lưu động), tổ chức các cuộc thi tìm hiểu công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với việc tuyên truyền đến người dân, đơn vị cũng thường xuyên phổ biến đến học sinh thông qua buổi chào cờ hằng tuần, sinh hoạt ngoại khóa, trải nghiệm thực tế; đồng thời tổ chức giao khoán bảo vệ rừng… Qua đó, nhận thức và ý thức tham gia bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư được nâng lên rõ rệt.

anh tin bai

Cứu hộ các loài động vật quý hiếm đang bị đe dọa.

Trong 20 năm qua, Vườn quốc gia Hoàng Liên cũng đã thực hiện, hợp tác với các tổ chức, nhà khoa học trong nước và quốc tế, như Viện Khoa học lâm nghiệp, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Dược liệu, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Tổ chức Động vật châu Á, Hội Động vật Luân Đôn (Vương quốc Anh), Bảo tàng quốc gia Australia, Vườn quốc gia Pyrenees (Cộng hòa Pháp)… thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu khoa học, thu thập mẫu tiêu bản động, thực vật phục vụ nghiên cứu. Nhờ hợp tác nghiên cứu khoa học, VQG Hoàng Liên đã hoàn thành lập danh lục các loài động, thực vật hiện có; hằng năm, tổ chức sưu tập và bảo quản hàng ngàn mẫu tiêu bản động, thực vật làm cơ sở cho việc đào tạo, nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu quan trọng nhất đó là phát hiện và công bố hơn 10 loài mới, trong đó phải kể đến 2 loài lưỡng cư Leptolalax và Oreolalax cực kỳ nguy cấp được các chuyên gia Bảo tàng quốc gia Australia và Hội Động vật Luân Đôn nghiên cứu phát hiện, ghi nhận tại Vườn quốc gia Hoàng Liên, nằm trong Sách Đỏ thế giới năm 2015.

Không chỉ hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Hoàng Liên đã thực hiện nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học nổi bật, như “Điều tra, đánh giá khu hệ thực vật kết hợp khảo sát khu hệ thú” (2003 - 2004); “Nghiên cứu các phương pháp nhân giống một số loài đỗ quyên” (2004 - 2006); sản xuất một số giống hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào” (2006 - 2009); “Điều tra, đánh giá tính đa dạng khu hệ bướm; xây dựng bộ sưu tập mẫu bướm làm cơ sở đề xuất biện pháp bảo tồn các loài bướm” (2008 - 2009); “Khai thác và phát triển nguồn gen tam thất hoang, Hoàng liên ô rô làm nguyên liệu sản xuất thuốc” (2013 - 2016); “Nâng cao thu nhập cho người dân tộc thiểu số dựa trên sản xuất nông nghiệp bền vững” (2017 - 2023)…

anh tin bai

Phát triển du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm, giáo dục môi trường tại Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Với những thành công đạt được, Vườn quốc gia Hoàng Liên tiếp tục đề xuất và thực hiện một số đề tài, dự án góp phần quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trong thời gian tới, tiêu biểu như “Bảo tồn và phát triển quần thể loài vân sam Fansipan, Hoàng liên chân gà, sâm vũ diệp”; “Sản xuất giống một số loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cung cấp cho Nhân dân địa phương”; “Nhân nuôi thử nghiệm các loài động vật cu li lớn, cu li nhỏ, rùa đầu to”…

Một trong những kết quả nổi bật nữa của Vườn quốc gia Hoàng Liên đó là công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa, nguy cấp ở Việt Nam... Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên đã tiếp nhận 272 vụ với 618 cá thể thuộc 42 loài; đã tái thả 10 vụ với 162 cá thể thuộc 14 loài, góp phần bảo vệ nguồn gen và đa dạng sinh học.

anh tin bai

Một góc Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Với sự đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Hoàng Liên đang là địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn du khách…

Thành tựu đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vị thế của Vườn quốc gia Hoàng Liên trên bản đồ hệ thống Vườn quốc gia trong nước và khu vực. Chặng đường phía trước đang đặt ra nhiều cơ hội để phát triển, nhất là khi Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, xu thế phát triển du lịch sinh thái tại vườn quốc gia, khu bảo tồn, du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên ngày càng được ưa chuộng. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo và toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong việc nắm cơ hội, tranh thủ thời cơ để xây dựng Vườn Quốc gia Hoàng Liên ngày càng phát triển, xứng tầm Vườn Di sản ASEAN.

Nguyễn Hữu Hạnh - Giám đốc VQG Hoàng Liên

 Theo Baolaocai.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập