NỖ LỰC BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN ĐA DẠNG SINH HỌC TẠI VƯỜN QUỐC GIA HOÀNG LIÊN
Lượt xem: 1034

Dãy núi Hoàng Liên Sơn nằm ở vùng tây bắc Việt nam, rộng 30 km, chạy dài 180 km theo hướng tây bắc - đông nam, giữa hai  tỉnh Lào Cai  và Lai Châu, kéo dài đến tận phía tây tỉnh Yên Bái. Hệ động, thực vật nơi đây rất đa dạng, phong phú và độc đáo nhất Việt Nam, có nhiều loài không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đặc biệt, có đỉnh Phan Si Phăng 3.143m, được ví như "nóc nhà" của Việt Nam và Đông Dương, gắn liền với Sa Pa, địa danh du lịch nghỉ mát nổi tiếng thế giới.

Để bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học dãy Hoàng Liên Sơn, tại Quyết định số 194/CT ngày 09/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sa Pa được xác lập với diện tích 5.000 ha. Đến năm 2002, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sa Pa được chuyển hạng thành Vườn quốc gia Hoàng Liên theo Quyết định số 90/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 29.845 ha.

Lễ ra mắt Vườn quốc gia Hoàng Liên năm 2002

Với gần 3.000 loài thực vật bậc cao có mạch, 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó có nhiều loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm; VQG Hoàng Liên được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) chọn là một trung tâm đa dạng của các loài thực vật; Quỹ môi trường toàn cầu xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam; Năm 2003, VQG Hoàng Liên được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công nhận là Vườn di sản ASEAN. Đồng thời, với diện tích rừng tự nhiên có nhiều tầng tán, độ tàn che lớn, đã đem lại giá trị phòng hộ đầu nguồn xung yếu của lưu vực sông Hồng và sông Đà, cung cấp nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng hạ lưu.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận

VQG Hoàng Liên là Vườn  di sản ASEAN

Kể từ ngày thành lập, VQG Hoàng Liên luôn chú trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán. Những năm gần đây, số vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp hàng năm giảm mạnh; Không còn tình trạng chặt phá, mua bán, vận chuyển cành cây Vân sam Fansipan, cây đỗ quyên, cây cảnh có nguồn gốc từ rừng tự nhiên; Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, từ năm 2017 đến nay, không để xẩy ra cháy rừng trong phạm vi quản lý. Các dự án, chương trình cải thiện sinh kế được VQG Hoàng Liên triển khai đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương; Nhân dân tích cực phối hợp với VQG Hoàng Liên thực hiện quản lý, bảo vệ rừng; Tỷ lệ che phủ rừng tăng lên 91,74%. 

Công tác phòng cháy chữa cháy rừng luôn được

VQG Hoàng Liên triển khai thực hiện hiệu quả

VQG Hoàng Liên đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, thu thập và bảo quản hàng ngàn mẫu tiêu bản động, thực vật. Bố sung, hoàn thiện lập danh lục các loài động, thực vật hiện có, trong đó có nhiều loài mới cho khoa học. Kết quả nghiên cứu quan trọng nhất là việc phát hiện và công bố trên 10 loài mới, trong đó phải kể đến 02 loài Lưỡng cư Leptolalax và Oreolalax cực kì nguy cấp được các chuyên gia Hội động vật Luân Đôn (Vương quốc Anh) và Bảo tàng Oxtralia nghiên cứu phát hiện, ghi nhận tại VQG Hoàng Liên nằm trong Sách đỏ thế giới năm 2015.

Cóc núi Steling (cóc răng Steling)- Oreolalax sterlingae

VQG Hoàng liên còn phối hợp với Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam (VACNE) lựa chọn, vinh danh 06 quần thể cây di sản Việt Nam, góp phần bảo tồn nguồn gen tiêu biểu, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam tạo nguồn du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học. Bao gồm: Vân sam Fansipan, Thiết sam, Đỗ quyên cành thô, Đỗ quyên quang trụ, Hồng quang, Trâm ổi.

Quần thể cây Vân sam Fansipan – Cây Di sản Việt Nam

VQG Hoàng Liên với cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, có các kiểu rừng đặc biệt á nhiệt đới và ôn đới núi cao,… đã trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn. Với thương hiệu nổi tiếng leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, điểm du lịch sinh thái suối Vàng- thác Tình Yêu;  

Leo núi chinh phục Fansipan luôn hấp dẫn đối với mọi du khách

Giai đoạn 2014-2019, tổng số khách du lịch đến VQG Hoàng Liên là 310.000 khách, thu phí, lệ phí du lịch đạt 21 tỷ đồng. VQG Hoàng Liên đã và đang xúc tiến mở thêm các điểm du lịch mới như: vũng rồng- giếng tiên, quần thể cây di sản Việt Nam,…

Công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cũng được VQG Hoàng Liên thực hiện rất hiệu quả; đã  thành lập Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên vào năm 2014), ổn định bộ máy tổ chức, đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu về cứu hộ, bảo tồn. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã thực hiện tiếp nhận 94 vụ với 166 cá thể động vật hoang dã từ cá đơn vị, cá nhân trong tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Bắc bàn giao, hiến tặng. Trong đó có nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như: Rắn Hổ mang chúa, Cu li nhỏ, Cu li lớn, Tê tê java, Gấu ngựa,... Các cá thể động vật sau khi được cứu hộ thành công đều phục hồi sức khỏe và bản năng sinh tồn của loài. Đơn vị đã tổ chức tái thả 08 đợt với 101 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.

Các cá thể khỉ được tái thả về tự nhiên

(VQG Vũ Quang) sau cứu hộ năm 2019

Với sự nỗ lực vươn lên không ngừng trong suốt 18 năm xây dựng và phát triển, VQG Hoàng Liên vinh dự được Chính phủ tặng cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2016; Nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

VQG Hoàng Liên nhận Cờ thi đua của Chính phủ năm 2016

Phát huy những kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn, chắc chắn VQG Hoàng Liên sẽ quản lý rừng bền vững, là điểm sáng trong công tác bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học của nước ta./.

 

Nguyễn Thị Hồng Thắm - P.TCHC


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập