Bổ sung 02 loài Đỗ quyên Rhododendron valentinianum và Rhododendron agastum var. pennivenium vào danh lục thực vật Vườn Quốc gia Hoàng Liên
Lượt xem: 799

Vườn Quốc gia Hoàng Liên (VQG Hoàng Liên) đang quản lý diện tích 28.500,56 ha, nằm trên địa bàn 4 xã huyện Sa Pa (Lao Chải, Tả Van, San Sả Hồ, Bản Hồ) tỉnh Lào Cai và 2 xã (Phúc Khoa, Trung Đồng) huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu. Đây là một trong những Vườn Quốc gia có nhiều nét khác biệt so với các Vườn Quốc gia khác trong hệ thống rừng đặc dụng ở Việt Nam. Đó là nơi giao lưu của hai tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới và ôn đới núi cao. Về địa hình, đây là nơi có địa hình hiểm trở, độ dốc lớn và chia cắt mạnh. Với những nét đặc thù về khí hậu, thời tiết, địa hình của Hoàng Liên, đã hình thành tại nơi đây hệ động - thực vật vô cùng phong phú. Theo đánh giá của các nhà khoa học, VQG Hoàng Liên là một trong những trung tâm đa dạng sinh vật vào bậc nhất của Việt Nam, đặt biệt là hệ thực vật rừng.

Theo báo cáo đa dạng sinh học VQG Hoàng Liên, hệ thực vật Fansipan mang đặc trưng các yếu tố thực vật á nhiệt đới và ôn đới núi cao. Bước đầu đã ghi nhận được có 2.847 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.064 chi của 229 họ trong 6 ngành thực vật có mặt ở VQG Hoàng Liên. Số loài thực vật quý hiếm tại VQG Hoàng Liên được ghi trong sách đỏ Việt Nam 2007 là 96 loài (chiếm 4,23% tổng số loài của khu hệ), trong đó số loài đang ở mức nguy cấp (cấp V) là 20 loài, số loài ở cấp độ hiếm (cấp R) là 38 loài, số loài chưa có thông tin đầy đủ (cấp K) có 6 loài. Nét độc đáo của tài nguyên núi Hoàng Liên còn được thể hiện bởi tỷ lệ đặc hữu cao (122 loài), các nhóm cây sót lại và nguyên thủy lớn.

Tuy nhiên, những nghiên cứu về thực vật đã thực hiện trong VQG Hoàng Liên trước năm 2003, các số liệu đến nay chưa được cập nhật. Các nghiên cứu này cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt trên loài hoa Đỗ quyên. Các tài liệu về Đỗ quyên Việt Nam đã công bố như: Phạm Hoàng Hộ (1999) đã mô tả 19 loài, 5 dưới loài và 2 thứ có ở Việt Nam; Nguyễn Tiến Hiệp (2003), ghi nhận có 25 loài, 4 dưới loài và 2 thứ; Nguyễn Thị Thanh Hương (2012) ghi nhận có 44 loài ở Việt Nam. Ở VQG  Hoàng Liên năm 2010 đã ghi nhận có 30 loài trong Danh lục thực vật VQG Hoàng Liên (02 loài chưa định tên cụ thể ). Theo thống kê mẫu vật tại Bảo nhà tàng VQG Hoàng Liên năm 2010, có tất cả 436 tiêu bản, trong đó có 182 tiêu bản Đỗ quyên được định loại tên đầy đủ (tên Tiếng việt + tên Latin). Tổng số giám định là 24 loài, 4 dưới loài và 02 loài nghi ngờ. Điều này cho thấy những kết quả trên chưa có con số chính xác và phản ánh hết tính chất đa dạng về thành phần loài các loài Đỗ quyên VQG Hoàng Liên.

Bằng phương pháp lập tuyến điều tra, thu thập mẫu vật (mẫu tươi sống), tham khảo mẫu vật tại Bảo tàng VQG Hoàng Liên, ghi nhận sinh cảnh, phân bố của các loài. Áp dụng phương pháp so sánh hình thái giải phẫu, kết hợp với các tài liệu gốc và các tài liệu nghiên cứu về loài đã công bố, xác định tên cho loài ở các nước lân cận và Tham vấn ý kiến của các chuyên gia Thực vật, Nhóm nghiên cứu của VQG Hoàng Liên đã phát hiện, bổ sung thêm  02 loài Đỗ quyên Rhododendron valentinianum Rhododendron agastum var. pennivenium vào danh lục thực vật VQG Hoàng Liên.

Loài Rhododendron valentinianum.

Có tên khoa học là Rhododendron valentinianum Forrest ex Hutch (Được công bố trên  Notes Roy. Bot. Gard. Edinburgh 12(56): 45–51 1919., đây là tên chính thức được sử dụng cho loài). Loài này có tên đồng danh Rhododendron valentinianum var. valentinianum.

Đây là cây bụi có chiều cao từ 0,3-3,0m, cành già có màu xám đậm, nhẵn, cành ngắn; Cành non có vảy và phủ lông dày màu nâu; Cuống lá to, có vảy hoặc lông cứng; Lá chất da, dày, hình trứng thuôn mặt dưới có vảy dày, lúc non có vảy màu gỉ sắt. Mặt trên lúc non có vảy màu trắng phủ dày, sau nhẵn. Mép lá có lông cứng, gân giữa và gân bên nổi rõ ở mặt dưới, không rõ ở mặt trên; Cụm hoa chùm mọc đầu cành 2-4 hoa, màu vàng có mùi thơm dễ chịu. Cuống hoa dài 0,5-1,5 cm, có vảy, đài hoa xẻ thùy 5, tồn tại trên quả. Tràng hoa hình chuông, có lớp vảy dày màu trắng phủ bên ngoài, nửa dưới của tràng. Nhị 10, không bằng nhau, ngắn hơn cánh tràng, chỉ nhị có lớp lông màu trắng dài, dày ở nửa dưới. Bầu 5 ô, có vảy dày, nhụy hơi cong xuống, dài bằng cánh tràng hoặc ngắn hơn nhị, có vảy ở nửa dưới. Mùa hoa nở từ tháng 4 đến tháng 6.

Theo các nghiên cứu của M. Fang et al. 2005. Fl. China, loài Đỗ quyên Rhododendron valentinianum phân bố ở độ cao 1.800 – 3.000m Trong VQG Hoàng Liên, loài Đỗ quyên này mọc tập trung thành các đám lớn tại các phiến đá có độ dốc lớn trong những khu rừng nguyên sinh ở khu vực độ cao 2.600 m so với mực nước biển.

Loài Rhododendron agastum var. pennivenium

Có tên khoa học là Rhododendron agastum var. pennivenium (Balf. f. & Forrest) T.L. Ming, được công bố lần đầu trên Acta Bot. Yunnan. 6(2): 152–153 1984. Loài có tên đồng danh là Rhododendron pennivenium Balf. f. & ForrestRhododendron tanastylum var. pennivenium (Balf. f. & Forrest) D.F. Chamb.

Đây là cây bụi, cao 2-3 m; Cành già nhẵn, thô, cành non có lông mào và tuyến thưa; Cuống lá hình trụ, dài 10-20 mm, cuống có lông tơ và hoặc lông dạng tuyến. Phiến lá mỏng, hình trứng thuôn dài đến mác rộng, đáy lá gần tròn hoặc hình nêm, mép lượn sóng, đầu lá nhọn, mặt dưới lá khi non có một lớp lông nhung mỏng, lá trưởng thành nhẵn, mặt trên xanh, nhẵn; Gân giữa nổi rõ mặt dưới, gân bên 12-13 đôi; Cụm hoa chụm, mọc đầu cành, 5-10 hoa, cuống hoa thô, 1-1,5 cm, nhẵn, đài hoa hình đĩa, xẻ 5-7; Tràng hoa hình chuông, cánh tràng xẻ 5, màu đỏ tươi, có những đốm màu đỏ sẫm; Nhị 10-14, không bằng nhau; Nhụy và chỉ nhị nhẵn; bầu hình trụ, lớp lông nhung màu trắng, dày. Mùa hoa nở từ tháng 5-6, quả tháng 7-9.

Loài thường mọc ở những khu rừng hỗn giao, các khu rừng lá rộng, các thung lũng, ở độ cao 1900-3300 m so với mực nước biển. Loài này có phân bố ở Trung Quốc, Mianma và Việt Nam. Ở VQG Hoàng Liên, có thể bắt gặp gần khu vực Trạm Tôn và tuyến Trạm Tôn – Phan Xi Păng.

Đây là phát hiện có ý nghĩa lớn trong công tác nghiên cứu hệ thực vật ở VQG Hoàng Liên, góp phần tạo lập danh lục thực vật đầy đủ hơn, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu khoa học và đề xuất các biện pháp bảo tồn loài.

Trần Thị Thanh- VQG HL


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập