Chi trả tiền Dịch vụ môi trường rừng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên
Lượt xem: 314
Chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng, ban hành kèm theo Nghị định số 99, ngày 24/9/2010 của Chính phủ nhằm huy động nguồn kinh phí bền vững để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ giữa năm 2012 và bắt đầu triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Sa Pa từ đầu năm 2014.

Chính sách đã và đang phát huy hiệu quả; rừng có chủ, quyền lợi của người dân nhận khoán và bảo vệ rừng được bảo đảm; từng bước nâng cao nhận thức của người dân, nhất là trách nhiệm của các hộ gia đình trong bảo vệ rừng, ngăn chặn khai thác gỗ trái phép, phá rừng làm nương... Việc chi trả cho công tác bảo vệ rừng đã tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống nhân dân vùng có rừng, giảm tiền đầu tư bảo vệ rừng từ ngân sách Nhà nước, góp phần từng bước ổn định đời sống nhân dân ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện.

Mặc dù chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng đã đưa ra các khung pháp lý chung cho việc thực hiện, nhưng do đây là một vấn đề mới, phức tạp, để thực hiện được, rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt việc rà soát, xác định phạm vi, ranh giới, quy chủ rừng (hiện nay UBND huyện Sa Pa đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã phối hợp đơn vị tư vấn thực hiện rà soát xác định diện tích, ranh giới từng chủ rừng trên bản đồ và trên thực địa làm cơ sở chi trả tiền Dịch vụ môi trường rừng).

Ngày 26/9/2014, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã tổ chức thực hiện chi trả tiền Dịch vụ môi trường rừng  năm 2012, 2013 (đơn vị chủ rừng Nhà nước đầu tiên trên địa bàn huyện tổ chức thực hiện chi trả), cho nhân dân thôn Cát Cát xã San Xả Hồ. Đây là việc làm thể hiện vai trò rất lớn của đơn vị chủ rừng đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, đồng thời là cơ hội để đánh giá và rút kinh nghiệm để triển khai công tác khoán bảo vệ rừng trong thời gian tới. 

 
 

Để chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng tiếp tục phát huy được hiệu quả, nhằm làm tốt công tác quản lý bảo vệ và Phát triển rừng trên địa huyện trong thới gian tới, các ngành, các cơ quan, UBND các xã cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, chính sách chi trả Dịch vụ môi trường rừng sâu rộng trong nhân dân, bằng nhiều phương pháp hiệu quả thiết thực (thật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện) phù hợp với phong tục tập quán của người dân.

Thứ hai: Thực hiện tốt công tác rà soát về ranh giới, vị trí, diện tích rừng của từng chủ rừng được giao quản lý, theo ranh giới lưu vực thủy điện, thống kê theo đơn vị tiểu khu, xã, huyện để làm cơ sở để thực hiện chính sách (đơn vị tư vấn là đầu mối, Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành của tỉnh, tổ công rà soát của huyện và UBND các xã, các thôn bản và các đơn vị chủ rừng). Yêu cầu, kết quả rà soát phải đảm bảo độ chính xác về ranh giới, diện tích rừng của từng chủ rừng để làm cơ sở chi trả được công bằng, chính xác, đúng quy định của Nhà nước.

Thứ ba: UBND các xã chỉ đạo Trưởng các thôn bản phối hợp chặt chẽ với các Trạm Kiểm lâm, hạt Kiểm lâm Hoàng Liên, Vườn Quốc gia Hoàng Liên thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho từng cộng đồng dân cư đảm bảo công bằng và minh bạch, có sự đồng thuận cao của cộng đồng thôn bản nhằm hạn chế thấp nhất sự thắc mắc khiếu kiện từ cơ sở.

Từng thôn bản tổ chức họp toàn thể các hộ gia đình (mỗi hộ một người đại diện như hội nghị hôm nay làm thí điểm, chủ hộ đi vắng được uỷ quyền nhưng phải có xác nhận của Công an thôn và UBND xã, cán bộ Kiểm lâm sẽ hướng dẫn). Tiền Dịch vụ Môi trường trường mà mỗi thôn, bản được hưởng cần có kế hoạch cụ thể (chi cho công tác bảo vệ rừng và chi nâng cao đời sống cho các hộ gia đình). Các khoản chi phải được bàn bạc thống nhất trong cộng đồng thôn bản và có sự nhất trí của UBND xã và Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Thứ tư: Đối với người dân được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thì cần có trách nhiệm hơn trong việc quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng, giữ nguồn nước cho các nhà máy thuỷ điện phát điện, khi đó đơn giá/ha rừng sẽ tăng (ngượi lại, cháy rừng, phát rừng lập tức không được chi trả khoản tiền DVMTR, vì trước đây việc hợp đồng Khoán bảo vệ rừng hàng năm một cách chung chung, thì nay công tác quản lý và nghiệm thu theo một quy trình chặt chẽ, mất rừng ở đâu lập tức giảm trừ tiền DVMTR của cả cộng đồng thôn bản)

Thứ năm: Đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương các xã phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị, góp phần tích cực trong công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vì vậy trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện cần phải huy động cả hệ thống chính trị từ thôn, bản, sự phối hợp vào cuộc của các ngành, các đơn vị có liên quan để thực hiện chính sách thật sự hiệu quả, từng bước đi vào cuộc sông nhằm nâng cao chất lượng rừng, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của các nhà máy thuỷ điện, thuỷ lợi, nước sạch và du lịch sinh thái… tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống người làm nghề rừng.

Đề nghị với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và các sở, ngành của tỉnh tiếp tục phối hợp với Vườn Quốc gia Hoàng Liên trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, kịp thời hướng dẫn và nghiên cứu đề xuất với cơ quan có thẩm quyền, điều chỉnh, bổ sung và hướng dẫn thủ thục thanh toán tiền DVMT đảm bảo đúng quy định, đồng thời giảm bớt thủ tục phiền hà không cần thiết, gây khó khăn cho các chủ rừng và người dân.

 


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập