Vườn Quốc gia Hoàng Liên: Phát triển du lịch sinh thái bền vững
Lượt xem: 1081

Vườn Quốc gia Hoàng Liên hiện là điểm du lịch sinh thái thu hút đông du khách trong và ngoài nước. Phát triển du lịch song song với gìn giữ, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng sinh học đang được Vườn Quốc gia Hoàng Liên thực hiện.

 “Kho báu” giàu tiềm năng

Vườn Quốc gia Hoàng Liên được Quỹ Môi trường toàn cầu xếp loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã khẳng định vị thế, vai trò đối với việc quảng bá, xúc tiến du lịch thị xã Sa Pa, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Hiện nay, Vườn quốc gia Hoàng Liên là địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn với các điểm như đỉnh Fansipan, suối Vàng - thác Tình Yêu, vũng Rồng - giếng Tiên, rừng già cổ thụ, quần thể cây di sản, đỉnh Nam Kang Ho Tao…

anh tin bai

Thời gian đầu mới đi vào hoạt động, phát triển du lịch tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên gặp khó khăn, chưa thu hút được nhiều du khách do hạ tầng chưa hoàn thiện, đồng bộ, thiếu nguồn lực đầu tư. Theo thời gian, với tiềm năng sẵn có và chiến lược phát triển du lịch đúng hướng đã giúp du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên phát triển mạnh. Đặc biệt, giai đoạn 2013 - 2015 là thời điểm thịnh vượng phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Tuy nhiên, khi cáp treo Fansipan đi vào hoạt động, phần lớn khách lựa chọn chinh phục nóc nhà Đông Dương bằng hệ thống cáp treo, lượng khách trải nghiệm dịch vụ leo núi tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên giảm mạnh. Đặc biệt, khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã khiến lượng khách đến Sa Pa và tham quan Vườn Quốc gia Hoàng Liên giảm. Đến đầu năm 2022, du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Hoàng Liên có tín hiệu khởi sắc trở lại. Từ đầu năm 2023 đến nay cũng thu hút được gần 6.000 lượt khách ghé thăm.

anh tin bai

Đại diện đoàn du khách trong chuyến leo núi chinh phục đỉnh Fansipan mới đây, anh Hoàng Việt Dũng (Đà Nẵng), tâm sự: Đoàn chúng tôi đều có đam mê leo núi. Chúng tôi đã khám phá nhiều đỉnh núi khác nhau ở Việt Nam nhưng leo núi Fansipan là trải nghiệm rất thú vị. Trong suốt hành trình, chúng tôi có thể thấy thiên nhiên nơi đây được giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt, hoang sơ, hùng vĩ. Những hướng dẫn viên luôn nhắc nhở chúng tôi về việc không xả rác, không chặt cây, việc sử dụng lửa cũng được kiểm soát chặt chẽ để tránh gây cháy rừng.

Trên địa bàn một số xã vùng ven Vườn Quốc gia Hoàng Liên, các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch phát triển mạnh. Nhiều hộ đã làm nhà nghỉ đón khách du lịch, đồng thời phát triển các dịch vụ khuân vác, dẫn đường, thuyết minh... góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, nhận thức của người dân trong vùng về bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái.

Khai thác gắn với bảo vệ

Để nâng cao mức độ hài lòng của du khách, Vườn Quốc gia Hoàng Liên tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái trong khuôn khổ hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp). Các chương trình thử nghiệm, khảo sát tuyến du lịch mới đã được đề xuất và trình UBND tỉnh Lào Cai cho phép nghiên cứu xây dựng loại hình du lịch thể thao mạo hiểm leo thác nước và mô hình du lịch trượt thác nước (canyoning) tại điểm du lịch suối Vàng - thác Tình Yêu. Việc lắp đặt thiết bị, đào tạo hướng dẫn viên và khai thác thử nghiệm thành công. Khi đi vào hoạt động chính thức, đây sẽ là mô hình thể thao nước đầu tiên ở miền Bắc nước ta. Cùng với mô hình du lịch thể thao mạo hiểm leo thác nước, trượt thác nước, mô hình du lịch trên không, du lịch hồ nước cũng được quan tâm xúc tiến hợp tác với vùng Nouvelle Aquitaine nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

anh tin bai

Với hệ sinh thái rộng lớn, đặc thù, việc phát triển du lịch sinh thái sẽ tác động đến tính đa dạng sinh học cao và sinh cảnh sống chính của nhiều loài động, thực vật. Khai thác du lịch nhưng phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy là một trong những nhiệm vụ được các đơn vị khai thác du lịch và địa phương quan tâm.

Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về vấn đề môi trường cho hướng dẫn viên du lịch, người khuân vác đồ tham gia phục vụ khách du lịch, học sinh, người dân đến từ các xã, phường trên địa bàn thị xã Sa Pa. Hằng năm, người dân các xã vùng lõi, vùng đệm đều được tham gia các hội nghị tuyên truyền với nhiều chủ đề bảo vệ môi trường khác nhau như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước và sử dụng nước, rác thải và xử lý rác thải, vệ sinh môi trường nông thôn, cảnh quan và môi trường miền núi…

"Nhiệm vụ lớn nhất của vườn là công tác bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, nên phát triển du lịch phải đảm bảo không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái; trung tâm luôn đặt giáo dục môi trường làm gốc, làm tiền đề trọng yếu để phát triển du lịch, dịch vụ. Chỉ khi môi trường được bảo tồn thì du lịch mới có thể phát triển bền vững" - Ông Nguyễn Văn Chỉnh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường (Vườn Quốc gia Hoàng Liên).

Theo:Baolaocai

 


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập