Vườn Quốc gia Hoàng Liên mở cung leo ở đỉnh núi khó chinh phục nhất Tây Bắc
Lượt xem: 736

(Dân trí) - Cung leo Nam Kang Ho Tao mới lần đầu được khám phá năm 2017. Đây là vùng núi hoang sơ với địa hình vô cùng phức tạp và nguy hiểm, đòi hỏi du khách phải có thể lực, sự kiên trì và sức chịu đựng bền bỉ.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên (nằm trên địa phận hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu) vừa tổ chức chuyến đi khảo sát đánh giá cung leo Nam Kang Ho Tao để sớm đưa vào khai thác đỉnh núi khó nhất Tây Bắc một cách chính thức, thuận tiện và an toàn nhất cho giới đam mê leo núi.

Cây Pơ mu 300 năm tuổi (Ảnh: Dũng Khuất).

Đỉnh Nam Kang Ho Tao có độ cao 2.881m nằm trên địa phận thuộc tiểu khu 303 A, khoảnh 4, lô 20, núi Hoàng Tha Thầu, thông Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ thị xã và nằm trong khu vực quản lý của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Đây là một điểm đến mơ ước của các phượt thủ ưa khám phá vì độ khó và vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, hệ thống suối và thác của cung leo.

(Ảnh: Đức Hùng).

Chuyến đi 3 ngày 2 đêm (22-24/4) theo hướng xã Tả Van, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, nằm trong chương trình khảo sát của Vườn Quốc gia năm 2022.

Mục đích của chuyến đi nhằm tìm ra điểm mới phù hợp để tổ chức các hoạt động về du lịch sinh thái, góp phần đa dạng các điểm du lịch trong vườn quốc gia.

Cung leo Nam Kang Ho Tao mới lần đầu được khám phá năm 2017 và chóp inox được giới mê leo núi cắm năm 2018. Đây là vùng núi hoang sơ với địa hình vô cùng phức tạp và nguy hiểm, hành trình chinh phục dãy núi này đòi hỏi thể lực, sự kiên trì và sức chịu đựng bền bỉ.

Vượt suối đá (Ảnh: Đức Hùng).

"Qua khảo sát chúng tôi thấy Nam Kang Ho Tao là một cung leo rất khó, chỉ dành cho những người có kinh nghiệm, thể lực rất tốt. Có nhiều điểm đi qua các vách núi và suối lớn rất nguy hiểm, đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu.

Chúng tôi cùng với người dân địa phương tìm lối đi mới thay thế hoặc lắp các bậc/cầu thang gỗ để đảm bảo an toàn cho du khách", chị Trần Thị Thanh, Trưởng phòng Phát triển Du lịch của Vườn, người tham gia chuyến khảo sát, cho biết.

Các trekkers đam mê khám phá vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng Tây Bắc và chinh phục giới hạn của bản thân thường leo tự phát theo hướng Lai Châu qua bản Thào A, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu và về theo hướng cũ.

Hệ thống suối, thác, vách núi dựng đứng và rừng nguyên sinh như trong truyện cổ tích là điểm nhấn của cung leo Nam Kang Ho Tao (Ảnh: Đức Hùng).

"Sau chuyến khảo sát, chúng tôi sẽ tổng kết đánh giá và kiến nghị mở cung leo theo hướng Lào Cai cũng như chọn địa điểm dựng các lán nghỉ để cho bà con địa phương trông coi, quản lý nhằm phục vụ du khách được tốt và an toàn nhất", anh Phạm Minh Đức, Trưởng Phòng Kinh tế Tổng hợp của Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết.

Anh Đức tin rằng, các chuyến du lịch khám phá một cách an toàn của du khách sẽ là một sản phẩm du lịch độc đáo của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, giúp tăng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm thông qua việc thuê homestay, thuê người dân địa phương dẫn đường, gùi đồ cùng với việc thuê lán nghỉ và phục vụ sinh hoạt cho du khách ở trong rừng sẽ giúp nâng cao sinh kế, qua đó giúp làm giảm áp lực vào tài nguyên rừng.

Các con dốc cao và dài như bất tận chỉ dành cho những đôi chân kinh nghiệm (Ảnh: Đức Hùng).

Chinh phục đỉnh Nam Kang Ho Tao theo hướng Tả Van sẽ phải đi qua khoảng 14-15 cung suối lớn nhỏ trong đó có con suối Đá là con suối to nhất trong tất cả các cung leo ở Tây Bắc.

Để lên đỉnh thành công, du khách sẽ đi qua các khu rừng nguyên sinh và vùng núi hoang sơ với nhiều vách đá trơn trượt, dựng đứng. Khu rừng đỗ quyên cổ thụ ở đây đẹp không kém bất kỳ khu rừng đỗ quyên cổ thụ nào ở Tây Bắc. Nam Kang Ho Tao còn sở hữu hai con thác lớn, trong đó có thác Bay.

Nhóm khảo sát và du khách trên đỉnh Nam Kang Ho Tao ngày 23 tháng 4 (Ảnh: Đức Hùng).

Cảnh hoang sơ của núi rừng (Ảnh: Đức Hùng).

Theo: dantri.com.vn


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập