Nghiệm thu đề tài cấp nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen Hoàng liên gai (Berberis julianae) làm nguyên liệu sản xuất thuốc”
Lượt xem: 688

Vừa qua, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước (Hội đồng) đã họp nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen Hoàng liên gai (Berberis julianae) làm nguyên liệu sản xuất thuốc”, mã số NVQG-2017/11. Đề tài thực hiện trong 4 năm (2017-2021), do Vườn quốc gia Hoàng Liên chủ trì và Kỹ sư Bùi Tuấn Anh, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế làm chủ nhiệm.  

Hội đồng nghiệm thu đề tài

Tham gia Hội đồng có 09 thành viên đến từ Trường Đại học Dược Hà Nội, Viện Dược liệu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Quân y; PGS.TS Nguyễn Thượng Dong làm Chủ tịch Hội đồng. 

Thư ký đề tài báo cáo kết quả thực hiện trước Hội đồng

Các nhiệm vụ nghiên cứu trọng tâm của đề tài gồm: Xác định đặc điểm thực vật học, nông sinh học, giá trị sử dụng của loài Hoàng liên gai, làm cơ sở cho việc khai thác và phát triển nguồn gen; Xây dựng các quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, thu hoạch, sơ chế và bảo quản dược liệu của loài; Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của giống (cây giống, hạt giống, hom giống) và tiêu chuẩn cơ sở dược liệu Hoàng liên gai; Xây dựng vườn giống gốc (1.000m2), vườn nhân giống (2.000m2) và mô hình trồng Hoàng liên gai theo GACP-WHO (3,0 ha gồm 1,5 ha trồng tập trung và 1,5 ha trồng xen canh).

Cây Hoàng liên gai

ThânCây bụi, cao 2-3m.

: Mọc vòng 3-7 cái, phiến lá cứng, thuôn, nhọn 2 đầu, hơi bóng ở mặt trên, mép lá có răng cưa nhỏ, đều và nhọn như gai.

Hoa: Hoa nhiều, gồm 10-30 cái mọc ở giữa các túm lá. Hoa nhỏ, có cuống dài 1-1,3 cm, màu vàng.

Quả: Hình trứng thuôn, dài 0,5 cm; đầu nhuỵ tồn tại rõ; khi chín màu tím đen, hơi có phấn trắng. Hạt 1, gần hình trụ, màu nâu nhạt.

Là loài ưa ẩm, khi nhỏ ưa bóng, lớn lên ưa sáng;

Thường được sử dụng chữa đau mắt, đau răng, kiết lỵ, viêm ruột, tiêu chảy, cao huyết áp, đau ngang thắt lưng, đau răng

Hàm lượng Berberin clorid: từ 0,3 – 0,6%

Sau 4 năm triển khai thực hiện, đề tài đạt được những kết quả sau:

- Đánh giá bổ sung thực vật học, nông sinh học, giá trị sử dụng nguồn gen, xây dựng tiêu chuẩn cây giống gốc Hoàng liên gai; Hàm lượng hoạt chất chính Berberin clorid cây Hoàng liên gai: từ 0,3 – 0,6%.

- Thu thập bổ sung nguồn gen đạt tiêu chuẩn trên 500 cây cây giống gốc và xây dựng vườn giống gốc Hoàng liên gai diện tích 1.000m2.

- Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống, tiêu chuẩn cơ sở cây giống và xây dựng vườn nhân giống Hoàng liên gai với diện tích 2.000m2, cung cấp 20.000 cây giống/năm.

- Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế bảo quản dược liệu và xây dựng tiêu chuẩn cơ sở dược liệu Hoàng liên gai. Xây dựng mô hình trồng Hoàng liên gai theo GACP-WHO với diện tích 3,0 ha gồm 1,5 ha vườn trồng tập trung tại xã Tả Van và 1,5 ha trồng xen canh tại phường Phan Si Păng, thị xã Sa Pa.

Kết quả thực hiện đề tài được Hội đồng thống nhất kết luận: (i) Đề tài đã thực hiện đầy đủ theo đúng yêu cầu của hợp đồng đã ký, đảm bảo tính chính xác và trung thực; (ii) Cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu của đề tài là phù hợp; (iii) Các sản phẩm của đề tài mang tính hệ thống, logic, đầy đủ, lập luận chặt chẽ, phân tích rõ ràng; (iv) Kết quả của đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất cao, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nguồn cây dược liệu quý tại Việt Nam nói chung và ở VQG Hoàng Liên nói riêng./.

Một số hình ảnh sản phẩm của đề tài:

Vườn giống gốc Hoàng Liên gai

Vườn nhân giống Hoàng liên gai

Nhân giống Hoàng liên gai bằng hom 

Nhân giống Hoàng liên gai bằng hạt

Mô hình trồng xen canh Hoàng liên gai

Sơ chế Hoàng liên gai

Dược liệu Hoàng liên gai

 

Nguyễn Sang – Phòng KH&HTQT


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập