Sáng ngày 29/7/2024, Tổ thực hiện nhiệm vụ quỹ gen thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên đã tham dự Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen giai đoạn 2015-2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025-2030.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại hội trường A1, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCHTWĐ, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Điều hành Chương trình quỹ gen đã đến dự, phát biểu khai mạc và giao nhiệm vụ hội thảo; ông Trần Hồng Thái – Thứ trưởng Bộ KH&CN, Phó Trưởng ban thường trực Ban Điều hành Chương trình quỹ gen chủ trì, phát biểu kết luận và bế mạc hội thảo.
Đại biểu tham quan các gian hàng hội thảo
Đại biểu tham dự hội thảo đến từ các bộ, ngành liên quan và 63 Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng lãnh đạo các tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia thực hiện Chương trình quỹ gen.
PGS.TS Phí Hồng Hải - Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và ông Nguyễn Hữu Hạnh – Giám đốc VQG Hoàng Liên tham dự hội thảo
Hiện tại, VQG Hoàng Liên đang chủ trì thực hiện nhiệm vụ quỹ gen “Khai thác, phát triển nguồn gen cây dược liệu quý, hiếm Tế tân lá tim làm nguyên liệu sản xuất thuốc”. Đồng thời phối hợp với Viện Dược liệu thực hiện nhiệm vụ quỹ gen “Điều tra các loài cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm và xây dựng vườn bảo tồn cây thuốc”.
Ông Bùi Khắc Hiền - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lào Cai tham dự hội thảo
Các báo cáo tại hội thảo đã làm sâu sắc kết quả đạt được của Chương trình quỹ gen, bao gồm: (1) Thu thập, nhập nội, lưu giữ, bảo tồn an toàn và nguyên trạng được 80.911 nguồn gen sinh vật; (2) Đánh giá ban đầu 55.810 nguồn gen đã thu thập, đánh giá chi tiết 14.122 nguồn gen, tư liệu hóa 44.038 nguồn gen; (3) Đánh giá tiềm năng di truyền 4.883 nguồn gen sinh vật có giá trị khoa học và kinh tế; giải mã, xây dựng bản đồ 6.138 nguồn gen; (4) Cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia 22.521 nguồn gen, phục vụ có hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước và trao đổi thông tin trong mạng lưới quỹ gen quốc gia; (5) Trên 300 nguồn gen động, thực vật và trên 700 nguồn gen vi sinh vật được đưa vào khai thác, phát triển trong nông nghiệp, công nghiệp, y dược, văn hóa, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng.
Một cánh rừng Vân sam Fansipan – nguồn gen đặc hữu nguy cấp, quý, hiếm - Loài ưu tiên bảo vệ thuộc VQG Hoàng Liên
Các đại biểu dự hội thảo thống nhất cao với định hướng triển khai Chương trình quỹ gen giai đoạn 2025-2023. Cụ thể: (1) Rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm khai thác tốt nhất nguồn gen quý, hiếm, đặc hữu và có giá trị kinh tế cao; (2) Tiếp tục điều tra, thu thập (nhập nội), bảo tồn và xây dựng được các phương pháp bảo tồn thích hợp,… đến năm 2030 có trên 100.000 nguồn gen; (3) Đánh giá, xác định giá trị nguồn gen đã thu thập (gồm cả đánh giá ban đầu và chi tiết); (4) Lựa chọn và đánh giá tiềm năng di truyền nguồn gen sinh vật có giá trị khoa học và kinh tế; giải mã, xây dựng bản đồ gen của nguồn gen đặc hữu có giá trị kinh tế cao hoặc là các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của Việt Nam; (5) Tư liệu hóa và hoàn thiện hệ thống thông tin quốc gia (tối đa nguồn gen đã được thu thập, qua đó nâng cao hiệu quả); (6) Khai thác và phát triển nguồn gen có giá trị ứng dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, y dược, văn hóa, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng./.
Ban Biên tập