Công tác bảo tồn loài Vân sam Phan Si Păng
Lượt xem: 1346

Dãy núi Hoàng Liên Sơn là nơi chứa đựng hệ động, thực vật vô cùng phong phú. Theo đánh giá của các nhà khoa học, Vườn quốc gia Hoàng Liên là một trong những trung tâm đa dạng sinh vật vào bậc nhất của Việt Nam, đặc biệt là hệ thực vật rừng.

Vân sam Phan Si Păng (Abies delavayi subsp. fansipanensis) thuộc họ Thông (Pinaceae) là loài thực vật đặc hữu, không những quý, hiếm và độc đáo ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Cây được xếp vào nhóm IA (nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam, được đánh giá là cực kỳ nguy cấp (CR) trong danh lục đỏ thế giới (IUCN) năm 2014. Quần thể cây Vân sam Phan Si Păng trong VQG Hoàng Liên cũng đã được công nhận là Cây Di sản của Việt Nam.

Ở Việt Nam, trải qua khảo sát từ năm 1962 đến nay, cho thấy loài Vân sam Phan Si Păng chỉ phân bố ở độ cao khoảng 2600 đến 2800m ven đỉnh núi Fansipan. Quần thể này hiện đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và ngày càng thu hẹp do biến đổi khí hậu, môi trường sống và sinh cảnh bị tác động.

Một phần của quần thể Vân sam tại độ cao 2.600m

Đặc biệt, vấn đề tái sinh tự nhiên của loài Vân sam Phan Si Păng rất kém dẫn đến suy thoái loài cao, số lượng cây ngoài tự nhiên ngày càng giảm. Việc không phát hiện được cá thể Vân sam Phan Si Păng tái sinh tự nhiên trong nhiều năm liền đang là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của sự suy thoái loài. Qua điều tra đã phát hiện ra một loại sâu ăn hạt, hầu hết hạt Vân sam Phan Si Păng thu được đều phát hiện loại sâu này, chúng ăn hết chất dinh dưỡng của hạt và làm tổ luôn trong nón và hạt. Do đó, đặt ra yêu cầu cần có những biện pháp cấp bách để bảo tồn loài trước nguy cơ tuyệt chủng đang dần hiện hữu.

Nón cây Vân sam Phan Si Păng

Những năm gần đây, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế - VQG Hoàng Liên thường xuyên tổ chức các đợt đi thực địa điều tra về hiện trạng loài, thu thập nón Vân sam Phan Si Păng, thử nghiệm nhân giống phục vụ công tác bảo tồn. Trong thời gian tới, Phòng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đề xuất đề tài bảo tồn loài Vân sam Phan Si Păng.

Thử nghiệm nhân giống Vân sam Phan Si Păng tại vườn ươm

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng việc thu thập, nhân giống bảo tồn loài Vân sam Phan Si Păng bước đầu đã cho một vài kết quả nhát định. Tin tưởng rằng hoạt động này sẽ góp phần bảo tồn nguồn gen loài, nâng cao năng lực bảo tồn cho cán bộ VQG Hoàng Liên, hướng tới mục tiêu lâu dài là nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn loài Vân sam Phan Si Păng nói riêng./.

Nguyễn Sang – Phòng KH&HTQT

Gieo ươm Vân sam Phan Si Păng tại vườn ươm


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập