Tiếp nhận
và cứu hộ cá thể Khỉ mặt đỏ, Cầy vòi mốc quý hiếm
Tiếp nhận
Khỉ mặt đỏ từ Đội điều tra tổng hợp Công an thị xã Sa Pa
Ngày 07/6/2022, Trung tâm Cứu hộ, BT&PTSV
Hoàng Liên đã thực hiện tiếp nhận 01 cá thể Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) từ Đội điều tra tổng hợp Công an thị xã Sa Pa. Đây là tang vật bắt giữ từ vụ vận chuyển động
vật hoang dã trái phép trên địa bàn thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Khỉ mặt đỏ bị thương nặng ở
chân trước bên phải
Tại thời điểm bàn giao, cá thể Khỉ mặt đỏ
có trọng lượng 12,0 kg, giới tính đực. Qua kiểm tra thú y, cá thể bị thương nặng
ở chân trước bên phải, vết thương hở, viêm nhiễm nặng sinh mủ, gãy xương và hoại
tử mô cơ xung quanh khu vực cẳng tay, cánh tay,… ngoài ra, cá thể trên có thể
trạng yếu, kém ăn và sợ sệt.

Phẫu thuật,
điều trị vết thương cho Khỉ mặt đỏ
Ngay sau
khi tiếp nhận, nhân viên cứu hộ Trung tâm đã nhanh chóng tiến hành sát trùng,
phẫu thuật cắt bỏ phần thịt hoại tử, tháo khớp và điều trị kịp thời. Sau thời gian chăm sóc và
điều trị, đến nay tình trạng sức khỏe, tâm lý của cá thể Khỉ mặt đỏ đã ổn định
và ăn uống tốt, vết thương đã khô, đang liền da. Để tiện việc chăm sóc, huấn
luyện, cá thể Khỉ mặt đỏ trên được đặt tên là “Sa Chi”.

“Sa Chi” ở
chuồng nuôi cứu hộ đang dần khỏe lại
Trước đó, ngày 17/5/2022, Trung tâm cũng thực hiện tiếp nhận, cứu hộ 01
cá thể Cầy vòi mốc (Paguma larvata) từ Hạt Kiểm lâm
huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Đây là tang vật của việc phát hiện, bắt giữ từ
vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Tiếp nhận cá thể Cầy vòi mốc từ Hạt Kiểm lâm
huyện Tam Đường
Sau khi tiếp nhận, cá thể Cầy vòi mốc đã
được di chuyển về Trung tâm. Qua kiểm tra thú y, cá thể Cầy vòi mốc có trọng lượng
4,8 kg, giới tính đực, bị thương ở chân trước bên trái. Hiện tại, cá thể này đang
được điều trị, chăm sóc, theo dõi và phục hồi các tập tính hoang dã của loài
trước khi tái thả về môi trường tự nhiên.

Chăm sóc, theo dõi Cầy vòi mốc tại chuồng cách ly
Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) và Cầy
vòi mốc (Paguma larvata) là các loài động
vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày
22/9/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP
ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp,
quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật
hoang dã nguy cấp.
Mọi hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt,
tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã cần được phát hiện,
ngăn chặn kịp thời và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm
hành chính từ 5 triệu đến 360 triệu đồng (theo quy định tại Điều 21,
22, 23, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực lâm nghiệp) hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi
phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” theo Điều 234; tội “Vi
phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo Điều 244, BLHS
năm 2015 bổ sung 2017.
Qua đây, đề nghị mọi người hãy cùng
chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã; không thực hiện các hành vi săn bắt,
giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã dưới
mọi hình thức. Nếu phát hiện bất kỳ hành vi vi phạm nào, hãy thông tin ngay cho
lực lượng kiểm lâm, công an sở tại hoặc các cơ quan chức năng nơi gần nhất để
có biện pháp xử lý kịp thời./.
Thu Nga – Trung tâm Cứu
hộ