Tái thả nhiều cá thể động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm về rừng
Thông qua việc tái thả các loài động vật hoang dã về môi trường sống ban đầu của chúng (tái hoang dã), là một trong những cách tiếp cận mới giúp khôi phục các loài động vật hoang dã trong tương lai.
Sáng ngày 31/12/2024, Trung tâm Du lịch và Bảo tồn sinh vật Hoàng Liên (thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai) phối hợp Vườn quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) tổ chức tái thả 91 cá thể động vật hoang dã thuộc 14 loài về môi trường sống tự nhiên.

Các cá thể động vật hoang dã quý, hiếm được thả về môi trường rừng tự nhiên lần này bao gồm: 09 cá thể thuộc nhóm IB, động vật nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP (06 cá thể Rắn hổ chúa - Ophiophagus hannah; 03 cá thể Rùa hộp trán vàng miền bắc - Cuora galbinifron); 40 cá thể thuộc nhóm IIB, động vật rừng nguy cấp (04 cá thể Khỉ vàng - Macaca mulatta; 05 cá thể Khỉ mốc - Macaca assamensis; 02 cá thể Khỉ mặt đỏ - Macaca arctoides; 01 cá thể Khỉ đuôi lợn - Macaca. leonina; 10 cá thể Rắn hổ mang Trung Quốc - Naja atra; 04 Rùa núi viền - Manouria impessa; 10 cá tể Rùa sa nhân - Coura mouhotii; 02 cá thể Rùa đất - Speng le-ri GeoemydaSpengleri; 02 cá thể Trăn đất - Python molurus); và 42 cá thể thuộc nhóm động vật thông thường.
Các cá thể động vật hoang dã nêu trên do các cơ quan chức năng bàn giao và người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai cùng khu vực Tây Bắc tự nguyện hiến tặng. Trung tâm Du lịch và Bảo tồn sinh vật Hoàng Liên đã tiếp nhận, cứu hộ và chăm sóc, huấn luyện giúp chúng có thể trở về sinh sống trong môi trường tự nhiên.
- Năm 2024, Trung tâm Du lịch và Bảo tồn sinh vật Hoàng Liên đã thực hiện 04 đợt tái thả động vật hoang dã sau khi cứu hộ về rừng với 96 cá thể thuộc 20 loài, trong đó có nhiều loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.
Tái thả 28 cá thể động vật hoang dã ngày 10/07/2024 (tại thôn Dền Thàng, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai)
Vườn quốc gia Hoàng Liên nói riêng, các Vườn quốc gia, khu bảo tồn nói chung có nhiều loài động vật hoang dã đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống, nạn săn bắt và các hoạt động khác của con người. Hoạt động săn bắt động vật hoang dã trong nhiều thập kỷ qua đã gây ra hiện tượng “rừng rỗng” (empty forest), rất khó có thể phục hồi tự nhiên, kể cả khi các mối đe dọa giảm đi đáng kể. Suy giảm quần thể các loài động vật hoang dã là một yếu tố chính dẫn đến suy thoái rừng. Tái hoang dã có thể giúp tăng khả năng thích ứng của các hệ sinh thái đối với những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, bằng cách khôi phục các chu trình sinh thái tự nhiên như giữ các-bon, tuần hoàn nước và hình thành đất.
Nỗ lực bảo tồn tại chỗ không đủ để phục hồi loài và tái hoang dã. Các hình thức bảo tồn dịch chuyển khả thi là trả lại các quần thể tuyệt chủng ở nơi chúng đã từng sinh sống; tăng cường các quần thể loài bị đe dọa để ngăn chặn sự tuyệt chủng; trả lại chức năng hệ sinh thái bị mất do sự tuyệt chủng các loài khác; phóng thích các loài ra khỏi phạm vị bản địa bị đe dọa để tránh nguy cơ tuyệt chủng.
Việc xây dựng Kế hoạch hành động về “Bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý hiếm, đe dọa tuyệt chủng” là rất cần thiết trong thời gian tới đối với các Vườn quốc gia/Khu bảo tồn. Kế hoạch này sẽ giúp định hướng, điều phối các nỗ lực bảo tồn, huy động các nguồn lực theo cách tiếp cận thống nhất và đồng bộ. Hành động ưu tiên là xây dựng các kịch bản cho các loài có số lượng thấp, quần thể đơn độc hoặc các loài cực kỳ nguy cấp, đồng thời xem xét tích cực di dời, tái thả và nhân giống các loài ưu tiên"
Thời gian tới, rất mong các Bộ, Ngành TW sớm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan, trong đó tập trung xây dựng ban hành quy trình, định mức cứu hộ các loài động vật hoang dã; đồng thời xây dựng và ban hành quy chế quản lý hành lang đa dạng sinh học để kết nối, mở rộng vùng hoạt động của các loài nguy cấp, quý, hiếm; bảo vệ sinh cảnh của các loài và thực hiện các chương trình gây nuôi sinh sản nhằm tái thả và phục hồi các quần thể hoang dã của chúng. Mặt khác, cần thúc đẩy, xúc tiến thành lập Diễn đàn đối tác về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái. Diễn đàn sẽ giúp duy trì cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các đối tác phát triển và nhà tài trợ và khối doanh nghiệp về bảo tồn, phục hồi đa sạng sinh học.
Chu Tấn - Trung tâm Du lịch
Một số hình ảnh của hoạt động thả động vật hoang dã