Tiếp nhận, cứu hộ cá thể Diều hoa miến điện và khỉ mặt đỏ quý hiếm
Lượt xem: 349
Ngày 12/10/2022, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên đã tiếp nhận 01 cá thể  Diều hoa miến điện (Spilornis cheela)  để tiến hành chăm sóc, cứu hộ.

Nhận được thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn có 01 cá thể chim hoang dã do người dân mong muốn được hiến tặng. Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên đã phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn hoàn thiện hồ sơ, thực hiện tiếp nhận và vận chuyển về Trung tâm để kịp thời cứu hộ, chăm sóc và tái thả về tự nhiên.

anh tin bai

                                          Bàn giao cá thể Diều hoa miến điện

Qua xác minh, cá thể chim hoang dã này là loài Diều hoa miến điện (Spilornis cheela), thuộc họ Cắt (Falconidae), là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

anh tin bai

                                  Hoàn thiện thủ tục bàn giao cá thể Diều hoa miến điện

Cá thể Diều hoa miến điện có trọng lượng 1,5 kg, sức khỏe bình thường, không bị thương; được ông Nguyễn Xuân Tiềm, thường trú tại thôn Lảng 1, xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai tự nguyện làm đơn hiến tặng cho Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn để bàn giao cho đơn vị chức năng cứu hộ.

Ngày 14/10/2022, Trung tâm cũng đã tiếp nhận 01 cá thể Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) do nhà chùa Cam Lộ, địa chỉ tại tổ 11, phường Bình Minh, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai bàn giao. Cá thể Khỉ mặt đỏ có giới tính đực, trọng lượng 3,0 kg, khỏe mạnh, vận động bình thường, không bị thương. Đây là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ.

Cá thể Khỉ mặt đỏ này được một người dân mang đến hiến tặng cho nhà chùa Cam Lộ ngày 20/5/2022. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng và tìm hiểu, biết đây là loài động vật hoang dã, nhà chùa đã trình báo Hạt Kiểm lâm thành phố Lào Cai để làm thủ tục bàn giao cho Trung tâm chăm sóc, cứu hộ và tái thả vào tự nhiên.

anh tin bai

                                                       Bàn giao cá thể Khỉ mặt đỏ

Đặc điểm nhận dạng Khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides): Thân to khoẻ. Màu lông thường là màu nâu sẫm, nhưng cũng có biến đổi từ đen sang đỏ. Phần dưới của bụng bao giờ cũng nhạt hơn phía trên. Lưng màu nâu đỏ tới nâu sẫm. Mặt phần lớn có màu đỏ. Lông trên đỉnh đầu thường tỏa ra các phía xung quanh. Lông ở hai bên má tỏa ra phía sau. Khỉ mặt đỏ có đuôi to, ngắn, không quá 1/3 dài bàn chân sau. Điểm nổi bật là chai mông to, không có lông. Thời gian mang thai 178 ngày, khoảng cách giữa các kỳ sinh 19 tháng. Thời gian sống khoảng 30 năm. Thức ăn chủ yếu là quả, hạt, lá non, nõn và động vật kể cả côn trùng, chim và trứng. Chúng hoạt động vào ban ngày, cuộc sống leo trèo và cả đi trên mặt đất; Khỉ mặt đỏ thường hay đi trên mặt đất trong rừng và dọc theo các bờ sông và suối. Trong lúc đi ăn thường phát ra tiếng kêu để gọi nhau hoặc khi thấy nguy hiểm. Trong đàn có con đực dẫn đầu để bảo vệ đàn. Khỉ mặt đỏ thường sống trong các khu rừng thấp, gió mùa, rừng khô và các khu rừng rậm trên núi cao tới 2000m so với mực nước biển.

anh tin bai

                               Hoàn thiện thủ tục bàn giao cá thể cá thể Khỉ mặt đỏ

Đến nay, cá thể Diều hoa miến điện và cá thể Khỉ mặt đỏ từ các vụ tiếp nhận trên đang được chăm sóc, cứu hộ tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên để thả về môi trường tự nhiên sau khi được xác lập quền sở hữu toàn dân./.

                                                                                                        Chu Văn Tấn – Trung tâm Cứu hộ


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập