Lễ cúng rừng – Bản sắc của người H’Mông Cát Cát
Lượt xem: 628

Cát Cát là một thôn thuộc xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đây là một trong 19 thôn nằm trong Vườn quốc gia Hoàng Liên, cách trung tâm thị xã Sa Pa 2 km, là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn của Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung.

Quang cảnh thôn Cát Cát

Thôn Cát Cát là nơi tập trung đông đúc đồng bào dân tộc HMông sinh sống. Nằm dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, bản Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19 do một bộ phận dân tộc ít người quần tụ theo phương pháp mật tập (dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau, các nóc nhà cách nhau chừng vài trăm mét và sinh sống, trồng trọt canh tác ngay trên những sườn đồi quần cư). Gần nơi quần cư, họ trồng lúa, ngô trên các ruộng, nương bậc thang hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Họ biết trồng trọt, chăn nuôi và bảo lưu khá tốt nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng lanh và dệt vải. Từ lâu, nơi đây đã trở thành điểm du lịch văn hóa và du lịch sinh thái.

Người dân tập trung về khu rừng thiêng của thôn để chuẩn bị cho Lễ cúng rừng

Hàng năm, bà con người H’Mông ở thôn Cát Cát tổ chức nhiều lễ hội theo phong tục, tín ngưỡng của mình, trong đó nghi lễ “cúng rừng” là một nét độc đáo về văn hoá của người dân trong vùng. Theo quan niệm của người dân nơi đây, lễ cúng rừng là một nét văn hóa tâm linh lâu đời mà thông qua đó người dân trong bản cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, đoàn kết...

Chủ lễ sắp xếp đồ Lễ

Theo những người có uy tín trong thôn, nghi lễ cúng rừng là nghi thức đã tồn tại từ lâu và thường được tổ chức hàng năm vào tháng 10 âm lịch, nghi thức này được ấn định tổ chức vào ngày 19 hoặc 29 tháng mười hàng năm. Năm nay, nghi lễ cúng rừng của thôn được tổ chức vào ngày 03/12/2021 (ngày 29/10 âm lịch).

Nghi lễ cúng rừng

Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng thiêng liêng, đây còn là dịp để giáo dục ý thức cho mọi người tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống, tình yêu bản làng, quê hương. Nhằm giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy và phát huy lòng tự hào dân tộc, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong Nhân dân. Đây là nghi lễ có giá trị văn hóa truyền thống rất quý báu, đáng được lưu giữ và phát huy.

Sau khi kết thúc phần nghi lễ cúng rừng, toàn thể người dân trong thôn cùng nhau ‘‘thụ lộc’’ ngay tại rừng thiêng với sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương và cán bộ trạm Kiểm lâm địa bàn. Hành động này thể hiện tinh thần đoàn kết của toàn thể bà con trong thôn cũng như sự gắn bó mật thiết với chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng, gìn giữ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho con cháu./.

Thái Sơn – Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin khác
1 2 3 


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập