Lạc bước ở Hoàng Liên
Lượt xem: 473

Nếu coi các vườn quốc gia trên đất nước Việt Nam này là những kho báu đại ngàn thì chắc hẳn rừng Hoàng Liên phải là kho báu quý giá hạng nhất. 

Mùa hạ ở Sa Pa năm nay đến sớm. Mới chớm đầu mùa mà tiết trời xem chừng không còn được mát mẻ như trước kia. Thị xã trong sương đã bắt đầu nóng. Có lẽ một phần vì Sa Pa ngày nay đã quá ư là chật chội. Người ta cho rằng Sa Pa nóng lên là do tác động của biến đổi khí hậu nhưng dường như biến đổi của con người đang nhanh hơn thì phải. Trụ sở Vườn Quốc gia Hoàng Liên nằm trên một ngọn đồi, bốn bề bị bao vây bởi nhà hàng, khách sạn, resort. Sự bức bối càng thôi thúc chúng tôi rời trung tâm thị xã để bắt đầu cuộc hành trình khám phá vùng lõi của một trong bốn Vườn di sản ASEAN đầu tiên của Việt Nam.

anh tin bai

Đường vào rừng Hoàng Liên. Ảnh: Hoàng Anh. 

1.

Chiếc ô tô bán tải lắc lư khó nhọc, chỉ thấy leo dốc như thể đang đi lên trời. Ruộng bậc thang Sa Pa, di tích danh thắng quốc gia mùa này đồng bào chưa cấy, nước loang loáng như gương, một vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa phô diễn nét tài hoa, sức lao động kết tinh đời này qua đời khác của đồng bào Mông, Dao, Tày, Giáy... Tạp chí du lịch danh tiếng Travel & Leisure của Mỹ đã từng xếp hạng nơi đây là một trong bảy địa danh trên thế giới có ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất. 

Ngồi trên xe, anh Nguyễn Duy Thịnh, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên ưu tư, gốc gác mình dưới Khoái Châu, Hưng Yên nhưng sinh ra ở trên này. Nửa cuộc đời gắn bó với Tây Bắc, gắn bó với rừng có đôi lúc tưởng đã hiểu hết Hoàng Liên vậy mà không phải, rừng xanh còn quá nhiều điều bí ẩn, nhiều giá trị đang chờ đợi con người tìm tòi, khám phá

anh tin bai

Cảnh sắc rừng Hoàng Liên. Ảnh: VQG Hoàng Liên. 

Đây là dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, nơi mà Vườn quốc gia Hoàng Liên đứng chân với diện tích khoảng 28,5 nghìn ha, thuộc địa giới chính chính các xã Hoàng Liên, Tả Van, Bản Hồ của tỉnh Lào Cai và Phúc Khoa, Trung Đồng thuộc tỉnh Lai Châu. Nghề báo chúng tôi vốn rong ruổi khắp mọi miền, không ít lần leo đến đỉnh Fansipan, nóc nhà của khu vực Đông Dương, trực tiếp trải nghiệm vẻ đẹp hùng vĩ của non sông gấm vóc, của giang san đất nước, thế mà lên Hoàng Liên lần này vẫn không tránh khỏi cảm giác ngỡ ngàng. Qua một ngọn núi, cánh rừng, khe suối, gặp một cánh bướm, nhành hoa đều là những loài động thực vật đặc hữu trong hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học hiếm có nơi nào bằng. Năm nay đúng tròn 20 năm, Hoàng Liên cùng với Ba Bể, Kon Ka Kinh và Chư Mom Rây vinh dự trở thành 4 vườn quốc gia đầu tiên của người Việt được Hiệp hội các nước Đông Nam Á vinh danh là Vườn di sản ASEAN.

anh tin bai

Bản làng người đồng bào ở vùng đệm Vườn quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Hoàng Anh. 

Dừng chân trên Tả Van, vùng lõi của Hoàng Liên, nhìn xuống dưới là thung lũng Mường Hoa, phóng tầm mắt lên phía xa kia là đỉnh Fansipan cao 3.143m. Mùa này đỗ quyên đang nở. Cánh rừng Hoàng Liên này chính là nơi có nhiều loài hoa đỗ quyên mọc tự nhiên nhất, thống kê đến nay đã có hơn 30 loài. Lên Fansipan mùa này dù đi cáp treo hay leo bộ đều có thế thấy rừng đỗ quyên khoe sắc, đỏ rực cả một khoảng trời. Anh Thịnh sơ qua vài nét về tính đa dạng sinh học của Hoàng Liên mà vẻ mặt không thể giấu được sự tự hào. Vườn có hệ thực vật Fansipan mang đặc trưng các yếu tố thực vật á nhiệt đới và ôn đới của 3 luồng là Vân Nam - Himalaya, Bắc Việt Nam - Nam Trung Quốc và luồng thực vật Ấn Độ - Malaysia. Hiện đã thống kê được 2.847 loài thực vật có mạch thuộc 1.064 chi và 229 họ.

anh tin bai

Quần thể Đỗ quyên cành thô, cây di sản ở Hoàng Liên. Ảnh: VQG Hoàng Liên. 

anh tin bai

Hoa Đỗ quyên khoe sắc giữa rừng Hoàng Liên. Ảnh: VQG Hoàng Liên. 

Quả thật, nếu coi các vườn quốc gia trên đất nước Việt Nam này là những kho báu đại ngàn thì chắc hẳn Hoàng Liên phải là kho báu quý giá bậc nhất. Hôm trước lang thang ở khu bảo tàng của đơn vị tôi đã được chiêm ngưỡng 6 tấm bằng công nhận quần thể cây rừng trong Vườn quốc gia Hoàng Liên là Cây di sản. Đó là quần thể 7 cây Đỗ quyên cành thô, 7 cây Vân sam Fansipan, 6 cây Đỗ quyên quang trụ, 7 cây Hồng quang, 4 cây Thiết sam Fansipan và 9 cây Trâm ổi. Tất cả đều là loài thực vật đặc hữu siêu quý hiếm có độ tuổi hơn 300 năm, không thể tìm thấy ở nơi nào khác ngoài những cánh rừng Hoàng Liên ở độ cao 2.000m trở lên. Hiểu nôm na thế này, Hoàng Liên có 147 loài thực vật được đề cập trong sách đỏ và cứ 100 loài thực vật đặc hữu nước ta có thì 25 loài nằm ở nơi này, một kho tàng gen cây rừng độc nhất vô nhị.

anh tin bai

Rùa đầu to ở rừng Hoàng Liên. Ảnh: VQG Hoàng Liên.

anh tin bai

Cu li trong Vườn quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: VQG Hoàng Liên. 

Cũng trong kho báu ấy là 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó có 96 loài thú, 346 loài chim, 63 loài bò sát và 50 loài lưỡng cư… nguồn gen bảo tồn của một nửa loài ếch, nhái có ở Việt Nam. Trong số ấy có 60 loài động vật trong sách đỏ, 33 loài trong danh lục đỏ IUCN… Chả thế mà Quỹ môi trường toàn cầu và Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên thế giới đưa Hoàng Liên vào danh mục bất khả xâm phạm, thuộc nhóm A cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học, đứng thứ nhất trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam.

Mấy anh em làm công tác nghiên cứu khoa học ở Hoàng Liên nửa đùa nửa thật, công tác gìn giữ kho báu đại ngàn còn vất vả hơn cả chăm vợ chăm con, là bởi vì vợ con còn thấu hiểu, chia sẻ với công việc của mình chứ mấy “ông đặc hữu” này đỏng đảnh, vô chừng lắm.

anh tin bai

Cây Vân sam Fansipan, cây di sản chỉ có ở rừng Hoàng Liên. Ảnh: VQG Hoàng Liên. 

Ví như Vân sam Fansipan, loài thực vật họ thông nằm trong sách đỏ Việt Nam từ năm 1996. Đẹp và quý hiếm khỏi phải bàn. Loài cây này chỉ xuất hiện gần đỉnh Fansipan, khắp thế giới không một nơi nào có. Cả dãy rừng mênh mông là thế mà chỉ có 26 cá thể có tuổi đời độ khoảng 50 tuổi năm. Tương truyền khi người Mông ở bản Cát Cát leo núi tìm ra Vân sam đã bị vẻ đẹp của nó hút mất hồn, lập tức đặt tên nơi đó là cánh rừng tiên. Mấy chục năm trước, thời điểm Vườn Quốc gia Hoàng Liên mới chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên, hình ảnh Vân sam Fansipan được chọn để làm biểu tượng.

Năm tháng qua đi, sự hiên ngang chống chọi phong ba bão tuyết của nó vẫn là giá trị trường tồn, ngày càng kiêu hãnh. Duy chỉ có điều đó là thứ cây kỳ lạ khiến Danh lục đỏ thế giới xếp mức độ đe dọa rất nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng cực cao. Lý do là vì khả năng tái sinh loài cây này rất kém. Hơn 20 năm qua các thế hệ cán bộ khoa học của Hoàng Liên dày công theo dõi, nghiên cứu, không biết bao nhiêu chuyến “leo Fan” mà chẳng thể nào phát hiện nổi một cây tái sinh ở trong tự nhiên. Chỉ đến khoảng thời gian gần đây, một số cây Vân sam Fansipan đã bắt đầu được nhân giống, dù chưa thành công hết thì những con người lặng lẽ nghiên cứu trên độ cao hơn 2.000m vẫn sung sướng chẳng khác gì nghe tin vợ báo mang bầu.

“Chẳng phải riêng các nhà khoa học Việt Nam mà quốc tế đánh giá đa dạng sinh học ở Hoàng Liên thuộc vào hàng hiếm có. Anh em chúng tôi cũng ý thức được mỗi cây, mỗi con nơi đây đều là tài sản, quý hơn cả bạc vàng, nhưng ai cũng biết, vật quý cất giữ trong nhà nhiều khi còn mất, huống hồ núi rừng mênh mông như thế này…”, anh Thịnh bỏ lửng câu nói, ngước mắt lên núi cao, nhìn vào khoảng không xa xăm, lớp lớp mây trời.

anh tin bai

Nghiên cứu giống cây ở Vườn quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Hoàng Anh. 

2.

Lạc bước giữa rừng Hoàng Liên tôi chợt nghĩ, có lẽ trên khắp đất nước này hiếm có nơi đâu nhiều danh lam thắng cảnh như nơi này. Đó là đỉnh Fansipan, nóc nhà Đông Dương mà người Pháp khám phá và chinh phục từ thế kỷ trước. Là Suối Vàng – Thác Tình Yêu, Vũng Rồng – Giếng Tiên, là núi Hàm Rồng, Thác Bạc Sa Pa thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa ngay dưới chân đèo Ô Quy Hồ, là Cổng trời Sa Pa, khu chạm khắc đá cổ… Mỗi một địa danh không chỉ mang vẻ đẹp thiên nhiên say đắm lòng người mà còn là những huyền tích về một vùng đất còn chất chứa lắm điều bí ẩn.

Nắng trưa vàng sánh dần xua tan hết sương mù trên dãy Hoàng Liên. Núi chồng lên núi, xanh thẫm màu xanh dài hun hút. Đứng trước thiên nhiên ấy con người nhỏ bé làm sao. Một nhóm khách bộ hành người nước ngoài theo sau là những porter khuân vác đang leo bộ chinh phục đỉnh Fansipan. Ông Phó Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên ngó theo ra chiều ngẫm ngợi. Một kho báu vô hình của núi rừng đang từng bước được đánh thức. Một sứ mệnh lớn và bắt buộc, không thể không làm. Rừng được ví như kho báu mà tạo hóa ban tặng nhưng con người cũng cần nghĩ cách để kho báu ấy đẻ ra tiền. Nói thẳng ra là muốn bảo vệ phát triển rừng, muốn bảo tồn giá trị tài nguyên vô giá thì phải có tiền, có chiến lược, chính sách, còn không e chỉ là chuyện lý thuyết suông.

anh tin bai

Đời sống đồng bào trong vùng lõi Vườn quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Hoàng Anh. 

Thực tế ở Hoàng Liên, kể từ thời điểm “cáp treo hai kỷ lục thế giới” lên đỉnh Fansipan đi vào hoạt động bảy năm trước, mỗi năm vườn quốc gia nhận được hơn 7 tỷ đồng tiền thuê môi trường rừng. Cùng với đó, các tuyến du lịch leo núi chinh phục đỉnh Fansipan theo nhiều cung đường khác nhau cũng được đưa vào khai thác. Tuyến du lịch Suối Vàng – Thác Tình Yêu, đặc biệt là du lịch làng bản, du lịch văn hóa, nhân văn trong vùng lõi vườn quốc gia ở các các thôn bản Séo Mý Tỉ, Dền Thàng, Tả Trung Hồ, Ma Quái Hồ… đã mở ra những con đường mới, gắn bó chặt chẽ giữa bảo vệ và phát triển rừng.

Theo thống kê, hiện trong vùng lõi của Hoàng Liên hiện vẫn còn hơn 2.500 hộ dân sinh sống lâu đời ở các xã Tả Van, Bản Hồ… Đồng bào Mông, Giáy, Dao đã có mặt ở rừng tự ngàn đời nay rồi. Họ là văn hóa, bản sắc của rừng mà cũng là mối đe dọa của rừng. Đã từng có một đề án mấy trăm tỷ đồng với ý định đưa đồng bào đến nơi ở mới nhưng không thành. Phần vì phong tục tập quán, phần vì không có quỹ đất để bố trí tái định cư. Bài toán hài hòa giữa đời sống bà con và bảo vệ, phát triển rừng xem ra nan giải. Cả vạn dân ở giữa rừng, đất đai sản xuất ít ỏi, sinh kế khó khăn, đa số là hộ nghèo, đừng nói tháng ba ngày tám, bữa ăn hàng ngày còn vất vả mà nói chuyện giữ rừng quả thật khó lọt tai. Giải pháp duy nhất là tạo sinh kế và chính sách hỗ trợ đồng bào, muốn làm được phải tìm cách cởi trói cho rừng trước đã.

anh tin bai

Trồng cây sâm đất Hoàng Sin Cô ở Bản Hồ. Ảnh: Hoàng Anh. 

Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu vực Vườn quốc gia Hoàng Liên, giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng chính là nhằm mục tiêu đó. Các cán bộ xây dựng đề án ở Hoàng Liên sau nhiều năm tích lũy, nghiên cứu đã đúc rút được ba nhiệm vụ trọng tâm. Đó là thu hút nguồn lực doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch sinh thái để có thể thu tiền thuê môi trường rừng. Lẽ tất nhiên các dự án phải được thẩm tra, phê duyệt cực kỳ nghiêm ngặt. 7 khu vực được quy hoạch để phát triển mảng này đã được trình lên các cấp, hiện đang chờ các nhà đầu tư có đủ cả tâm và lực. Tiếp theo là phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Ở xã Bản Hồ hiện đã thí điểm mô hình phát triển sinh kế cho đồng bào. Vườn quốc gia Hoàng Liên làm cầu nối liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trồng sâm đất Hoàng Sin Cô, cúc chi, thí điểm trồng sâm Ngọc Linh, trồng lan… bước đầu cho kết quả rất khả quan.

Thứ ba là du lịch văn hóa, du lịch nhân văn. Kho báu của Hoàng Liên giờ đây không chỉ là rừng, là danh thắng mà còn là phong tục tập quán, là lễ hội trên mây và các sản phẩm thủ công đặc trưng của đồng bào vùng cao. Cách đây chừng 4 năm, National Geographic, một tạp chí uy tín bậc nhất nước Mỹ có độ phủ sóng trên toàn cầu đã công bố 28 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2019. Ngỡ ngàng thay mà cũng vinh dự thay Hoàng Liên là điểm đến duy nhất của khu vực Đông Nam Á lọt vào danh sách, xếp hàng thứ 7 với những Cairo của Ai Cập, vùng Vervey của Thụy Sĩ hay tỉnh Dordogne nước Pháp… Người phụ trách tạp chí ấy nói, giá trị của Hoàng Liên nằm ở chỗ bảo tồn thiên nhiên được kết hợp với văn hóa, đời sống và bản sắc của các đồng bào dân tộc.

Sự nhìn nhận của quốc tế vừa là động lực và mang nhiều giá trị gợi mở. Với diện tích hơn 28.000ha vùng lõi và khoảng hơn 63.000ha vùng đệm, cộng đồng dân cư lớn, áp lực lên rừng không hề nhỏ, nhưng nếu giải quyết được bài toán sinh kế, người dân có thu nhập như mục tiêu đề án, thiết nghĩ công tác bảo vệ, phát triển rừng ở Hoàng Liên sẽ đỡ nhọc nhằn đi rất nhiều.

anh tin bai

Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khu vực Vườn quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: Hoàng Anh.

3.

Dền Thàng và Séo Mý Tỉ là hai thôn bản người Mông nằm sâu nhất trong vùng lõi xã Tả Van của rừng Hoàng Liên, cách trung tâm xã hơn 20 cây số. Mấy anh em kiểm lâm dẫn chúng tôi lên chốt trực của tổ bảo vệ rừng cộng đồng tìm gặp “bố Bâu”, tức Hầu A Bâu.

anh tin bai

Bố Bâu. Ảnh: Hoàng Anh. 

62 tuổi nhưng trông bố Bâu vẫn đầy đủ vẻ tráng kiện của một người Mông điển hình. Đều đặn mỗi tháng leo rừng 3 chuyến, mỗi chuyến từ 3-4 ngày, đặc thù công việc của tổ trưởng tổ bảo vệ rừng cộng đồng Dền Thàng. Biết tôi từ Hà Nội lên, bố Bâu cười khà, dưới ấy có gặp người nhà ta không, đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đấy, ta về Hà Nội mấy lần rồi, đi dự hội nghị của những người có uy tín của bản làng. Cười rồi chia sẻ, Dền Thàng có 128 hộ dân, đều là đồng bào Mông, tự bao đời sống dựa vào lúa nước, chăn nuôi và trồng cây thảo quả. Xa trung tâm, đất đai sản xuất ít nên đã có một thời người Mông ở Dền Thàng và Séo Mý Tỉ đốt rừng làm nương rẫy, nhưng đó là chuyện trước kia thôi.

anh tin bai

Mô hình giao khoán rừng cộng đồng rất hiệu quả ở Hoàng Liên. Ảnh: Hoàng Anh. 

Bố Bâu là tổ trưởng tổ bảo vệ rừng gồm 15 người của Dền Thàng bao gồm cả Bí thư chi bộ, trưởng bản, công an viên và những người khỏe mạnh, thông thạo địa hình của núi rừng Hoàng Liên. Mô hình này nghe đâu manh nha từ những năm 2010, thời ông Bùi Quang Vinh còn làm Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai. Đó là những năm tháng rừng Hoàng Liên liên tục cháy. Cây cối, thảm thực vật sau mùa đông lạnh giá, chết vì sương muối, đến mùa khô không khác gì cái bùi nhùi bắt lửa khổng lồ. Hàng vạn đồng bào sống trong vùng lõi là hàng vạn lý do cháy rừng. Đồng bào giận nhau quẹt lửa, phát rừng làm nương hoặc đốn cây làm nhà bị kiểm lâm lập biên bản bèn trút giận lên rừng, thậm chí đôi lúc say rượu, không có việc gì làm cũng đốt rừng để xem người ta chữa cháy cho vui.

anh tin bai

Rừng chỉ được bảo vệ khi người dân có quyền lợi gắn bó. Ảnh: Hoàng Anh.

Năm ấy xảy ra vụ cháy rừng rất lớn ở Séo Mý Tỉ và Dền Thàng. Tỉnh Lào Cai huy động hết tất cả các lực lượng tham gia nhưng vẫn không thể nào khống chế ngọn lửa vì liên tục phát sinh các đám cháy ở trên núi cao. Ông Bùi Quang Vinh quyết định cử một đoàn khoảng 70 người, đủ các lực lượng cắt rừng, quyết tâm phải dập bằng được. Ai nấy đều tỏ ra ái ngại. Rừng già trung điệp, địa hình chia cắt lại sắp hết ngày, lực lượng tham gia chữa cháy đã bị lửa quần cho mệt lử thì liệu có còn sức mà kéo nhau lên được đến đó hay không. Đang hoang mang tìm cách chợt có anh thanh niên người Mông nói tiếng đồng bào, hua chân múa tay rất sốt sắng. Tìm người phiên dịch hỏi xem thì biết anh ta bảo hãy thuê mình dập lửa. Thuê bao nhiêu? 600 nghìn thôi. Cần mấy người? 10 người thôi. Bao lâu thì tắt? 1 giờ thôi. Tất cả bán tín bán nghi nhưng chẳng thể ngờ chưa đến một tiếng đồng hồ sau đám cháy trên núi đã được không chế thật.

Câu chuyện đó phần nào gợi mở nhiều điều về công tác bảo vệ, phát triển rừng ở Hoàng Liên. Chỉ khi nào người dân đồng thuận, được hưởng lợi từ rừng thực thụ thì khi đó mới có thể giữ rừng. Năm 2012, tỉnh Lào Cai triển khai chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Nguồn thu từ khoản này được cấp về cho các cộng đồng tham gia bảo vệ, hiện mỗi năm số tiền không dưới 10 tỷ đồng. Trong diện tích Vườn quốc gia Hoàng Liên quản lý, có khoảng 21 cộng đồng nhận giao khoán. Tất cả 2.500 hộ dân vùng lõi đều tham gia và được chi trả tiền hỗ trợ bảo vệ rừng. Mặc dù với chế độ khoảng 600.000 đồng/ha/năm như hiện nay còn khá thấp nhưng chính nhờ nguồn kinh phí này, đồng bào đã trở thành tai mắt của vườn quốc gia. Và từ bấy đến nay đúng là không có vụ cháy rừng Hoàng Liên nào ghê gớm cả. Thỉnh thoảng xảy ra đôi đám ở chỗ này chỗ nọ, dân cũng báo lực lượng chức năng nhưng khi kéo vào đến nơi thì các tổ bảo vệ rừng cộng đồng xử lý xong xuôi hết cả rồi.

Tôi hỏi bố Bâu, tổ hoạt động thế nào, ông già cười hiền, mỗi năm kiện toàn một lần đấy, ai không tham gia tuần rừng đầy đủ, có dấu hiệu vi phạm sẽ bị thay. Tất cả các hoạt động tuần tra, phòng chống cháy rừng đều được xây dựng kế hoạch rõ ràng, được chính quyền và vườn quốc gia phê duyệt. Công việc tất nhiên là vất vả, rừng bản nhận giao khoán có những nơi xa mấy chục cây số, lên tận trên đỉnh Nam Cang cao 2.800m, đi mất mấy ngày đường mới đến nơi, tuy nhiên nhờ có chính sách hỗ trợ nên ai cũng muốn tham gia bảo vệ rừng. Bố Bâu nói rồi cầm chiếc dùi làm động tác như sắp đánh kẻng, chỉ cần đánh một hồi thôi là cả bản trong tư thế sẵn sàng. Tất cả các thôn bản trong rừng Hoàng Liên bây giờ đều có một chiếc kẻng như ở Dền Thàng.

Trước khi chia tay, bố Bâu cố giữ chúng tôi ở lại dự lễ cúng rừng của người Mông ở Dền Thàng. Đó là ngày lễ truyền thống từ xa xưa của đồng bào diễn ra vào những ngày có số 3 trong tháng. Những năm gần đây, mỗi khi làm lễ, ngoài việc khấn cho mưa thuận gió hòa, người dân mạnh khỏe, người Dền Thàng còn xin ông thần cho rừng ngày một xanh tươi.  

                                                                                                                                                 Theo:BaoNongnghiep



 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập