Đón tiếp, làm việc với Đoàn chuyên gia Vườn cấp vùng Marais Poitevin
Từ ngày 30/3 đến ngày 06/4/2025, Vườn quốc gia Hoàng Liên đón tiếp và làm việc với Đoàn chuyên gia Vườn cấp vùng Marais Poitevin. Đây là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch triển khai “Thỏa thuận hợp tác 3 năm phi tập trung giữa tỉnh Lào Cai và vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) giai đoạn 2025-2027”.
Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi đón tiếp, ông Nguyễn Hữu Hạnh - Giám đốc VQGHL bày tỏ vui mừng chào đón Đoàn chuyên gia đến thăm và làm việc, mong muốn chuyến công tác đạt kết quả tích cực, hướng tới hợp tác bền vững giữa hai Vườn trong thời gian tiếp theo. Đồng thời trân trọng gửi lời cảm ơn tới bà Giám đốc Vườn cùng ông Chủ tịch Hội đồng vùng về thư mời Đoàn công tác VQGHL đến thăm, làm việc tại Vườn Marais Poitevin từ ngày 10/5/2025.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc VQGHL phát biểu
Tại buổi họp kết thúc chuyến công tác, ông Alain Ernest Charles Leon TEXIER cho biết: Quá trình làm việc với VQGHL, chúng tôi nhận thấy hầu hết cán bộ khoa học chủ yếu tham gia, giám sát các đoàn chuyên gia đến nghiên cứu đa dạng sinh học, chưa thực sự phối hợp làm việc nghiên cứu cùng đoàn; tài liệu do các nhóm nghiên cứu gửi hầu hết là lưu giữ bản giấy, không thuận tiện cho việc tra cứu, tổng hợp thông tin; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu đa dạng sinh học còn hạn chế, chưa kết nối hiệu quả giữa sử dụng GPS và người đi thu thập thông tin loài. Chúng tôi chia sẻ App “Android ODK Collect” trong thu thập thông tin đa dạng sinh học. Đây là ứng dụng dễ sử dụng trên điện thoại để có thể hỗ trợ cho người đi thu thập thông tin loài, kết quả thu thập sẽ gửi về người phụ trách để tổng hợp, cập nhật, lưu trữ.
Đoàn chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm
Đợt hợp tác này sẽ tập trung xây dựng phương pháp, công cụ trong khảo sát, theo dõi 4 nhóm nhiệm vụ, gồm: Lập phiếu khảo sát các loài bướm và lưỡng cư (tại thực địa khu vực Trạm Kiểm lâm Núi Xẻ ở độ cao 1900m và 2200m); Điều tra đánh giá cây Vân sam Fansipan (ở độ cao 2.800m khu vực đỉnh Fansipan, phiếu đánh giá đầy đủ với khoảng 20 chỉ số mô tả); Phiếu thu thập thông tin đa dạng sinh học và cây dược liệu (tại Nhà Bảo tàng Đa dạng sinh học. Việc lưu thông tin tại nhà bảo tàng về các loài cây dược liệu rất hữu ích; các thông tin mẫu được nhập vào phiếu thông tin, sau đó cập nhật vào ứng dụng GIS, thiết lập bản đồ cây dược liệu. Mẫu phiếu khảo sát cũng áp dụng chung đối với các loại động, thực vật, các cán bộ khi đi rừng đều có thể sử dụng, các thông tin được lưu trữ một cách khoa học, thuận tiện tra cứu, qua đó góp phần tăng giá trị thông tin đa dạng sinh học phục vụ nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường.
Như vậy, thông qua việc lập phiếu thông tin mô tả chi tiết chỉ số về loài được cập nhật vào App “Android ODK Collect” trên điện thoại di động (mỗi loài sẽ điều chỉnh phiếu mô tả phù hợp), sau đó cập nhật thông tin vào lớp bản đồ trên phần mềm ứng dụng QGIS/Mapinfo để lưu trữ tại VQG. Với mẫu phiếu này, VQG có thể áp dụng triển khai ngay trong thời gian tới với phương án tiếp cận phù hợp tại thực địa.
Ông Damien Thiery MARIE chia sẻ: Đối với giáo dục môi trường cần nhiều thời gian và sự phối hợp của các đơn vị khác. Hiện tại VQG đang thực hiện các hoạt động giáo dục môi trường cho các đối tượng: (i) Học sinh (hoạt động ngoài trời tại các trường học); hoạt động ngoại khóa tại VQGHL, chúng tôi sẽ hỗ trợ phương pháp tổ chức đạt hiệu quả, hấp dẫn hơn. Ngoài ra, tổ chức thành lập các câu lạc bộ, vườn rau sinh thái, mô hình du lịch làng bản phù hợp để học sinh trải nghiệm; (ii) Đối với người dân thông qua các hội thảo tập huấn, có thể bổ sung một số công cụ mới để làm thế nào tổ chức một cuộc tập huấn hiệu quả hơn, làm sao khi kết thúc hội thảo, người dân được nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường; (iii) Đối với các đối tượng tham gia hoạt động du lịch sinh thái cần tập huấn bổ sung về giáo dục môi trường cho Hướng dẫn viên, porter … Chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ, gửi lại VQGHL để tiếp tục hoàn thiện, đưa vào triển khai trong thời gian tới.
Sau khi thảo luận, áp dụng tại thực tiễn, Đoàn chuyên gia đề nghị:
(i) Đối với đa dạng sinh học: VQGHL sớm áp dụng triển khai phương pháp, công cụ trong khảo sát, theo dõi thông tin về đa dạng sinh học mà Đoàn đã giới thiệu; tổ chức tập huấn để triển khai sử dụng; Lập kế hoạch triển khai thí điểm đối với khảo sát, theo dõi các loài bướm, lưỡng cư, cây Vân sam Fansipan, thu thập thông tin đa dạng sinh học và cây dược liệu (hai bên tiến hành thảo luận, đánh giá tiến độ công việc trong tháng 6/2025 và hoàn thành trong tháng 9/2025), sau đó mở rộng quy mô áp dụng cho tất cả các loài động vật, thực vật khác trên toàn VQGHL.
(ii) Đối với giáo dục môi trường: Chủ động phối hợp với các đối tác liên quan để làm tốt giáo dục môi trường dựa trên tài liệu và gợi ý định hướng chiến lược của Đoàn chuyên gia. Trên cơ sở đó, VQGHL có thể lựa chọn ưu tiên nhiệm vụ triển khai trước mắt và nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài đối với hoạt động giáo dục môi trường trong tương lai.
Trao đổi với đoàn, ông Nguyễn Hữu Hạnh trân trọng cám ơn sự nhiệt tình, trách nhiệm của các chuyên gia trong việc chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và giáo dục môi trường. Đối với những ý kiến của đoàn, VQGHL sẽ chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai, đồng thời tiếp tục trao đổi, thống nhất khi Đoàn công tác VQGHL thăm và làm việc tại Vườn Marais Poitevin trong tháng 5/2025; Kết quả triển khai cuối cùng sẽ được đánh giá khi Đoàn chuyên gia quay trở lại Việt Nam vào tháng 10/2025.
Dương Lan – HKL Hoàng Liên
Một số hình ảnh
Chụp ảnh lưu niệm
Đoàn chuyên gia tặng quà VQGHL
VQGHL tặng quà Đoàn chuyên gia