Nằm ở độ cao 2800 m
so với mực nước biển, quần thể Vân Sam Fansipan hàng trăm tuổi đứng sừng sững
giữa đất trời, rễ bám chặt vào những khối đá granite đồ sộ, hiên ngang xòe tán
lá đón gió mưa bão táp.
Vân Sam Fansipan (hay Fan Si Pan, Phanxipang,
Sam phan xi păng) Abies delavayi subsp. fansipanensis là bậc phân
loại dưới loài của Abies delavayi, là loài đặc hữu chỉ có tại khu
vực cận đỉnh Fansipan của dãy Hoàng Liên. Loài Vân sam này đã từng được biết
với tên định loại Abies delavayi var.
nukiangensis và được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam 1996, chúng cũng được
nhắc với tên đó trong các tài liệu chuyên khảo về Thông trước đó.
Theo
Danh lục đỏ của IUCN (ver. 2014.1) về các loài bị đe doạ toàn cầu, Vân Sam Fansipan Abies delavayi subsp.
fansipanensis được xếp vào mức độ Cực Kỳ Nguy Cấp (Critically Endangered).
Chúng còn được xếp vào nhóm IA, cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại
trong Nghị Định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy
cấp. Do mọc ở vị trí hiểm trở và sinh sống hỗn giao cùng các loài cây bụi
và tre trúc nên khả năng tái sinh của loài Vân sam fansipan là rất thấp, các
cuộc khảo sát thường niên của cán bộ VQG Hoàng Liên cũng như các nhà khoa học
không hề phát hiện các cây con tái sinh dù hàng năm, cây trưởng thành vẫn rụng
hạt rất nhiều.
VQG
Hoàng Liên đã và đang nỗ lực tiến hành các biện pháp bảo vệ, bảo tồn loài cây
đặc biệt này. Một trong những hoạt động tiêu biểu chính là đưa hình ảnh của cây
Vân Sam Fansipan
trở thành 1 trong ba biểu tượng của
VQG Hoàng Liên, cùng với đỉnh Fansipan, dãy núi Hoàng Liên và suối Vàng thác
tình yêu.
Năm 2014, Vân Sam Fansipan được Hội đồng
cây Di sản Việt Nam họp, xét duyệt hồ sơ và kết luận Quần thể 07 cây Vân sam
phan xi păng tiêu biểu, đại diện cho quần thể 26 cây có diện tích khoảng
1.000m2, ở độ cao 2.600m, có độ tuổi trung bình khoảng trên 300 năm tuổi thuộc
Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã đạt đầy đủ các tiêu chí là Cây Di sản Việt Nam.
Vườn Quốc gia Hoàng
Liên đón Bằng công nhận cây Di sản Việt Nam năm 2014
Một
số thông tin về cây VÂN SAM FANSIPAN
Abies delavayi Franch. subsp. fansipanensis (Q.P. Xiang & al.) Rushforth, 1999.
Abies delavayi var.
nukiangensis auct. non (W. C. Cheng
& L. K. Fu) Farjon & Silba, 1990: N. T. Hiep & J. E. Vidal,
1996;
Abies fansipanensis Q.P.
Xiang & al., 1997.
Họ: Thông Pinaceae
Bộ: Thông Pinales
Đặc điểm nhận dạng:
Cây gỗ to, cao tới 30 m, vỏ nâu xám; cành nhẵn hay có lông
màu vàng nâu, vết lá rụng ít lồi. Chồi đông hình trứng tới hình nón, màu đỏ nâu
xanh, có nhựa trong, dài khoảng 8 mm được vẩy bao bọc. Lá mọc xoắn ốc, dày,
dựng thẳng, hình dải, dài 1 - 3 cm, rộng khoảng 1 mm, đỉnh hơi lõm, mặt trên
màu xanh sẫm, mặt dưới có 2 dải lỗ khí màu trắng mốc; mép hơi có răng cưa và
cuộn xuống dưới. Nón cái gần không cuống, từ hình trứng đến hình trụ ngắn, đầu
tròn, dài khoảng 8 cm, đường kính 4 cm, khi chín màu vàng nâu mang nhiều vảy
hạt; vảy hạt ở phần giữa nón hình tam giác ngược hay hình quạt, dài 1,6 - 1,7
cm, rộng 2,3 - 2,4 cm, tròn ở đầu, mép hơi gợn sóng; lá vảy áp sát vào mặt
ngoài ( abaxial) của vẩy hạt, cao chỉ bằng nửa chiều cao của vảy, hình tim có
đuôi, đầu lõm với một mũi nhọn dài 1 cm. Hạt 2 ở mỗi vảy, gần tam giác, dài 1,2
- 1,6 cm kể cả cánh; cánh màu nâu đỏ hoặc nâu đen, gốc hình nêm, đầu cụt.
Sinh học và sinh thái:
Nón xuất hiện tháng 4 - 5, hạt chín vào tháng 12. Gặp
rải rác ở độ cao 2800 m, trong rừng cây lá rộng thường xanh mây mù, có khi sót
lại sau lửa rừng, mọc xen với loài Trúc lùn, Đỗ quyên
Phân bố:
Trong nước: Mới
thấy ở Lào Cai (Fansipan).
Thế giới: Chưa
biết.
Giá trị:
Loài đặc hữu, nguồn gen hiếm và độc đáo của Việt Nam. Gỗ
mềm, dùng đóng đồ dùng thông thường.
Tình trạng:
Tuy là loài hiếm, số cá thể không nhiều, song lại mọc nơi
hiểm trở, và cao của Vườn quốc gia Hoàng Liên, nên nguy cơ bị đe doạ thấp.
Phân hạng: VU A1a,b
Biện pháp bảo vệ:
Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá "hiếm" (Bậc R) (Abies delavayi var.
nukiangensis) và Danh mục Thực vật rừng,
Động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 1) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày
30/3/2006 của Chính phủ để nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương
mại. Cần bảo vệ trong dãy núi Hoàng Liên Sơn kết hợp với loài Bách
tán đài loan kín (Taiwania cryptomerioides) ở độ cao 2000 m để thành lập
khu bảo tồn loài.
Huy Công