Phát hiện nhiều loài lưỡng cư quý hiếm ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 1555


Đoàn nghiên cứu ở 2.700 m, núi Kỳ Quan San thuộc KBTTN Bát Xát từ 8-11/9/2017.

Thực hiện Văn bản số 4198/UBND-NLN, ngày 31/8/2017 của tỉnh Lào Cai về chủ trương bảo tồn 02 loài cóc quý, hiếm, nguy cấp tại Vườn quốc gia Hoàng Liên, trong 14 ngày (từ ngày 05 đến 18/9) Vườn quốc gia Hoàng Liên đã phối hợp với Hội động vật London, Vườn thú Paigton (Anh), Bảo tàng Úc và Chương trình bảo tồn rùa châu Á thực hiện hai đợt khảo sát thực địa tại khu vực núi Kỳ Quan San thuộc Khu bảo tồn thiện nhiên Bát Xát (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), nằm ở phần đầu của dãy Hoàng Liên Sơn và một số địa điểm đại diện trong VQG Hoàng Liên (Sa Pa, Lào Cai).

Dãy Hoàng Liên Sơn nhìn từ độ cao 2.200 m trên núi Ky Quan San, Bát Xát

Kết quả khảo sát bước đầu đã xác định có 20 loài Lưỡng cư thuộc 6 họ, phân bố tại khu vực núi Kỳ Quan San ở độ cao từ 2.100 m đến 2.700 m. Trong đó Họ Cóc (Bufoniudae) có 01 loài; Họ Cóc tía (Bombinatoridae) có 01 loài; Họ Cóc mày (Megophryidae) có 11 loài; Họ Ếch nhái chính thức (Dicroglossidae) có 01 loài; Họ Nhái bén (Hylidae) có 01 loài; Họ Ếch nhái (Ranidae) có 01 loài; và Họ Ếch cây (Rhacophoridae) có 04 loài. Trong số 20 loài có 4 loài ghi nhận ở độ cao 2.700 m, 01 loài ghi nhận ở độ cao 2.400 m và 15 loài ghi nhận ở độ cao 2.100 m. Có 9 loài chưa được xác định tên khoa học tới loài và cần những phân tích tiếp theo trong thời gian tới. Nhiều loài trong số 09 loài chưa được định danh có khả năng là loài mới cho khoa học và chưa được ghi nhận ở các khu vực khác. 

Cóc mày ailao - Leptpbrachium ailaonicum phân bố tại khu vực núi cao trên 1.500m ở Trung Quốc và Bắc Việt Nam

Loài Cóc tía – Bombina microdeladigitora ghi nhận tại độ cao 2.100m tại Bát Xát

Tại VQG Hoàng Liên, Trong đợt khảo sát, nhóm nghiên cứu đã mở rộng khu vực so với trước đây từ 2.800m độ cao xuống 2.600m tại khu vực trạm nghỉ 2.800m (tuyến Trạm Tôn- Fansipan); cả hai loài ưu tiên trong đợt nghiên cứu này (Oreolalax sterlingae và Leptolalax bostfordi,) đã được tìm thấy ở độ cao 2.600m.

Trạm nghỉ du lịch tại 2.800 tuyến Trạm Tôn - Fansipan nơi phân bố của hai loài ưu tiên

Đồng thời tại khu vực mới 2.700m tuyến Cát Cát, loài Oreolalax sterlingae cũng đã được tìm thấy. Đây là những ghi nhận đầu tiên về vùng phân bố của hai loài này ở độ cao 2.600m. Loài Ếch bám đá nhỏ Amolops minutus được tìm thấy ở độ cao 2.600 m trên Fansipan là ghi nhận mới cho VQG Hoàng Liên, loài này được mô tả bởi mẫu vật thu thập tại xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. 


Loài cóc Oreolalax sterlingae, một trong hai loài ưu tiên trong đợt khảo sát được tìm thấy tại độ cao 2.600m.

Loài Cóc mày Leptolalax bostfordi tìm thấy tại độ cao 2.600 m tuyến Trạm Tôn

Loài Ếch bám đá nhỏ Amolops minutus ghi nhận mới cho VQG Hoàng Liên

Bốn (04) mẫu vật của loài này đã được thu thập để có các nghiên cứu sâu hơn. Trong thời gian khảo sát tại VQG Hoàng Liên, đoàn khảo sát đã ghi nhận có 26 loài Lưỡng cư thuộc 06 họ được phát hiện trong đợt nghiên cứu này. Thu thập 210 mẫu bệnh phẩm Lưỡng cư (mẫu nấm trên da) và thu thập 04 mẫu vật của loài Amolop sp. tại khu vực 2.700m tuyến Trạm Tôn - Fansipan. Kết quả kiểm tra nhanh các mẫu bệnh phẩm ngoài thực địa cho thấy có dấu hiệu của nấm da ở hai loài Amolop chungunensis (tại Cát Cát) và loài Bombina microdeladigitora (tại Trạm 2.200m tuyến Trạm Tôn - Fansipan). Các phân tích tiếp theo trong phòng thí nghiệm sẽ được thực hiện để có kết quả chính xác hơn.

Loài Cóc mày nhỏ Leptolalax pluvialis được mô tả tại VQG Hoàng Liên năm 2.000

Loài Ếch cây sần Theloderma bicolor hiếm gặp ghi nhận tại trạm 2.200m tuyến Trạm Tôn- Fansipan


Loài Cóc mày bouret Leptolalax bourreti ghi nhận tại trạm 2.200m tuyến Trạm Tôn


Một loài cóc mắt - Megophrys sp. chưa được xác định tên khoa học


Đợt nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ Chương trình bảo tồn Lưỡng cư VQG Hoàng Liên giai đoạn 2017-2019. Trong thời gian khảo sát đoàn nghiên cứu đã có những kết quả ban đầu, hiểu được phần nào về đa dạng sinh học của núi Kỳ Quan San. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để các cơ quan địa phương có cơ sở tiến hành các biện pháp bảo tồn và phát triển bền vững khu vực này trong tương lai. Đồng thời mở ra cơ hội hợp tác quốc tế lâu dài trong việc nghiên cứu và bảo tồn các loài Lưỡng cư ở KBTTN Bát Xát nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng. 
Ảnh sử dụng được chụp bởi Ben Tapley, Nguyễn Thành Luân và người dẫn đường địa phương.


Dương Lan


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập