Ký sự kiểm lâm Hoàng Liên
Lượt xem: 1158

Sa Pa trong cái nắng hoang hoải của một chiều thu vùng núi Tây Bắc, chiếc xe Ford bán tải lăn bánh chậm rãi trên cung đường ngoằn ngèo đầy hoa và bướm. Năm anh em chúng tôi của Tổ Kiểm lâm cơ động & PCCR Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên thuộc VQG Hoàng Liên vừa đi làm nhiệm vụ về. Mặc dù đã thức trắng gần như trọn một đêm qua cho tới tận lúc này nhưng sao Tôi không thể chợp mắt dù anh em đang ngả nghiêng ngủ ngon lành. Ký ức lại ùa về với bao kỷ niệm buồn vui lẫn lộn…

Nằm trên địa bàn huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai, Vườn Quốc Hoàng Liên được xem là khu rừng đặc dụng quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Tại đây, những cán bộ bảo vệ rừng vẫn ngày đêm vượt mọi khó khăn gian khổ để bảo vệ màu xanh cho dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Có lẽ với tôi những người làm công tác giữ rừng, bảo vệ từng cái cây, từng con thú trong rừng có một sự hy sinh thầm lặng thật lớn lao và nếu bạn không được tiếp xúc và chứng kiến tận mắt công việc hàng ngày của họ, thì bạn sẽ không biết họ lại vất vả và phải làm việc trong môi trường hiểm nguy như thế nào.

Ba năm công tác tại Tổ Kiểm lâm cơ động & PPCR, chưa dài nhưng nó cũng đủ để Tôi thuộc tính thuộc nết từng thành viên trong đội, thuộc từng vết trầy xước trên con chiến mã kiêu hùng tên Ford; thuộc từng ổ gà, sống trâu trên những con đường tuần tra, kiểm soát; thuộc đến cả họ tên, quê quán của từng đối tượng lâm tặc dù mới chỉ đi lướt qua và cũng vừa đủ để yêu một Sa Pa với cái lạnh buốt tê tái vào những đêm đông trên rừng gỗ Pơ mu, một Sa Pa yên bình với bao nhiêu cảnh đẹp để du khách thưởng ngoại nhưng đâu đó vẫn còn các cuộc chiến thầm lặng của những người bảo vệ rừng.

Ngoài kính xe ô tô, cái nắng cuối thu yếu ớt đang dần bị thay thế bởi những cơn gió lạnh mang theo cả sự âm u của sương mù. Một kiểu khí hậu đặc trưng của vùng núi cao Tây Bắc chiều muộn. Nhớ giờ này cách đây 3 năm, Tôi cùng hai anh em trong đội đi tuần tra rừng Pơ mu thuộc khu vực Nà Háng — Suối Thông. Đại ngàn bao la, lại không có người dẫn đường nên đêm đó tổ công tác đã không kịp ra khỏi rừng. Một ngày và một đêm dài trong rừng già sâu thăm thẳm, không đồ ăn, không ánh sáng, không sóng điện thoại với cái lạnh buốt giá của núi rừng. Sau này nghĩ lại vẫn thấy may mắn vì giữa rừng vẫn có một con suối - cái thứ mà nó còn cần thiết hơn cả đồ ăn và mọi thứ tiện nghi sơn hào hải vị khác. Sung sướng hơn nữa là vào buổi sáng ngày hôm sau khi chúng tôi tỉnh dậy có thể hái quả rừng để ăn, hái mầm Thảo Quả nhóm lửa nướng ăn mới thấy ngon làm sao. Thế mới biết rừng thật tốt bụng, không chỉ cho không khí để thở, cho nước để uống, cho quả để ăn, mà còn là nơi trú ngụ của bao loài. Ngày xưa tổ tiên loài người cũng nhờ rừng mà sinh tồn được, vậy mà ngày nay sao con cháu lại tàn phá rừng một cách vô tội vạ, sao không ai cảm thấy day dứt với quá khứ?.

Công việc tuần tra, kiểm soát lâm sản đòi hỏi phải đi nhiều, làm nhiều. Vui vì cảm thấy mình mạnh mẽ, được giống như các anh lính trong phim hay xem hồi bé, nhưng cũng lắm hiểm nguy mà chẳng ai có thể nói trước điều gì. Như trong một lần đuổi bắt xe lâm tặc chở gỗ ban đêm trên địa bàn xã Tả Van (huyện Sa Pa), do xe vi phạm cố tình lạng lách, chèn ép khiến xe của Tổ kiểm lâm cơ động phải tránh, mất lái và đâm vào taluy dương bên đường. Lồm cồm chui ra từ xe, vẫn đủ sức bò vào bãi đất gần nhất gọi đồng đội hỗ trợ rồi mới hỏi xem ai có bị làm sao, rất may cả Tổ chỉ có đồng chí lái xe bị xây sát nhẹ. Bây giờ, mỗi lần nhớ lại cả Tổ vẫn thấy là quá may mắn, bởi một chút xíu nữa thôi, bên taluy âm là vực sâu thăm thẳm hàng trăm mét, thì không biết điều gì sẽ xảy ra và giờ cả Tổ tự nhủ, trong tất cả các tình huống điều đầu tiên là phải bình tĩnh và hết sức khôn khéo, hơn nữa khi truy quét những đối tượng lâm tặc không có thái độ hợp tác. Kiến thức là điều kiện cần thiết, nhưng kinh nghiệm mới là điều kiện đủ để cho công việc tuần tra, kiểm soát, trấn áp loại hình tội phạm này.

Nguy hiểm, vất vả nhưng công việc tuần tra, kiểm soát của đội lại chứa nhiều niềm vui – những niềm vui khó có thế diễn đạt bằng ngôn từ. Có những đợt truy quét thường vào mùa đông, khi mà thời tiết ở Sa Pa lạnh cóng người thì chuyện anh em cả tuần không tắm, mặc mãi một bộ quân áo ngành, thường xuyên “quấn” áo mưa ngủ ở bờ ruộng hay trên đồi là chuyện hết sức bình thường. Mặc dù thiếu thốn mọi điều kiện như thế nhưng anh em cứ được ngủ là ngủ rất ngon, có khi là còn hơn ngủ trong chăn ấm, đệm êm, tác dụng hơn mọi thứ thuốc ngủ mà bác sĩ kê đơn rất nhiều. Thế nên mới có chuyện người dân đi qua nhìn thấy anh em người ngủ, người ngồi co quắp mới nghĩ anh em kiểm lâm hoặc là dân ăn trộm, hoặc là dân nghiện hút nên họ tỏ ra cảnh giác, đề phòng.


Một chuyến tuần tra rừng của Kiểm lâm Hoàng Liên

Công việc nặng nhọc, nguy hiểm luôn rình rập, những chuyến hành quân tuần tra truy quét kéo dài vài ba ngày có khi gần nửa tháng. Ba lô trên vai với đầy đủ vật dụng thiết yếu, nào là quần áo, túi ngủ, bạt, gạo, mắm, muối, cá khô, xoong, nồi... ước lượng mỗi người tầm 25 - 30 kg. Thiết nghĩ đi đường bằng phẳng với 1 người bình thường với số kg như trên đã thấy vất vả, đằng này họ phải trèo đèo, băng rừng, lội xuối, chui rúc qua những bụi rậm chưa có dấu chân người hay di chuyển lần theo dấu vết nào đó. Đặc biệt trong những lần mai phục, truy bắt lâm tặc vào ban đêm mà không sử dụng đèn chiếu sáng thì bao nhiêu mối nguy hiểm luôn rình rập đến tính mạng. Đáng sợ hơn cả là đối mặt với lâm tặc có dùng hung khí, các loài rắn, rết, côn trùng, các loài thú lớn, trượt chân xuống vực sâu... tất cả đều có thể xảy ra, thậm chí có thể chết bất cứ lúc nào! Những người giừ rừng còn phải đối mặt với sự trả thù của bọn lâm tặc. Ví dụ như trường hợp của chị Sùng Thị Sủa vợ anh Má A Chư Tổ phó tổ bảo vệ rừng thôn Dền Thàng xã Tả Van trên đường đi chợ về qua thôn Séo Mý Tỷ đến đoạn đường vắng thì bị bọn chúng ném đá trúng vào đầu, còn anh Chư thì bị chúng chặn đường hăm dọa, đập nát xe máy. Nhưng với họ dù có vất vả, nguy hiểm tới đâu thì niềm vui lớn nhất và hạnh phúc nhất là bảo vệ được rừng, bảo vệ được những giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Hay phát hiện ra những luồng bẫy thú rừng, giải thoát mối đe dọa tuyệt chủng cho các loài động vật, mang lại sự bình yên cho những cánh rừng Hoàng Liên.

Nằm giữa rừng già heo hút biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, việc vận chuyển thức ăn vào tới chốt trạm bảo vệ rừng là một điều không dễ. Thông thường họ phải gửi xe máy ngoài bìa rừng, sau đó gùi thức ăn theo đường mòn nhỏ nhiều dốc cao, luồn lách dưới những tán rừng và trung bình mất từ một đến hai giờ đi bộ mới tới nơi. Riêng với những chốt trạm xa, có thể mất một ngày để đi mua thức ăn cho anh em trong đơn vị, như chốt trực rừng Tùng. Khi mà nhân dân đang chuẩn bị đón cái tết cổ truyền, những người vợ mong chồng, những đứa trẻ ngóng người cha về sum vầy, thì anh em kiểm lâm lại đang ăn vội miếng lương khô, khoác tạm chiếc áo mưa vội vã lên rừng đi tuần tra, truy quyét. Cầm điện thoại lên chỉ giám nhắn tin lại “Tết này ba mẹ con cứ vui vẻ ăn tết cùng Ông bà – Anh bận công việc không về được! Yêu ba mẹ con” sao thấy cay cay nơi sống mũi và nước mắt cứ trực trào ra. Với kiểm lâm Hoàng Liên những cái tết trên rừng cũng có bánh trưng, hành muối nhưng sao thấy ngẹn ngào nỗi nhớ gia đình, người thân bởi xung quanh chỉ có tiếng muỗi vo ve, tiếng côn trùng kêu rả rích cả đêm, tiếng vượn hú gọi đàn và tiếng nước suối chảy róc rác như lời cảm ơn của núi rừng đại ngàn bình yên khi có các anh.


Rừng Hoàng Liên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao vào mỗi mùa hanh khô đến

Tôi được biết hầu như những người giữ rừng không có ngày nghỉ Thứ bảy, Chủ nhật, không có ngày lễ tết mà họ chỉ được nghỉ phép năm và nghỉ bù cộng dồn cho mỗi tháng. Do tính chât đặc thù của công việc, họ phải có mặt thường trực 24/24 để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá trong rừng, đặc biệt vào những tháng cao điểm của mùa khô, khi dự báo cháy rừng đến cấp nguy hiểm thì sự vất vả ấy càng thể hiện rõ nhất. Tôi nhớ lại có một lần vào đúng bốn giờ sáng ngày mùng hai Tết âm lịch thì có tiếng báo động cháy rừng, tất cả các anh em gần khu vực được huy động hết đến hiện trường để chữa cháy, nhiều người đang ngủ vùng dậy vội vàng khoác thêm chiếc áo, cầm theo cái can, con dao phát chạy vào chỗ đám cháy dập lửa. Do đám cháy có địa hình đồi núi phức tạp, không thể cho xe chở nước di chuyển vào khu vực cháy nên các anh em phải vác từng can nước 20 lít, đi ngược dốc lên để dập những gốc cây còn cháy âm ỉ và cuộc chiến đấu đối đầu với “giặc lửa” ấy đến tận trưa mới coi như tạm ổn. Nhìn ai cũng mặt mũi lấm lem tro bụi, thấm mệt sau khi hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy, nhưng trong ánh mắt của họ còn những nỗi trăn trở khi các loài động vật vừa mất đi một phần mái nhà yên ấm của chúng...

Người ta thường nói mỗi ngành nghề đều có bệnh nghề nghiệp riêng. Đối với những người coi rừng là nhà, ăn trong rừng, ở trong rừng và ngủ trong rừng thì bệnh nghề nghiệp chính là những cơn sốt rét nóng lạnh co giật xuyên thấu tim. Nhiều người nói đùa rằng, người nào bị sốt rét liên tục thì sau này chỉ sinh toàn con gái hoặc vô sinh vì “nòng nọc bị đứt đuôi” và ai khi nghe họ nói vậy đều buôn cười cả, nhưng ngẫm lại căn bệnh nghề nghiệp này có thật như vậy không? Hay chỉ là đùa cho vui thì đó vẫn là một câu hỏi! Mỗi khi lên cơn sốt thật là khủng khiêp, người ta run lên bần bật, hai hàm răng va đập vào nhau, dù có đắp vài lớp chăn dày cộm nhưng vẫn thấy lạnh, da dẻ thì xanh xao như người nhái. Những khi ấy, ở giữa rừng già chỉ có đồng nghiệp, không người thân, không gia đình thì nỗi nhớ nhà của những người xa quê càng cô đơn hơn, càng day dứt hơn. Không chỉ vậy họ còn phải hy sinh cả hạnh phúc gia đình, con cái cho nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ màu xanh của núi rừng. Thiết nghĩ, những người vợ có chồng, những người con có cha làm nhiệm vụ bảo vệ màu xanh của núi rừng ấy sẽ như thế nào khi trong nhà thiếu đi trụ cột gia đình? Vậy là gánh nặng về dạy dỗ con cái, chăm sóc cha mẹ già đặt nặng lên vai những người phụ nữ. Phải nói rằng những người vợ, những người phụ nữ ấy vô cùng đảm đang và có đức hy sinh cao cả. Người giữ rừng là thế, tình yêu mà họ dành cho rừng không thể bằng lời nói hay ngôn nào có thể diễn tả hết được. Đó là sự đánh đổi cả tuổi xuân, sức trẻ, gia đình cho công cuộc bảo vệ màu xanh và sự bình yên cho những cánh rừng. Tuy vậy vẫn có nhiều người dân chưa hiểu và thông cảm cho những hy sinh mất mát ấy, họ vẫn coi Kiểm lâm là kẻ thù....vv. Mong rằng sẽ có nhiều hơn sự quan tâm của cộng đồng, của các cấp chính quyền đến cuộc sống của những người ngày đêm gắn bó với rừng như những Kiểm lâm của các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn.

Đi nhiều càng thấy yêu vẻ đẹp của núi rùng Tây Bắc, đa cảm để biết yêu và trân trọng rừng hơn, giống như yêu một tuyệt tác đầy tính thẩm mỹ mà tạo hóa ban tặng vậy. Hình như càng nhiều tuổi, trái tim người ta càng lớn hơn. Phải vậy thôi, phải lớn thì mới đủ sức bao chứa nhiều tình yêu cùng lúc. Cũng như tôi, lúc nhỏ yêu gia đình, yêu cái sân trước nhà, yêu con đường đến trường... đến tuổi trưởng thành biết yêu vợ con, yêu cái xe máy cũ kĩ của mình...Riêng tình yêu với rừng, với công tác trong ngành kiểm lâm, không biết nó đã nảy nở từ bao giờ nữa. Đã yêu rừng từ khi cất tiếng khóc đầu tiên, tiếng khóc mà không có oxy của cây rừng thì không thể khóc được và tồn tại được từ giây phút đầu tiên ấy. Rừng cho cuộc sống, công việc bảo vệ rừng cho niềm vui. Là một chiến sỹ kiểm lâm bình thường như bao chiến sỹ kiêm lâm khác, tự hào tình yêu dành cho công việc thì trên mức bình thường. Ngay lúc này đây, niềm vui ấy cứ âm ỉ vì rằng mình vừa hoàn thành xong một nhiệm vụ, dù nhiệm vụ ấy rất nhỏ bé nếu đem ra so sánh với một số công việc khác.

Chiếc xe đã đưa anh em về tới Thị trấn Sa Pa, ngoài kia trời đã nhá nhem tối, ánh điện lung linh của một thị trấn di lịch nhỏ bừng sáng lấp lánh sau màn sương mùa mờ ảo và công việc của Tổ giờ là về Hạt kiểm lâm ăn tối và lại chuẩn bị cho những cuộc chiến bảo vệ rừng thầm lặng tiếp theo./.

Thiện Tiến – Kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập