Vườn quốc gia Hoàng Liên chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ rừng
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang được ứng dụng mạnh trên mọi lĩnh vực, Vườn Quốc gia Hoàng Liên - nơi được mệnh danh là “kho báu sinh học” của vùng Tây Bắc cũng bắt nhịp với xu thế. Những năm gần đây, công tác chuyển đổi số đã và đang trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Một trong những bước tiến rõ nét nhất là việc số hóa dữ liệu rừng và đất lâm nghiệp mà Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang quản lý. Toàn bộ diện tích được cập nhật trên nền tảng bản đồ số thông qua phần mềm MapInfo, kết hợp với phần mềm theo dõi diễn biến rừng (DBR) giúp giám sát theo từng lô trạng thái. Đồng thời, dữ liệu về đa dạng sinh học, bao gồm các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm tại khu vực cũng được tiến hành số hóa phục vụ công tác nghiên cứu, giám sát và tra cứu kịp thời, chính xác hơn.

Đáng chú ý, hệ thống giám sát rừng bằng công nghệ viễn thám GIS đã được đưa vào sử dụng, giúp nhận diện sớm các biến động rừng, từ đó có các phương án ứng phó kịp thời. Trạm Kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên cũng là một trong những đơn vị tiên phong của tỉnh Lào Cai triển khai hệ thống biển cảnh báo cháy rừng tự động. Với 10 biển báo được lắp đặt tại các điểm trọng yếu, hệ thống sử dụng cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió để đánh giá nguy cơ cháy rừng và xoay kim cảnh báo hoàn toàn tự động thay thế cho hình thức thủ công mất nhiều thời gian và nhân lực trước đây.

Chia sẻ về hiệu quả thực tiễn, anh Trần Văn Vinh, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết: “Ứng dụng công nghệ số đã tạo ra nhiều thuận lợi trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Việc cập nhật, theo dõi biến động diện tích rừng thông qua dữ liệu vệ tinh và hệ thống cảnh báo sớm giúp chúng tôi chủ động hơn rất nhiều trong các phương án ứng phó”.

Không chỉ trong quản lý rừng, công nghệ số còn được ứng dụng hiệu quả trong giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái. Du khách đến với Vườn Quốc gia Hoàng Liên giờ đây có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về các tuyến tham quan, loài sinh vật đặc hữu hay những giá trị sinh thái nổi bật thông qua mã QR đặt tại các điểm dừng chân. Trải nghiệm được nâng cao theo hướng hiện đại, tiện lợi và thân thiện hơn với môi trường.
Về nội bộ, việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử cũng giúp công tác điều hành, chỉ đạo của Vườn Quốc gia Hoàng Liên diễn ra nhanh chóng, hiệu quả. Đây là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng văn hóa làm việc số, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn.

Dù đạt nhiều hiệu quả bước đầu nhưng quá trình chuyển đổi số tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên cũng gặp không ít khó khăn. Địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt và hạ tầng viễn thông chưa đồng bộ khiến việc triển khai công nghệ theo thời gian thực gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính còn hạn chế, việc đào tạo đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu về công nghệ cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Tuy nhiên, Vườn Quốc gia Hoàng Liên xác định đây là quá trình lâu dài, cần được thực hiện từng bước vững chắc và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong thời gian tới, Vườn Quốc gia Hoàng Liên sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng mạng kết nối tại các trạm kiểm lâm, tăng cường công tác đào tạo cán bộ và tích hợp các hệ thống thông tin quản lý tài nguyên, tuần tra rừng, du lịch sinh thái trên nền tảng số chung.
Với quyết tâm, sự chủ động và hướng đi đúng, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang dần biến chuyển đổi số trở thành “đòn bẩy” quan trọng góp phần nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả và phát triển bền vững trong thời đại số.
Theo: BaoLaocai