Cây Thanh mai tự nhiên, loài cây bản địa giầu tiềm năng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên
Thời
gian qua, Vườn quốc gia Hoàng Liên đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình phát triển loài cây Thanh mai tại thôn Séo Mý Tỷ,
xã Tả Van. Đây là loài cây bản địa, quả có thể dùng ăn
tươi, làm mứt, chế biến sirô, rượu vang,… hoàn toàn có thể tạo
sản phẩm hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với phát triển rừng bền vững.
Cây Thanh mai còn gọi là cây dâu rượu, với 2 loài là Myrica
esculenta Buch.-Ham. ex D.Don và Myrica
rubra Sieb. & Zucc (Lê Mộng Chân, Lê Thị Huyên, 2000). Tại Vườn quốc
gia Hoàng Liên, cây Thanh mai mọc tự nhiên nhiều nhất tại thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả
Van; chủ yếu trong các khu rừng tái sinh tự nhiên, các bãi cỏ tranh, hay các quả
đồi thấp, trong các trảng cây bụi lẫn với các loài sim, mua, tế guột, phát triển
tốt ở trên những sườn núi dốc với độ cao 1.500m – 2.500m so với mực nước biển.
Thanh
mai là cây gỗ nhỏ, chiều cao thường đạt 9-10m, phân cành sớm và nhiều từ sát gốc
và trải đều từ gốc lên tới ngọn. Cành cây mọc hơi chếch so với thân chính. Do vậy,
Thanh mai có tán rất rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ra hoa kết quả
nên năng suất quả khá cao. Thanh mai có hệ rễ bên dạng rễ chùm, ăn nông, và
phát triển rất rộng ở tầng đất mặt. Có thể nói đây là một trong những loài cây
đa mục đích giầu tiềm năng.
Quả Thanh mai có vị ngọt, chua, mát đặc
trưng. Người dân vùng cao thường thu hái quả Thanh mai chế biến thành nước giải
khát, rượu vang, ô mai, mứt hay ăn tươi. Theo đông y, quả thanh mai có tác dụng
bổ phổi và dịu đau dạ dày. Người ta thường dùng quả chữa rối loạn tiêu hóa,
tiêu chảy, lỵ; dùng hạt chữa chứng ra mồ hôi liên tục ở chân; dùng vỏ thân, vỏ
rễ sắc uống điều trị các bệnh về da, ngộ độc arsenic…

Thanh mai phân bố tự
nhiên tại thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van
Nói Thanh mai lạ mà quen, bởi mặc dù loài cây này đã mọc tự
nhiên ở núi rừng Hoàng Liên từ rất lâu và người dân địa phương nơi đây cũng
quen thuộc với loại quả này. Nhưng chỉ vài năm gần đây, quả Thanh mai mới được
quan tâm, biết đến nhiều và có giá trị thương mại. Mùa Thanh mai chín tại Sa Pa
cũng là thời gian khách du lịch đến Sa Pa nghỉ mát; do đó, Thanh mai trở thành
một trong những loại quả được du khách ưa chuộng, tìm mua về làm quà. Tuy nhiên,
Thanh mai ở Sa Pa hiện nay chủ yếu là cây mọc tự nhiên, không được chăm sóc,
nhiều cây đã già cỗi nên năng suất không cao, mọc không tập trung nên khó thu
hái, sản lượng chưa nhiều và khó cạnh tranh với quả Thanh mai nhập từ Trung quốc.

Quả Thanh mai được nhiều du khách tìm mua về làm quà khi đến Sa Pa
Nhận thấy Thanh mai là loài cây bản địa giầu tiềm năng, Vườn
quốc gia Hoàng Liên đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Phát triển loài cây ăn quả Thanh mai tại Vườn quốc gia
Hoàng Liên” tại thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van.
Hiện mô hình đã tạo được 01 vườn cây mẹ gồm 150 cây, phân bố trên diện tích 2,0ha,
cây sinh trưởng phát triển tốt, mô hình đang thực hiện thử nghiệm nhân giống
cây con.

Cây Thanh mai tại vườn cây mẹ
Hy vọng thời gian tới, khi mô hình triển khai thành công sẽ đưa cây
Thanh mai thực sự trở thành một trong những loài cây lâm
nghiệp bản địa có khả năng phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với phát triển
rừng bền vững ở Vườn quốc gia Hoàng Liên, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sống trong vùng lõi Vườn quốc
gia Hoàng Liên, giảm thiểu áp lực vào rừng.
Ảnh: Thái Sơn
Bài: Hồng Thắm