Những thành tựu nổi bật của Vườn quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2002-2017
Lượt xem: 565

Trong suốt 15 năm xây dựng và phát triển (2002-2017), Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã thực hiện tốt các chức năng của một khu rừng đặc dụng được coi là quan trọng nhất cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Lễ ra mắt Vườn quốc gia Hoàng Liên năm 2002

Về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, hàng năm VQG Hoàng Liên luôn trú trọng và quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng. Đặc biệt trong nhiều năm liên tục, đã tổ chức các cuộc thi bảo vệ rừng. Bên cạnh việc tuyên truyền đến người dân đơn vị còn thường xuyên tuyên truyền đến học sinh từ Tiểu học đến THPT thông qua các buổi chào cờ hàng tuần, sinh hoạt ngoại khóa, trải nghiệm thực tế,… Nhờ đó mà nhận thức và ý thức tham gia bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư đã được nâng lên rõ rệt.

Diện tích 28.509 ha rừng và đất rừng được quản lý bảo vệ tốt trong suốt giai đoạn. Đường ranh giới giữa 03 loại rừng được cắm mốc đầy đủ, toàn bộ vùng lõi được phân chia thành các tiểu khu và giao cho từng Kiểm lâm viên tổ chức quản lý, bảo vệ. Công tác tuần tra kiểm soát được tổ chức chặt chẽ, hàng tháng tại địa bàn đều tổ chức các đợt tuần tra rừng tận gốc. Đặc biệt trong dịp tết Nguyên Đán năm 2016, 2017 VQG Hoàng Liên đã phối hợp với lực lượng CSCĐ tỉnh, Công an huyện Sa Pa, Hạt Kiểm lâm huyện Sa Pa và tổ BVR tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép.  Nhờ làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng nên đã phát hiện, ngăn trặn triệt để các vụ vi phạm Luật BV&PTR. Trong năm 2015 đã phát hiện xử lý 60 vụ, năm 2016 phát hiện xử lý 69 vụ. Ngay trong 6 tháng đầu năm 2017 đã phát hiện xử lý  29 vụ, tịch thu tang vật 5,165 m3 gỗ các loại, phạt tiền xử lý hành chính 74,25 triệu đồng, tiền bán thanh lý tang vật là 111,6 triệu đồng. 

Đại biểu tham dự lễ phát động trồng cây năm 2010

Từ khi thành lập, VQG Hoàng Liên đã thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng đến từng hộ dân, cộng đồng thôn bản bằng nguồn kinh phí dự án 661. Từ năm 2014 đến nay ngoài nguồn kinh phí giao khoán bảo vệ được UBND tỉnh cấp, VQG Hoàng Liên còn thực hiện chương trình giao khoán bảo vệ rừng gắn với kinh phí Dịch vụ môi trường rừng, Trong năm 2006, đã thực hiện giao khoán bảo vệ 8.600,4 ha rừng cho 19 thôn thuộc địa bàn huyện Sa Pa với đơn giá 327.000 đồng/ha/năm nhằm giúp người dân sinh sống trong vùng có thêm thu nhập, hỗ trợ phát triển cộng đồng thôn bản để người dân gắn kết với VQG trong việc quản lý bảo vệ rừng.

Trong 15 năm qua, VQG Hoàng Liên đã tự thực hiện và hợp tác với các đơn vị, các tổ chức như Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Khoa học Việt Nam, Viện Khoa học lâm nghiệp, Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Viện Dược liệu, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam,Trường Đại học TNXH, Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên; Hội động vật Luân Đôn ( Anh),  Bảo tàng Quốc gia Úc, VQG Pyrenees (CH Pháp), các tổ chức, các nhà khoa học trong nước và quốc tế khác thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, thu thập mẫu tiêu bản động thực vật phục vụ nghiên cứu. Kết quả đã hoàn thành lập danh lục các loài động, thực vật hiện có. Hàng năm đều tổ chức sưu tập và bảo quản hàng ngàn mẫu tiêu bản động thực vật làm cơ sở cho việc đào tạo, nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu quan trọng nhất phải kể đến, đó là việc phát hiện và công bố trên 10 loài mới, trong đó phải kể đến là 02 loài Lưỡng cư Leptolalax và Oreolalax cực kì nguy cấp được các chuyên gia Bảo tàng Úc và Hội động vật Luân Đôn Anh nghiên cứu phát hiện, ghi nhận tại VQG Hoàng Liên nằm trong Sách đỏ thế giới năm 2015.

Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga làm việc với VQG Hoàng Liên năm 2007

15 năm qua VQG Hoàng Liên đã thực hiện nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học. Một số đề tài lớn phải kế đến đó là Đề tài Điều tra đánh giá khu hệ thực vật kết hợp khảo sát khu hệ thú (2003 – 2004); “Nghiên cứu các phương pháp nhân giống một số loài Đỗ quyên” (2004); Sản xuất một số Giống Hoa Lan bằng PP NCMTB (2006 -2009); “Điều tra, đánh giá tính đa dạng của khu hệ bướm; xây dựng bộ sưu tập mẫu bướm làm cơ sở đề xuất các biện pháp bảo tồn các loài bướm”(2008 -2009); “Khai thác và phát triển nguồn gen Tam thất hoang, Hoàng liên ô rô làm nguyên liệu sản xuất thuốc” (2013 – 2016); “Nghiên cứu xây dựng mô hình cây đặc sản rừng Đẳng Sâm”(2014 – 2018); Dự án Trồng rừng Sơn tra trong phân khu phục hồi sinh thái (2014-2018); Dự án Nhân giống một số loài hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào cung cấp cho các xã trên địa bàn huyện Sa Pa (2014 – 2018); “Nghiên cứu phát triển trồng Sâm Ngọc Linh ở một số vùng núi có điều kiện tương tự núi Ngọc Linh; Dự án thí điểm hỗ trợ phát triển Nông nghiệp các xã vùng lõi VQG Hoàng Liên (2017 – 2019) – Agrisud…

Vườn ươm tam thất hoang

Với những thành công đã đạt được, VQG Hoàng Liên tiếp tục đề xuất và thực hiện một số đề tài, dự án góp phần quản lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học trong thời gian tới như: Đề tài “Bảo tồn và phát triển quần thể loài Vân Sam Phan si păng, Hoàng liên chân gà, Sâm vũ diệp”; “Sản xuất giống một số loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cung cấp cho người dân”; “Nhân nuôi thử nghiệm 03 loài động vật Cu li lớn, Cu li nhỏ, Rùa đầu to)”...

VQG Hoàng Liên hiện không chỉ được biết đến về sự phong phú và đa dạng về các loài động thực vật hoang dã, mà tại đây còn là một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn. VQG Hoàng Liên đã và đang xúc tiến mở thêm nhiều tuyến điểm du lịch như: Tuyến leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, Tuyến du lịch sinh thái Suối Vàng – Thác Tình yêu, Vũng rồng – Giếng tiên, Tuyến tham quan rừng già cổ thụ, quần thể cây Di sản, …nhờ làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá mà trong những năm qua, lượng khách du lịch đến tham quan VQG Hoàng Liên tăng lên đáng kể. Chỉ tính riêng trong năm 2016 đã thu hút trên 107.000 lượt khách, đạt doanh thu trên 7,5 tỷ đồng. 

Leo núi chinh phục Fansipan luôn hấp dẫn đối với mọi du khách

Mặc dù mới được thành lập năm 2014 song đến nay Trung tâm Cứu hộ Bảo tồn và phát triển sinh vật đã có một bộ máy tổ chức và cơ sở vật chất tạm đáp ứng yêu cầu về cứu hộ bảo tồn. Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà Trung tâm đã thực hiện tiếp nhận cứu hộ hàng trăm vụ. Trong năm 2016, Trung tâm đã tiếp nhận 25 vụ gồm 50 cá thể thuộc 19 loài động vật và trên 7 vạn cây Thông đỏ Hàn Quốc. Với đội ngũ viên chức, nhân viên yêu nghề, nhiệt tình trong công tác Trung tâm đã cứu hộ, chăm sóc sức khỏe thành công nhiều loài động vật góp phần thực hiện 02 đợt tái thả động vật hoang dã gồm 12 loài với 34 cá thể sau cứu hộ về môi trường tự nhiên. Hiện nay Trung tâm đang thực hiện cứu hộ, chăm sóc 109 cá thể thuộc 34 loài. Trong đó 82 cá thể động vật cứu hộ, bảo tồn thuộc 32 loài và 27 cá thể động vật kinh tế thuộc 02 loài và trên 65.000 cây thuộc 71 loài.

Tái thả động vật về tự nhiên hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới 5/6/2016 tại VQG Hoàng Liên

Trong thời gian qua, VQG Hoàng Liên đã vinh dự đón nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đến thăm và làm việc, trong đó có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt; Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát và rất nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và các bộ ngành trung ương khác.

VQG Hoàng Liên nhận Cờ thi đua của Chính phủ năm 2016

Trong suốt 15 năm xây dựng và phát triển của mình, tập thể công chức, viên chức tại VQG Hoàng Liên đã vinh dự được đón nhận cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; nhiều cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Trưởng NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh./.


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập