Vườn Quốc gia Hoàng Liên tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở
Lượt xem: 511

Sáng ngày 11/6/2017, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã tổ chức Họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở thuộc đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen cây Tam thất hoang (Panax stipulealatus Tsai & K.m. Feng) và Hoàng liên ô rô (Mahonia nepalensis DC) làm nguyên liệu sản xuất thuốc”. Tham gia Hội đồng có 9 thành viên đến từ Trường Đại học Lâm nghiệp, Viện Dược liệu, Học viện Nông Nghiệp và VQG Hoàng Liên do TS. Nguyễn Văn Việt – Phó viện trưởng Viện CNSH Trường ĐH Lâm nghiệp làm chủ tịch hội đồng. Tham gia báo cáo có Đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh GĐ VQG Hoàn Liên, chủ nhiệm thực hiện đề tài và nhóm viên chức Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế trực tiếp thực hiện Đề tài.


TS. Nguyễn Văn Việt – Phó viện trưởng Viện CNSH Trường ĐH Lâm nghiệp, Chủ tịch hội đồng. 

Đề tài ”Khai thác và phát triển nguồn gen cây Tam thất hoang  và Hoàng liên ô rô làm nguyên liệu sản xuất thuốc” được VQG Hoàng Liên ký hợp đồng với Bộ Khoa Học & Công Nghệ, thực hiện trong thời gian từ tháng 01/2013 đến tháng 6/2017. Tổng kinh phí thực hiện Hai tỷ chín trăm năm mươi triệu đồng.


Đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh GĐ VQG Hoàn Liên, chủ nhiệm thực hiện đề tài báo cáo

Với 04 mục tiêu chính là: Xác định giá trị sử dụng, đặc điểm sinh học và sinh thái học của hai loài Tam thất hoang và hoàng liên ô rô, làm cơ sở cho việc khai thác và phát triển nguồn gen; Xây dựng các quy trình kỹ thuật chọn và nhân giống, trồng, thu hoạch, sơ chế và bảo quản dược liệu của hai loài; Xây dựng tiêu chuẩn cơ sở của hai loại giống và của hai loại dược liệu; Xây dựng vườn giống gốc (0,2 ha/loài), vườn nhân giống (0,3 ha đối với tam thất hoang, 0,5 ha đối với Hoàng liên ô rô) và vườn sản xuất cây dược liệu của hai loài (1 ha Tam thất hoang, 3 ha Hoàng liên ô rô).

Cây Hoàng liên ô rô (Mahonia nepalensis DC.) và Tam thất hoang (Panax stipuleanatus H.T. Tsai et K.M. Feng) được biết đến như một loài cây dược liệu quý. Hoàng Liên ô rô là loài cây dạng bụi cao đến 4m, thân, cành và rễ có chứa hàm lượng Berberin cao. Với tên “Thập đại công lao", Hoàng liên ô rô thường được sử dụng chữa đau bụng, rối loạn tiêu hoá, ỉa chảy, kiết lỵ; và theo kinh nghiệm của người dân ở Sa Pa loài cây này còn được dùng làm thuốc bổ đắng có tác dụng chữa xương khớp. Hoàng liên ô rô đang trở thành nguồn nguyên liệu thay thế quan trọng để sản xuất Berberin. Gỗ của thân và rễ có màu vàng nhạt, vị rất đắng như mật gấu, vì vậy mà có tên  gọi khác là “cây Mật gấu”. Trong cây có các alcoloid nhóm benzyl isoquinolein gồm: berberin, berbamin, oxyacanthin, isotetrandin, palmatin và jatrorrhizin… Rễ còn chứa umbellatin (0,48%) và neprotin. Quả cũng có berberin và jatrorrhizin. Theo Đông y, Hoàng liên ô rô có vị đắng, tính mát, vào 4 kinh phế, vị, can, thận; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm làm se. Tác dụng trị bệnh của cây Hoàng liên đã được ghi lại trong bộ sách Thần nông bản thảo như một loại thuốc được xếp vào hàng “thượng phẩm”, nghĩa là vị thuốc không độc, có thể dùng lâu dài để bổ dưỡng.


Quang cảnh buổi họp

Tam thất hoang là cây thân thảo, sau khi trồng từ năm thứ 3 trở đi cây bắt đầu cho thu hoạch củ, nhưng để củ Tam thất có chất lượng tốt thì phải thu hoạch sau trồng từ 6 đến 7 năm. Loại cây này được mệnh danh là "Kim bất hoán" có nghĩa là vàng không đổi được. Hiện nay, Tam thất hoang được dùng để chữa bệnh trong đông y và có nhiều công dụng cho sức khỏe của con người. Trong y học cổ truyền, các bộ phận của cây Tam thất hoang đều được dùng làm thuốc. Rễ củ Tam thất hoang vị đắng ngọt, tính ấm vào 2 kinh can và vị. Có tác dụng bổ huyết, cầm máu, giảm đau, tiêu ứ huyết. Theo Dược điển Việt Nam, Tam thất dùng trị thổ huyết, băng huyết, rong kinh, sau khi đẻ huyết hôi không ra, ứ trệ đau bụng, kiết lỵ ra máu, lưu huyết, tan ứ huyết, sưng tấy, thiếu máu nặng, người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ít ngủ.


Sản phẩm của đề tài

Trong những năm gần đây vùng phân bố tự nhiên của 2 loài trên đã bị thu hẹp nghiêm trọng, do hậu quả của việc suy giảm diện tích rừng tự nhiên và khai thác lâm sản ngoài gỗ trái phép. Những cá thể còn lại rất ít và hầu hết là những cây nhỏ. Cả hai loài đều được xếp trong Sách đỏ Việt Nam thuộc cấp có nguy cơ bị tuyệt chủng cực kỳ cao ngoài tự nhiên. Do đó, Tam thất hoang và Hoàng liên ô rô là cây thuốc có nguồn gen quý cần được ưu tiên bảo tồn khẩn cấp ở Việt Nam hiện nay. Ngoài giá trị nguồn gen thì cả hai loài này đều có giá trị lớn về mặt y học, đều là những cây dược liệu quý, có giá trị cao, có nhiều tính năng chữa bệnh.

Sau 3 năm rưỡi triển khai thực hiện, Đề tài đã đạt được kết quả rất khả quan:

- Đã đánh giá bổ sung đặc điểm nông sinh học và giá trị sử dụng của hai nguồn gen, xây dựng tiêu chuẩn cây giống gốc của Tam thất hoang và Hoàng liên Ô rô. Trong đó Hàm lượng hoạt chất chính cây Tam thất hoang là Saponin: 3,37 – 10,7%; Hàm lượng hoạt chất chính cây Hoàng liên Ô rô là Berberin clorid: từ 0,16 – 0,72%.

- Thu thập bổ sung nguồn gen đạt tiêu chuẩn cây giống gốc và xây dựng vườn giống gốc của Tam thất hoang và Hoàng liên Ô rô. Trong đó đã xây dựng được Vườn giống gốc Tam thất hoang với diện tích 0,2 ha, lưu giữ trên 300 cây giống gốc và Vườn giống gốc Hoàng liên Ô rô với diện tích 0,2 ha, lưu giữ trên 300 cây giống gốc.

- Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống, tiêu chuẩn cơ sở cây giống và xây dựng vườn nhân giống Tam thất hoang và Hoàng liên Ô rô. Trong đó đã xây dựng vườn nhân giống Tam thất hoang với diện tích 0,3ha, cung cấp 5000 cây giống/năm và vườn nhân giống Hoàng liên Ô rô với diện tích 0,5ha, cung cấp 10.000 cây giống/năm.

- Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế bảo quản dược liệu và xây dựng tiêu chuẩn dược liệu Tam thất hoang và Hoàng liên Ô rô. Trong đó Vườn sản xuất Tam thất hoang với diện tích 1,0 ha, tại Bản Khoang, TT Sa Pa và Vườn sản xuất Hoàng liên Ô rô với diện tích 3,0 ha, tại TT Cứu hộ - VQG Hoàng Liên.




Các thành viên hội đồng tham gia ý kiến

Sau phần nhận xét, đánh giá của các thành viên Hội đồng, TS. Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng nhận xét Đề tài có ý nghĩa Khoa học và thực tiễn rất cao; Đề tài mang tính đầy đủ về nội dung, mục tiêu, phương pháp và đa dạng về sản phẩm. Tuy kinh phí hạn chế nhưng đề tài đã thu được kết quả tương đối đồ sộ.  Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu kín, Kết quả 09/09 thành viên đều nhất trí Đề tài đủ điều kiện đánh giá kết quả đề tài ở cấp nhà nước sau khi đã chỉnh sửa báo cáo theo ý kiến Hội đồng.
Cũng tại Hội đồng, đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh – Giám đốc VQG Hoàng Liên kiến nghị Hội đồng về việc giữ lại các sản phẩm của đề tài để tiếp tục nghiên cứu, do cây trồng mới ở độ tuổi 3 còn chưa đạt về sinh khối cũng như hàm lượng các hoạt chất./.

Nguyễn Năm


Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập