Vườn quốc gia Hoàng Liên, những sự kiện nổi bật năm 2020
Lượt xem: 295

1. Đại hội Đảng bộ VQG Hoàng Liên lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 thống nhất mục tiêu xây dựng Vườn quốc gia Hoàng Liên xứng tầm Vườn di sản ASEAN

Ban Chấp hành Đảng bộ VQG Hoàng Liên, nhiệm kỳ 2020-2025

Với phương châm “Đoàn kết – Dân chủ - Sáng tạo – Phát triển”, toàn thể 70 đảng viên đến từ 04 chi bộ trực thuộc đã tập trung thảo luận, thống nhất nghị quyết: Bảo vệ nguyên vẹn và phát triển bền vững tài nguyên rừng hiện có, tăng tỷ lệ che phủ rừng đạt 92%; Giảm số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp hằng năm, quản lý chặt chẽ lửa rừng, giảm thiểu nguy cơ xẩy ra cháy rừng; Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường; Thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật;… Quyết tâm xây dựng Vườn quốc gia Hoàng Liên xứng tầm Vườn di sản ASEAN.

2. UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững VQG Hoàng Liên giai đoạn 2020-2030

Theo đó, VQG Hoàng Liên có tổng diện 28.498 ha rừng và đất rừng đặc dụng nằm trên địa bàn thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai và huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu; Diện tích vùng đệm 63.791 ha. Thực vật rừng có 2.847 loài, trong đó đang lưu giữ 06 quần thể cây di sản Việt Nam (Vân sam Fansipan, Thiết sam, Đỗ quyên cành thô, Đỗ quyên hoa đỏ, Trâm ổi và Hồng quang); Động vật rừng có 555 loài động vật có xương sống trên cạn. Nơi đây gồm nhiều kiểu thảm thực vật rừng: Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp; Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp; Kiểu rừng kín hỗn hợp cây lá rộng, lá kim á nhiệt đới núi thấp; Kiểu rừng kín thường xanh, ẩm ôn đới núi vừa; Kiểu rừng ôn đới núi cao, lạnh.

Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng núi cao

Phương án đề xuất được các giải pháp đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng; Phát huy tiềm năng, lợi thế cho thuê dịch vụ môi trường rừng để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng cây ăn quả ôn đới bản địa và cây dược liệu đặc hữu, quý, hiếm, phát triển du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng núi cao,…

3. Xây dựng, lập Dự án rà soát ranh giới, cắm mốc, đo đạc lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ gắn với giao rừng Vườn quốc gia Hoàng Liên

4. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, không để xẩy ra cháy rừng trên địa bàn được giao quản lý

Quần thể cây Thiết sam (Tsuga domusa) tại độ cao 2.650m

Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức 80 cuộc tuyên truyền trong Nhân dân (đạt 200% kế hoạch) với 7.569 lượt người tham dự (tăng 35,2% so với cùng kỳ). Không còn tình trạng chặt phá, mua bán, vận chuyển cành cây Vân sam Fansipan, Đỗ quyên, Hồng quang, cây cảnh có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Tổ chức thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, không để xẩy ra bất kỳ điểm cháy nào và là năm thứ 4 liên tiếp không để xẩy ra cháy rừng trên địa bànđược giao quản lý

5. Thực hiện lộ trình quản lý, xóa bỏ hoàn toàn cây thảo quả trồng dưới tán rừng tự nhiên VQG Hoàng Liên vào năm 2030

Tổ chức 36 buổi họp với sự tham gia của 2.045 lượt người nhằm tuyên truyền, vận động Nhân dân ký cam kết sản xuất Thảo quả bền vững gắn với bảo vệ rừng. Đến nay, có 1.752 hộ sản xuất 1.242,8 ha thảo quả, giảm 166 hộ và 7,2 ha so với trước đây; Đã hỗ trợ Nhân dân tự nguyện tháo dỡ 532/628 lều, lán sinh hoạt, sấy thảo quả.

Đề ra lộ trình thay thế, xóa bỏ diện tích thảo quả dưới tán rừng đặc dụng đến năm 2030. Bao gồm làm giầu rừng 500 ha trên diện tích người dân không còn sản xuất thảo quả (mỗi năm 50 ha), khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng 750 ha. Chú trọng giải pháp: (1) Giao khoán bảo vệ rừng khoảng 30 ha/hộ cho các hộ gia đình cam kết xóa bỏ diện tích thảo quả, tạo thu nhập 18 triệu đồng/hộ/năm; (2) Hỗ trợ các hộ gia đình trồng cây đặc sản, cây dược liệu trên đất nương rẫy, đất vườn tạp để tạo thu nhập thay thế cây thảo quả.

6. Đổi mới hoạt động khoa học và hợp tác quốc tế

Phối hợp với các tổ chức, nhà khoa học thực hiện mô hình trồng thí điểm Sâm Ngọc Linh, Wasabi; Bảo tồn và phát triển loài Thiết sam, Bách xanh và Hoàng đàn; Điều tra thực địa, sưu tầm, xử lý tiêu bản 80 mẫu thực vật và 25 mẫu động vật.

Nhân dân phấn khởi đón nhận tài liệu cầm tay

Linh hoạt trong triển khai thực hiện dự án nâng cao thu nhập cho người dân tộc thiểu số dựa trên nông nghiệp bền vững (IDEAS). Đây là dự án hợp tác với vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp), gồm hai nhóm hoạt động nông nghiệp chính: Nhóm nâng cao thu nhập (Nhím, Mật ong, Giảo cổ lam, Cây ăn quả và Địa lan), và nhóm cải thiện kỹ thuật (Rau, Lợn đen, Gà bản) với 365 hộ gia đình được hỗ trợ có năng lực canh tác được cải thiện. Thành lập được Nhóm sản xuất Giảo cổ lam (13 hộ), Nhóm nuôi Ong mật (10 hộ) và Hợp tác xã Hoàng Liên với 14 thành viên, tập trung sản xuất hai sản phẩm chính là Giảo cổ lam, Mật ong.

7. Tuyên truyền bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó Covid-19

Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường Hoàng Liên đã tổ chức 08 lớp tuyên truyền bảo vệ môi trường với 320 lượt người tham dự thuộc các xã Hoàng Liên, Tả Van và Bản Hồ. Phối hợp với Trường tiểu học Hàm Rồng, thị xã Sa Pa tổ chức cuộc thi “Rung chuông vàng bảo vệ môi trường” cho khối lớp 4, lớp 5 gồm 100 em học sinh tham gia.

Học sinh trả lời câu hỏi rung chuông vàng

Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển thực vật Hoàng Liên đã thực hiện điều tra, bảo tồn 05 loài động vật nguy cấp, quý, hiếm; Tuyên truyền, vận động và tiếp nhận 15 vụ với 46 cá thể thuộc 14 loài động vật, số vụ tiếp nhận bằng 188% so với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ cứu hộ thành công là 93%; Thực hiện tái thả 02 đợt với 23 cá thể thuộc 06 loài động vật.

Cá thể Rồng đất được tái thả trở về môi trường sống tự nhiên tại VQG Hoàng Liên

8. Các tổ chức đoàn thể đều được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Tham mưu, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; Quyên góp, ủng hộ các quỹ hỗ trợ nhân đạo; Quan tâm, chăm lo đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho mọi công chức, viên chức và người lao động. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2020), đã tổ chức hoạt động giao lưu Bóng chuyền hơi giữa các phòng, đơn vị trực thuộc tạo không khí vui tươi sôi nổi, góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết.

Các đội thi đấu với khí thế sôi nổi, quyết thắng

Công đoàn cơ sở VQG Hoàng Liên được Liên đoàn Lao động thị xã Sa Pa xếp loại hoàn thành xuất nhiệm vụ; Chi đoàn Thanh niên được Thị đoàn Sa Pa xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Tỉnh đoàn Lào Cai tặng Bằng khen; Trung đội SMPK 14,5mm Tự vệ VQG Hoàng Liên và 02 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Toàn dân tham gia xây dựng và củng cố quốc phòng an ninh vững chắc”.

Ban Biên tập

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập