Vì một Vườn Quốc gia Hoàng Liên phát triển bền vững
Lượt xem: 1187

Sa Pa, nơi mảnh đất giao hòa của đất và trời với những cảnh sắc hoang sơ mà hùng vỹ, đan xen giữa núi non trùng điệp với mây trời. Sự hòa quyện của màu xanh núi rừng với màu nắng, màu mây làm cho Sa Pa đẹp huyền ảo, lung linh như trong tiên cảnh. Sừng sững ẩn hiện trong những giải lụa mây ấy là dãy núi Hoàng Liên trùng điệp. Như một cánh cung chắn ngang ngăn cách 2 miền khí hậu và địa lý của Tây Bắc. Hoàng Liên, cái tên được nhắc đến với màu xanh ngút ngàn của núi rừng, nơi đây hội tụ đầy đủ đa dạng hệ động thực vật, nguồn tàin guyên rừng vô cùng quý giá vô tận mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Để gìn giữ được nguồn tài nguyên quý giá ấy không thể không kể đến vai trò của Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Trải qua 14 năm hình thành và phát triển Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã thực hiện tốt vai trò quan trọng của mình trong việc bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên quốc gia –nguồn Tài nguyên rừng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Sa Pa được thành lập theo Quyết định 194/-CT  ngày 09/8/1986 của Chủ tịch hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng chính phủ) với diện tích ban đầu chỉ 5.000ha. Do tính chất đặc biệt về mặt địa lý và giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học cũng như các gia trị tự nhiên. Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Sa Pa đã chính thức được chuyển hạng thành Vườn Quốc gia Hoàng Liên theo Quyết định số 90/2002/QĐ-TTg ngày 12/7/2002 của Thủ tướng chính phủ với tổng diện tích là 29.845ha. Nhiệm vụ chính ban đầu chỉ là quản lý tài nguyên rừng, nghiên cứu khoa học và quản lý hoạt động du lịch sinh thái, khi đó Vườn Quốc gia Hoàng Liên có bộ máy khá đơn giản, với hơn chục cán bộ kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác nhau. Đến năm 2014, đề án kiện toàn  được phê duyệt, bộ máy tổ chức Vườn Quốc gia Hoàng Liên hiện nay đã có 3 phòng, 2 trung tâm, 1 hạt kiểm lâm. Với biên chế 119 công chức, viên chức, 5 nhân viên hợp đồng phát triển rừng và trên 10 hợp đồng lao động. Đặc biệt với 17 cán bộ trình độ Thạc sỹ, 65 cán bộ trình độ Đại học, so với các Sở ban ngành trong tỉnh Lào Cai và hệ thống 31 Vườn Quốc gia của Việt Nam chất lượng lao động của Vườn Quốc gia Hoàng Liên là tương đối cao, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Sau 2 năm kiện toàn tổ chức, Vườn Quốc gia Hoàng Liên giờ đây đã đi vào ổn định, các phòng, đơn vị trực thuộc đã làm đúng chức năng nhiệm vụ, phát huy tối đa sức mạnh tập thể trong việc gìn giữ và phát triển tài nguyên thiên thiên ban tặng cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Với nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng đặc dụng, Hạt kiểm lâm Hoàng Liên được thành lập ngay trong năm 2002. Hiện nay đơn vị quản lý diện tích 28.506ha trải dài trên địa bàn các xã Bản Hồ, Tả Van, Lao Chải, San Sả Hồ huyện Sa Pa và các xã Phúc Khoa, Trung Đồng huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu. Hạt kiểm lâm Hoàng Liên đã thành lập sáu trạm quản lý bảo vệ rừng. Về bộ máy tổ chức, Hạt kiểm lâm Hoàng Liên có một Hạt trưởng, ba phó Hạt trưởng, sáu trạm trưởng, chín phó trạm trưởng và ba mươi tư công chức kiểm lâm địa bàn thực hiện nhiệm vụ chính là thừa hành pháp luật về quản lý bảo vệ tài nguyên rừng.

Do đặc điểm Vườn Quốc gia có nhiều nét khác biệt so với các Vườn Quốc gia khác trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Đó là nơi giao lưu của hai tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới và ôn đới núi cao. Về địa hình, đây là nơi có địa hình hiểm trở, độ dốc lớn và chia cắt mạnh. Với hệ thống các đỉnh núi cao trên 1.000m, trong đó có đỉnh Fansipan cao 3.143m cùng với những nét đặc thù về khí hậu, thời tiết, địa hình của Hoàng Liên, đã hình thành tại nơi đây hệ động - thực vật vô cùng phong phú và đa đạng. 


Một góc rừng Vườn Quốc gia Hoàng Liên

Năm 2004 với đề tài “Điều tra đánh giá hệ thực vật và kết hợp khảo sát hệ thú VQG Hoàng Liên tỉnh Lào Cai”. Các nhà khoa học đã thống kê được 2.847 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.064 chi của 229 họ, trong 6 ngành thực vật trong đó 149 loài cây quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam, qua đó khẳng định được mức độ đa dạng sinh học vượt trội ở VQG Hoàng Liên so với các VQG và Khu bảo tồn khác của Việt Nam.

Nói đến Sa Pa người ta thường nghĩ đến một loài cây đặc trưng của núi rừng Tây bắc, đó là loài Lan. Tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã thu thập được 172 loài Phong lan khác nhau, trong đó có nhiều loài quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Những cái tên kiêu xa như Lan sứa Sa Pa, Lan môi dày Sa Pa hay Hoàng thảo ngọc vạn,Thanh đạm tuyết ngọc, Lan môi ẩn vàng rủ mang đậm sắc màu Sa Pa trong đó. 


Lan Hài khoe sắc trong rừng Hoàng Liên

Để bảo tồn và phát triển, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã thực hiện nhiều đề tài nhân giống hoa Lan bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào như Đề tài nuôi cấy mô Lan Trần mộng xuân dự kiến Vườn Quốc gia Hoàng Liên sẽ cũng cấp trên 10.000 cây lan cho nhân dân các xã trồng phát triển kinh tế. Bên cạnh đó đã nhân nuôi thành công nhiều loài như Lan Hoàng thảo Lan Hài. Có thể nói không có nơi nào trên đất nước việt Nam có nguồn Lan phong phú như ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên.


Cán bộ nhà Nuôi cấy mô tế bào hăng say nghiên cứu, làm việc

Đến với Sa Pa vào mùa hoa Đỗ quyên, ai cũng mang trong mình nỗi niềm lưu luyến những sắc thắm của muôn vàn cánh hoa đỗ quyên rực rỡ. Xen lẫn với mầu xanh của núi rừng, hòa cùng tiếng gió, tiếng chim ca và tiếng suối chảy. Như một bản nhạc du dương, những đốm hoa Đỗ quyên thấp thoáng ẩn hiện khi rực rỡ, lúc lại e dè lấp sau những tán lá, đem đến cho Hoàng liên sắc đẹp ngỡ ngàng. Vườn Quốc gia Hoàng Liên có trên 30 loài hoa Đỗ quyên như Đỗ quyên hoa đỏ, Đỗ quyên hoa chuông, Đỗ quyên ly, Đỗ quyên lưu huỳnh với nhiều gam màu khác nhau từ màu đỏ rực, hồng thẫm, phớt tím, hay màu trắng tinh khôi. Hiện nay, Vườn Quốc gia Hoàng liên đã thu thập đưa vào bảo quản giới thiệu trên 500 mẫu tiêu bản Đỗ quyên các loại. Xây dựng được bộ tài liệu “Đa dạng hoa đỗ quyên Vườn Quốc gia Hoàng Liên”. Đồng thời xây dựng vườn giống gốc bảo tồn với trên 200 cây thuộc 19 loài đỗ quyên, xây dựng mô hình kỹ thuật nhân giống đỗ quyên bằng phương pháp gieo hạt và giâm cành nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý giá này. 


Đỗ quyên Hoa đỏ khoe sắc trên đỉnh núi Hoàng Liên

Vinh dự cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên là có nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã phân loại, đặt tên cho cây và lấy ngay địa danh  Sa Pa và Phan Si Pan làm tên cây. Có 36 loài của 22 họ thực vật mang tên Sa Pa và Phan Si Pan đi khắp thế giới và trong đó có nhiều loài đặc hữu của Sa Pa mà các nơi khác không có. Ngoài ra, Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn có trên 754 loài cây được sử dụng làm dược liệu quý. Với đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Khai thác và phát triển nguồn gen Tam thất hoang và Hoàng liên Ô rô làm nguyên liệu sản xuất thuốc” bắt đầu được triển khai từ năm 2013, trải qua 3 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tốt, mở ra hướng phát triển hai loài Tam thất hoang và Hoàng liên ô rô trên quy mô lớn, từ đó bảo tồn được nguồn gen của 2 loài cây thuốc quý có nguy cơ tuyệt chủng cao. Bên cạnh đó Vườn Quốc gia Hoàng Liên tiếp tục thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển cây đặc sản rừng (Đảng sâm) có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Lào Cai”.  Đảng sâm là loài cây dược liệu quý phân bố và phù hợp với điều kiện sinh thái của Hoàng Liên. Do giá trị sử dụng và kinh tế cao nên loài cây này đã bị khai thác liên tục trong nhiều năm và trở lên cạn kiệt, Đảng sâm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam (1996, 2007), vì vậy việc trồng và phát triển Đảng sâm là cần thiết và cấp bách. Sau 2 năm thực hiện nhờ ứng dụng những kỹ thuật mới trong lâm nghiệp, đề tài đã chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc gần 40.000 cây Đảng sâm cho người dân tại Bắc Hà và Sa Pa nhằm phát triển diện tích cây dược liệu quý và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

.

Đảng sâm – Một dược liệu quý của dãy Hoàng Liên

Với những giá trị về cảnh quan và lịch sử, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã đượcHội đồng cây di sản công nhận 40 cá thể thuộc 06 quần thể cây Di sản Việt Nam trong đó quần thể Vân sam Fansipan (07 cây), Đỗ quyên cành thô (07 cây),  Đỗ Quyên Quang Trụ (06 cây), Hồng quang (06cây), Thiết sam (04 cây) và trâm ổi (09 cây) đều là những cây cổ thụ trên dưới 300 trăm năm tuổi, có cây lên tới 648 năm tuổi. Đây là niềm vinh dự lớn cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên và nhân dân trên địa bàn huyện Sa Pa

Vân sam Fansipan –Cây Di sản Việt Nam

Sự đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Hoàng Liên không chỉ ghi nhận ở hệ thực vật mà hệ động vật nơi đây cũng vô cùng phong phú. Với trên 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó 96 loài thú; 346 loài chim; 63 loài bò sát và 50 loài lưỡng thê, Trong đó có 60 loài động vật quý, hiếm ghi trong Sách đỏ Việt Nam (1992), 33 loài trong Danh lục đỏ IUCN/2004, 5 loài chim đặc hữu cho Việt Nam và 55 loài chim khác đặc hữu cho vùng núi cao của Hoàng Liên Sơn.Yếu tố đặc hữu còn cao hơn nữa đối với khu hệ lưỡng thê (6 loài) và có thể nói VQG Hoàng Liên đang bảo tồn nguồn gen của một nửa loài ếch nhái có ở Việt Nam và có thể được xem như điểm nóng về đa dạng của nhóm động vật này. Đặc biệt có loài Leptolalax bosfordi và Oreolalax sterlingae là hai loài loài Lưỡng cư cực kì nguy cấp được ghi nhận trong sách đỏ thế giới năm 2015 mà chỉ duy nhất ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên mới có.     
                    Leptolalax bosfordi được phát hiện ở VQG Hoàng Liên

Nhờ có sự đa dạng về hệ thảm thực vật ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên mà nơi đây là nơi trú ngụ của rất nhiều loài côn trùng khác nhau. Đặc biệt phải kể đến 89 loài Bọ cánh cứng ăn lá thuộc 40 giống và 9 phân họ. Riêng loài Kẹp kìm có 18 loài thuộc 7 giống, trong đó 4 loài chỉ tìm thấy ở Hoàng Liên. Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn có rất nhiều loài bướm đẹp không những có giá trị bảo tồn, thương mại mà còn có giá trị tham quan du lịch và thẩm mỹ. Nơi đây đã ghi nhận 304 loài, thuộc 138 giống, 10 họ. Đây là nơi duy nhất của Việt Nam có nhiều loài bướm chưa được tìm thấy ở các vùng miền khác của đất nước.

Sự đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Hoàng Liên là thế, nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú đã tạo nên cho Vườn có một vị thế mà không chỉ trong và ngoài nước đều biết đến. Năm 2006, Vườn Quốc gia Hoàng Liên vinh dự được công nhận là Vườn Di sản ASEAN. Đó là giá trị to lớn và tự hào, nhưng đây cũng là bài toán khó đòi hỏi Ban giám đốc và tập thể công chức viên chức Vườn Quốc gia Hoàng Liên nâng cao trách nhiệm trong việc gìn giữ và bảo tồn. Lực lượng chính trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phải kể đến đó là kiểm lâm. Để bảo vệ được rừng, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên phải đối mặt với bao khó khăn thử thách có khi phải kiên quyết nhưng đôi khi cũng phải khéo léo mềm mỏng để đấu tranh với các đối tượng phá hoại tài nguyên rừng. Có tham gia cùng với các chiến sỹ kiểm lâm mới thấy được nỗi vất vả, gian chuân, nguy hiểm khi tuần tra canh gác, xử lý vi phạm bảo vệ rừng. Tại 19 thôn bản luôn có từ 1-2 cán bộ kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ của một cán bộ kiểm lâm địa bàn. Không quản ngại rừng sâu, núi cao, không ngại khó khăn gian khổ và những nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng.


Lãnh đạo cùng cán bộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên trong một  lần Tuần tra rừng

Nơi nào trên địa bàn Vườn Quốc gia Hoàng Liên có cây rừng là nơi ấy có dấu chân của cán bộ kiêm lâm. Bất kể mưa, nắng, đêm hay ngày, bất kể cái lạnh thấu xương có lúc nhiệt độ xuống đến âm độ, các cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên vẫn luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Với tinh thần “yêu cây như con” các chiến sĩ kiểm lâm luôn sẵn sàng bảo vệ, ngăn chặn mọi hành vi phá hoại của các đối tượng ngày đêm rình mò khai thác tài nguyên rừng trái phép. Để làm tốt việc đó, các cán bộ kiểm lâm luôn phải nắm vững tình hình địa bàn và tài nguyên rừng, kịp thời tham mưu, đề xuất với Ban giám đốc Vườn Quốc gia về các kế hoạch và biện pháp tổ chức, chỉ đạo thực hiện việc quản lý tốt tài nguyên rừng và đất rừng trong Vườn Quốc gia. Chỉ tính riêng năm 2015, Hạt kiểm lâm Hoàng Liên đã phát hiện và xử lý 60 vụ vi phạm Luật BV&PTR, tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2014, nộp ngân sách nhà nước 377,2 triệu đồng, đây là thành tích đáng kể của tập thể lãnh đạo và chiến sỹ kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Chữa cháy rừng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên

Việc ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác rừng trái phép gian khổ là thế nhưng việc chống giặc lửa tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn khó khăn, gian khổ gấp bội phần. Năm 2010 là một năm không thể quên đối với mỗi cán bộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên nói riêng và cán bộ, nhân dân tỉnh Lào Cai nói chung. Vụ cháy rừng lớn kéo dài tám ngày đã thiêu rụi trên 700ha rừng với hàng nghìn lượt người tham gia chữa cháy. Một năm không có cái tết cho lãnh đạo, cán bộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Nhìn lên dãy HoàngLiên hùng vỹ không khỏi xót xa khi thảm rừng xanh bạt ngàn bị bao phủ trong màn khói và màu xám của tro bụi.

Một góc khu vực rừng bị cháy năm 2010 ở khu vực thôn Séo Mý Tỷ (Tả Van)

Do đặc điểm khí hậu ở Sa Pa nói chung và khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên nói riêng cứ từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau là vào mùa hanh khô. Trong thời gian này thời tiết tương đối khắc nhiệt,hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra như mưa tuyết, sương muối làm lớp thảm thực bì chết khô hàng loạt. Với địa hình nhiều núi dốc cao, vực sâu,gió nóng Ô quý hồ thổi rất mạnh, cùng với nắng nóng hanh khô kéo dài nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Bên cạnh đó tập quán canh tác nương rẫy, chăn thả gia súc tự do của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng chưa được giải quyết triệt để nên việc phòng cháy và chữa cháy luôn được Lãnh đạo và cán bộ Vườn Quốc gia hết sức quan tâm trú trọng. Hàng năm ngay từ đầu mùa khô hanh, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã xây dựng kiện toàn phương án phòng cháy chữa cháy rừng,kiện toàn và thành lập mới các Ban chỉ đạo, tổ xung kích, tổ ứng cứu nhanh từ VQG Hoàng Liên cho tới các xã, thôn bản, tổ bảo vệ rừng, thành lập chốt cảnh báo nguy cơ cháy rừng, tổ chức tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy rừng bằng nhiều hình thức như họp ăn thề bảo vệ rừng, họp thôn tuyên truyền, truyên truyền trường học, tuyên truyền trên loa phát thanh, xe lưu động, tranh ảnh, pano, áp pic,…trang bị phương tiện, dụng cụ phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy rừng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát. Có thể nói, bằng cách thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đó mà trong những năm gần đây các vụ cháy rừng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã giảm cả số lượng vụ cháy lẫn thiệt hại rừng.

Lãnh đạo, cán bộ Vườn Quốc gia HoàngLiên đến nhà dân vận động, tuyên truyền bảo vệ rừng

Họpthôn tuyên truyền bảo vệ rừng

Hộinghị tuyên truyền bảo vệ  rừng

Rừng được bảo vệ phục hồi và phát triển là công sức của toàn xã hội và lực lượng trực tiếp là kiểm lâm, những người lính thầm lặng giữ rừng. Suốt 14 năm qua tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, với những bước chân không mỏi ngoài nhiệm vụ bảo vệ rừng các cán bộ kiểm lâm còn là tuyên truyền viên, cán bộ khuyến lâm tích cực trong công tác phát triển rừng. Với nhận thức về trồng rừng của bà con dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế nên ở mỗi thôn bản, cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên phải ra sức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân trồng rừng. Để bà con nhân dân thay đổi nhận thức từ chỗ phá rừng nay phải trồng rừng quả là một việc làm khó, không phải một sớm, một chiều mà bà con nghe theo làm ngay. Cán bộ kiểm lâm phải là người ăn cùng dân, ở cùng dân, hiểu dân cần gì, muốn gì. Bằng các biện pháp dân vận khéo léo, cán bộ kiểm lâm đã vận động thành lập được hàng chục các tổ, nhóm ở các thôn bản tham gia trồng hàng trăm rừng, không những nhanh chóng phủ xanh đất trồng, đồi núi trọc mà còn giúp nhân dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình từ hoạt động trồng rừng.

Niềm vui khi trẻ em được tham gia trồng rừng

Từ năm 2014 Vườn Quốc gia Hoàng Liên bắt đầu triển khai chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, ngay trong năm đó đã chi trả cho 15 cộng đồng thôn với số tiền là 769,72 triệu đồng (đơn giá năm 2012) và  1.073 triệu đồng (đơn giá năm 2013), tiếp theo năm 2015 đã chi trả cho 19 thôn với số tiền là 2.194,7 triệu đồng (đơn giá năm 2014).  Đối với tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho diện tích rừng do chủ rừng tự quản lý bảo vệ, Vườn Quốc gia Hoàng Liên tập trung cho công tác tổ chức học tập, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, tập huấn, hướng dẫn công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho các tổ bảo vệ rừng tại các thôn bản. Hỗ trợ các xã, chi tuần tra bảo vệ rừng, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng... Trong 4 năm đã chi 6.344,05 triệu đồng.


Người dân xã San Sả Hồ phấn khởi nhận tiền DVMTR

Mặc dù chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mới được thực hiện ở Vườn quốc gia Hoàng Liên từ năm 2014 đến nay, song hiệu quả bước đầu là đã huy động được nguồn lực ổn định để chi cho công tác quản lý bảo vệ rừng, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Qua thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã cho thấy vai trò trách nhiệm của mỗi người dân và cấp ủy chính quyền địa phương được nâng lên rõ rệt, qua đó rừng đã được người dân quan tâm bảo vệ, số lượng và chất lượng rừng đã từng bước được nâng lên, đa số các hộ gia đình đều tuân thủ các quy định của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng, các tổ bảo vệ rừng thường xuyên kiểm tra, tuần tra đối với diện tích rừng được giao khoán bảo vệ,

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách đã góp phần từng bước tăng thu nhập cải thiện sinh kế của người dân, từng bước giảm sức ép vào rừng, tổng số hộ nhận khoán bảo vệ rừng tính đến năm 2015 trên địa bàn Vườn Quốc gia  Hoàng Liên là 2.146 hộ, trong đó đại đa số là hộ nghèo, số tiền cao nhất một hộ gia đình tại các thôn vùng lõi có thê nhận được lên đến 1,3 triệu đồng chiếm trên 10% tống thu nhập của cả gia đình. Ngoài ra,từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được đầu tư cho việc sản xuất, cung ứng hỗ trợ cho người dân cây giống ăn quả có giá trị, tạo điều kiện cho người dân trồng phân tán nhằm tạo ra nguồn thu nhập ổn định và có hiệu quả góp phần cải thiện sinh kế cho người dân đã và đang được người dân hưởng úng, tích cực tham ra. Đồng hành cùng với người dân trong việc thực hiện chính sách chitrả dịch vụ môi trường rừng là những cán bộ kiểm lâm tận tụy, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân trong việc sử dụng nguồn tiền sao cho hiệu quả, đảm bảo công bằng khách quan.

Biết đến Vườn Quốc gia Hoàng Liên là còn biết đến một điểm du lịch hấp dẫn. Theo chân cán bộ kiểm lâm trong suốt hành trình giám sát cùng du khách trên khắp các tuyến du lịch từ các bản làng thuộc vùng lõi đến khu du lịch Suối Vàng thác Tình yêu, hay tuyến Vũng rồng giếng tiên cho đến hành trình chinh phục leo núi Fansipan để trải nghiệm với thiên nhiên hoang dã của núi rừng Hoàng Liên. Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã xây dựng đầy đủ cơ sở vật chất, tổ chức các tuyến du lịch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để du khách an tâm trong hành trình du lịch của mình. Bên cạnh đó cán bộ Trung tâm Giáo dục môi trường luôn tuyên truyền cho du khách về bảo vệ môi trường và cùng chung tay bảo vệ màu xanh của rừng Hoàng Liên. Như những người chiến sỹ thầm lặng mang đến cho du khách cảm giác an toàn, yên tâm khi được hướng dẫn tận tình, chu đáo trên mỗi tuyến đường, các cán bộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên không quản ngại nắng, mưa, thời tiết khắc nghiệt để hoàn thành nhiệm vụ, mang đến cho du khách bao trải nghiệm khó quên trên dải đất Hoàng Liên.


Du khách chinh phục Fansipan thành công luôn có bóng dáng của cán bộ Vườn Quốc gia Hoàng Liên

Bên cạnh việc gìn giữ và phát triển du lịch sinh thái trong địa phận quản lý thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, công tác Cứu hộ, bảo tồn, phát triển động thực vật cũng luôn được chú trọng. Tháng 4 năm 2014, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật được thành lập. Nằm ngay trong trung tâm thị trấn Sa Pa, bốn mùa cảnh sắc nên thơ, gió lộng hòa cùng mây trời dưới chân đỉnh Fansipan hùng vỹ. Tại đây các cá thể động vật được cán bộ kiểm lâm và nhân dân bàn giao, hiến tặng. Nhiều cá thể khi được tiếp nhận đã trong tình trạng sức khỏe yếu hay bị thương, nhưng bằng tình yêu thương động vật cán bộ và nhân viên Trung tâm đã cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng thành công. Sau khi phục hồi sức khỏe các cá thể động vật ấy lại được thả về với nơi mình sinh ra, về với thiên nhiên hoang dã cùng với bầy đàn.


C

Chăm sóc Cu ly vừa mớiđược tiếp nhận

Đến với Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên, được thấy nhiều cá thể được cứu hộ khỏe mạnh, chơi đùa như Gấu ngựa, Cầy vòi, Cu ly, Mèo rừng, Đạibàng hoàng đế, Gà lôi trắng hay các chú khỉ tinh nghịch…thật đáng mừng. Thế rồi nhìn những vườn ươm cây giống Táo mèo, Đào xanh tốt đang chuẩn bị cho mùa trồng rừng sắp tới hứa hẹn những cánh rừng trĩu quả có giá trị kinh tế cao. Có được thành công như ngày hôm nay chỉ có thể xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, yêu động vật, lòng quyết tâm hăng say gắn bó với rừng của Lãnh đạo, cán bộ và nhân viên Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên mới có thể làm được nhiều điều đó.

Trải qua 14 năm với bao khó khăn, vất vả nhưng tập thể Lãnh đạo, công chức, viên chức Vườn Quốc gia Hoàng Liên vẫn luôn vững vàng trên trận tuyến giữ gìn giá trị mà tài nguyên thiên nhiên đã ban tặng. Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã và đang không ngừng trưởng thành lớn mạnh. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ và  phát triển tài nguyên rừng, cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường. Đặc biệt là nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo các phòng ban đơn vị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị đạo đức cách mạng cho toàn thể công chức viên chức Vườn Quốc gia Hoàng Liên cần có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp, các ngành vì một mục tiêu gìn giữ màu xanh bền vững cho Hoàng Liên, cho quê hương đất nước./

 

                                                                                                                                                              Nguyễn Năm - Phó trưởng phòng Tổ chức Hành chính










Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập