Tòa tháp xanh trong rừng di sản
Lượt xem: 346

LCĐT - Trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ, nơi quanh năm bồng bềnh mây trắng có quần thể cây Vân Sam mọc ở độ cao trung bình 2.600 m so với mực nước biển, độ tuổi trung bình trên 300 năm, cây trung tâm hơn 650 năm tuổi. Năm 2014, loài cây này được công nhận là cây di sản Việt Nam và được ví như “Quốc bảo”, bởi cho đến nay, loài vân sam này chỉ được phát hiện ở đỉnh Fansipan, thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa).





Hành trình khám phá rừng di sản

Đất trời sang xuân, muôn hoa đua nở khắp núi rừng, Sa Pa vẫn lạnh thấu xương, nhưng để tận mắt chiêm ngưỡng những cây di sản độc đáo nhất Việt Nam thì cái lạnh đó không ngăn được bước chân của những người ưa khám phá. Ngoài tôi và đồng nghiệp, 5 người còn lại trong đoàn leo núi đều là những người đi rừng có thâm niên, thông thạo địa bàn, am hiểu kiến thức văn hóa, phong tục, tập quán của người dân địa phương được lãnh đạo Vườn Quốc gia Hoàng Liên cử dẫn đường. Đó là 2 cán bộ kiểm lâm của Trạm Kiểm lâm xã San Sả Hồ (Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên), 3 người là nhân viên Tổ bảo vệ rừng thôn Sín Chải và thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ.

Trước giờ xuất phát, anh Trịnh Đình Hưng, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm San Sả Hồ, người có gần 10 năm bảo vệ khu rừng quý phân tích để chúng tôi lựa chọn. Tuy có một đường để chinh phục khu rừng vân sam nhưng có thể đi bằng 2 cách: Thứ nhất, leo bộ hoàn toàn, điểm xuất phát từ thôn Cát Cát, đây là tuyến quen thuộc để chinh phục đỉnh Fansipan. Nếu đi nhanh thì mất khoảng 8 giờ và sẽ nghỉ đêm tại rừng. Thứ hai, kết hợp đi cáp treo và đi bộ, nghĩa là đi cáp treo đến đỉnh Fansipan, sau đó tiếp tục đi bộ theo đường xuống núi. Bằng cách này sẽ mất khoảng 4 giờ, tiết kiệm được thời gian mà đỡ mất sức hơn.

Chúng tôi chọn cách thứ 2 cho hành trình. Tuyến đường bộ leo núi Fasipan có một số đoạn đã được cải tạo bằng những bậc đá giúp chúng tôi dễ dàng hơn trong việc di chuyển. Với những đoạn chưa được cải tạo, chúng tôi phải vừa đi vừa rẽ cỏ, vừa lần theo vách núi. Người đi rừng chuyên nghiệp như anh Hưng cũng toát mồ hôi, với phái nữ thì quả là thử thách lớn, nhưng sự háo hức, tò mò giúp chúng tôi có tinh thần để hoàn thành chuyến đi.

Khu rừng già Hoàng Liên Sơn được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng khí hậu trong lành, cảnh sắc nên thơ. Điều kỳ lạ là các cây cổ thụ ở đây cây nào cũng có tán lá tròn úp trên đầu như những chiếc mũ khổng lồ, trên cành thi nhau lòa xòa, vấn vương nhiều loại phong lan rực rỡ. Theo hướng tay anh Hưng chỉ, tôi thấy phía xa xa là những cây vân sam đứng hiên ngang, nổi bật nhất giữa đại ngàn bởi hình dáng không lẫn với bất kỳ loài cây nào. Dáng cây thẳng đứng, vươn cao, tán tỏa rộng, tầng tầng, lớp lớp, đều tăm tắp như dáng cây bonsai đã được cắt tỉa tỉ mỉ...

Mặt trời đứng bóng cũng là lúc chúng tôi đến được cây Vân Sam ở vị trí trung tâm. Đây là cây lớn nhất trong khu rừng này, cao khoảng 15 m, đường kính hơn 1 m, tuổi đời khoảng hơn 650 năm. Lần đầu tiên tôi được mục sở thị một cây vân sam to và đẹp đến vậy. Đưa tay chạm nhẹ vào lớp vỏ cây sần sùi, rêu phong, tôi cảm nhận những dấu mốc thời gian. Lá cây dạng kim, màu xanh thẫm, dày, xếp vòng xoắn ốc xung quanh cành, mép lá nhẵn, uốn ngược. Các cành mọc đan xen, tầng tầng, cân đối như những mâm xôi tỏa ra các hướng, nhìn rất đẹp mắt. Mở rộng tầm mắt ra xung quanh, tôi chiêm ngưỡng đầy đủ cả quần thể cây di sản. Mỗi cây một vẻ về tuổi đời, kích thước, chỗ đứng nhưng khi hợp nhất lại tạo thành một quần thể tầng tầng, lớp lớp như những tòa tháp xanh giữa mênh mang đại ngàn.

Huyền thoại rừng “cảnh tiên”

Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, người Mông ở xã San Sả Hồ thường xuyên vào rừng hái quả, lấy thuốc. Khi đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên (Sa Pa) chưa được thành lập. Ban đầu, người dân chỉ vào rừng từ độ cao 2.000 m trở xuống, sau đó thấy ở khu rừng này có nhiều loại thuốc quý dùng để chữa bệnh nên họ leo lên cao dần. Tới độ cao 2.600 m trở lên, họ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp thần tiên của khu rừng vân sam Fansipan, khi đó gọi là rừng sam lạnh, hay lãnh sam, vân sam Hoàng Liên.


Du khách khám phá rừng Di sản Việt Nam.

Già làng Vàng A Cháng ở thôn Sín Chải kể: Đường đi rừng ngày xưa rất vất vả, thông thường phải 2 - 3 ngày mới có thể xuống núi. Người dân trong thôn mỗi lần vào rừng hái thuốc lại đến khu rừng vân sam để nghỉ chân, ngủ qua đêm ở đó. Giữa đại ngàn lạnh giá, được rừng vân sam cổ thụ che chở, người dân thấy ấm áp, yên bình như ở trong ngôi nhà của mình. Mọi người còn truyền tai nhau về một loại nấm quý mọc trên những thân cây vân sam già, ăn vào có thể chữa được “bách bệnh” và đặc biệt là kéo dài tuổi thọ.

Người từng được chứng kiến thì tự hào, người chưa được “mục sở thị” thì háo hức, dần tạo nên những câu chuyện huyền thoại về khu rừng. Trải qua bao nhiêu năm, quần thể cây vân sam vẫn đứng hiên ngang, sừng sững, oai phong chống chọi với phong ba, bão tuyết mà vẫn đẹp, vẫn xanh. Để rồi, người dân địa phương thống nhất gọi đó là khu rừng “cảnh tiên”, hay còn gọi là rừng “thần tiên” và luôn coi như người bạn thân, đời nọ truyền đời kia gìn giữ…

Gìn giữ rừng “Quốc bảo”

Vân Sam Fansipan được đưa vào Sách đỏ Việt Nam từ năm 1996 - thực vật đặc hữu của Lào Cai và của Việt Nam. Cây vân sam được xếp vào nhóm IA, nhóm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Những cá thể vân sam phân bố tự nhiên không nhiều, trên diện tích hẹp và đang có nguy cơ tuyệt chủng do nhiều mối đe dọa vì khả năng tái sinh rất kém. Dẫn chúng tôi tham quan thêm nhiều cây gỗ quý, Vàng A Dê, sinh năm 1994, chàng trai người dân tộc Mông, dáng cao, đậm, đã có “thâm niên” 5 năm làm Tổ phó Tổ bảo vệ rừng thôn Sín Chải tâm sự: Thôn Sín Chải có 1 tổ bảo vệ rừng, chia thành 3 nhóm để bảo vệ khu rừng vân sam. Tổ bảo vệ rừng của thôn được tập hợp vào ngày lễ cúng rừng đầu năm, thành viên phải là những người có uy tín, trách nhiệm trước cộng đồng và yêu rừng. Người dân trong thôn coi rừng vân sam như một phần quan trọng trong đời sống nên ai cũng có trách nhiệm phải bảo vệ. Hương ước của thôn, bản đã quy định rõ người nào chặt cây quý trên rừng tự nhiên sẽ bị phạt thật nặng.

Anh Lê Tiến Dũng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm San Sả Hồ thông tin: Trạm Kiểm lâm San Sả Hồ nằm trên địa bàn thôn Sín Chải có vai trò then chốt trong việc tuần tra, kiểm soát bảo vệ và phát triển rừng. Hiện nay, trạm đang quản lý trên 3.000 ha rừng đặc dụng, trong đó có rừng Vân Sam. Cách đây gần chục năm, trên địa bàn xã xảy ra tình trạng người dân lén vào rừng chặt cành vân sam bán cho người chơi tết. Sau khi phát hiện sự việc trên, chúng tôi cử ngay một nhóm cán bộ kiểm lâm lên rừng, ăn ngủ trên rừng suốt dịp tết để bảo vệ. Để quản lý diện tích rừng này, trạm thành lập 4 tổ bảo vệ rừng, luân phiên trực và đi tuần. Những ngày cận tết, đề phòng tình trạng người dân vào rừng khai thác cành vân sam, chúng tôi đã thành lập các chốt lưu động trong rừng; bố trí cán bộ trực 24/24 giờ và phối hợp với các lực lượng chức năng duy trì tuần tra, kiểm soát. Cùng với đó, chính sách giao khoán rừng và hỗ trợ gạo cho những hộ nhận bảo vệ rừng cũng đã động viên người dân địa phương trong việc nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng.

Quần thể vân sam Fansipan phân bố ở độ cao từ 2.600 m, trên cung đường từ thôn Cát Cát đến đỉnh Fansipan với 500 cá thể tại khu vực điển hình được lựa chọn để xây dựng hồ sơ cây di sản có 26 cá thể, phân bố dọc cung đường. Tất cả các cây gỗ quý được đánh số thứ tự, tọa độ được định vị chuẩn xác bằng máy GPS, sau đó được chuyển vào kho dữ liệu trên máy vi tính để cắm mốc vị trí từng cây trên bản đồ điện tử. Mỗi cây gỗ quý lại có số hiệu khác nhau, giống như “giấy khai sinh” của mỗi người vậy. Nghĩ đến đây, chúng tôi mới thấy rõ hơn ý nghĩa về quyền được sống mà tự nhiên ban tặng cho muôn loài. Ở đâu đó, con người vì ham muốn của bản thân mà xâm hại, triệt đường sống của loài khác. May thay ở nơi đây, người dân sống hài hòa với tự nhiên, ngày ngày bảo vệ từng cây gỗ quý như bảo vệ chính cuộc sống của mình.

Chúng tôi chia tay khu rừng quý thuộc hàng “Quốc bảo” để hạ sơn trong làn khói lam huyền ảo. Những làn mây trắng như dòng sông bồng bềnh, ôm ấp như muốn níu chân lữ khách giữa những đỉnh núi điệp trùng. Trời mỗi lúc thêm lạnh trong tiếng gió gầm gào, nhưng chúng tôi đều thấy ấm lòng bởi tình yêu rừng của những người dân và cán bộ kiểm lâm nơi đây sẽ lưu truyền đến muôn thế hệ sau để gìn giữ báu vật của đại ngàn.

KIM THOA(BÁo Lào Cai.vn)



Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập