Lễ Lễ đón Bằng công nhận cây Di sản Việt Nam và trao giải cuộc thi sáng tác ca khúc về Vườn Quốc gia Hoàng Liên năm 2014
Lượt xem: 7

Đến Dự và chỉ đạo buổi lễ có Đồng chí Hầu A Lềnh – UV Dự khuyết TW Đảng, UV Thường thực Tỉnh ủy, Bí thư huyện ủy Sa Pa; Đ/c Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam; Nhạc sĩ Văn Dung chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội;  Đ/c Giàng Mạnh Nhà – Tỉnh ủy viên, Ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai . Đ/c Đinh Khắc Hiếu - Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu cùng nhiều lãnh đạo các Sở ban ngành tỉnh Lào Cai, tỉnh Lai Châu; Lãnh đạo các phòng ban đơn vị trên địa bàn huyện Sa Pa, lãnh đạo 4 xã vùng lõi và công chức, viên chức Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

 

 Quang cảnh buổi lễ

Tại Buổi Lễ Ông Nguyễn Duy Thịnh, Phó Giám đốc VQG Hoàng Liên đã báo cáo về quần thể cây Vân Sam và quần thể cây Đỗ quyên được công nhận Cây Di sản Việt Nam và tổng kết cuộc thi sáng tác ca khúc về Vườn Quốc gia Hoàng Liên năm 2014. Vườn Quốc gia Hoàng Liên là nơi duy nhất của tỉnh Lào Cai, có phân bố tự nhiên với quần thể tập trung của hai loại Vân Sam Fansipan và Đỗ Quyên cành thô được phân bố độ cao trên 2.600m so với mực nước biển, tiêu biểu cho hệ sinh thái “Rừng thường xanh ôn đới ẩm núi vừa, lạnh tầng dưới (ở độ cao trên 2.400m)”, là kiểu rừng phân bố tập trung quanh đỉnh Fansipan trong điều kiện khí hậu giá lạnh, tầng đất mỏng, thoát nước nhanh, nhưng độ ẩm không khí cao.

Quần thể Vân Sam Fansipan được phân bố tập trung tại độ cao 2.600m, với diện tích khoảng 1.000m2 của 26 cá thể. Số lượng cá thể ít, chỉ tồn tại trong một khu phân bố duy nhất, rải rác, tái sinh tự nhiên kém. Vân Sam Fansipan có tên địa phương là Sam lạnh, Vân Sam Hoàng Liên hay Lãnh sam, tên khoa học là Abies delavayi subsp. fansipanensis, thuộc ngành Thông (Pinophyta). Vân Sam Fansipan là loài cây gỗ lớn, mọc thẳng, có độ cao trung bình từ 15 – 20m mọc rải rác tại các vách núi cao thuộc đỉnh núi trong rừng rậm nguyên sinh thường xanh mưa mùa nhiệt đới ở độ cao 2.600m – 3.000m thuộc vùng núi Fansipan trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Chúng mọc hỗn giao với thảm thực vật tre nứa ưu thế và sống chung với các loài khác như Thiết sam núi đất (Tsuga dumosa), Dẻ Sa Pa, Hồi núi cao, Hồng quang, De, Giổi núi cao, Đỗ quyên các loài, Chân chim…Vân Sam Fansipan là loài đặc hữu của Lào Cai cũng như của Việt nam, phân bố duy nhất trên đỉnh Fansipan, được đưa vào sách đỏ Việt Nam năm 1996. Theo Danh lục đỏ IUCN (ver. 2013.1) về các loài bị đe dọa toàn cầu, Vân Sam Fansipan được xếp vào mức độ đe dọa Rất Nguy cấp. Trong sách đỏ Việt Nam 2007, được xếp hạng ở mức Sẽ Nguy cấp. Ngoài ra, Vân Sam Fansipan còn được xếp vào nhóm IA, nhóm cấm khai thác sử dụng vì mục đích thương mại trong nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp; là loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo nghị định 160/2013/NĐ-CP.

 

 Quần thể cây Vân Sam Fansipan tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên được công nhận là Quần thể cây Di sản Việt Nam

 

Quần thể Đỗ Quyên cành thô được phân bố tập trung tại độ cao 2.700m, với diện tích khoảng 1.000m2 của 56 cá thể. Số lượng cá thể ít, phân bố rải rác. Quần thể đa phần là những cây cổ thụ, sinh trưởng và phát triển bình thường. Đỗ Quyên cành thô có tên gọi địa phương là Đỗ quyên Hoa vàng, tên khoa học là Rhododendron basilicum Balf. f. & W. W. Sm., thuộc họ Đỗ Quyên (Ericaceae). Đỗ Quyên cành thô là loài cây gỗ lớn, độ cao trung bình từ 11m – 15m, có cành thô phủ lông nhung màu trắng và xám. Đỗ Quyên cành thô đang là loài cây đóng vai trò quan trọng và to lớn trong công tác khoa học và bảo tồn, đặc biệt là trong cấu trúc tổ thành loài của một số trạng thái rừng như trạng thái rừng ôn đới, thảm thực vật ôn đới nguyên sinh, thảm rừng có nhiều cây cổ thụ. Ngoài ra, Đỗ Quyên cành thô là loài có hình dáng đẹp, to cao nên có giá trị làm cảnh và trồng cảnh quan.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên có trên 30 loài Đỗ Quyên và được mệnh danh là Vương quốc các loài hoa Đỗ Quyên, đại diện hầu hết cho các loài Đỗ Quyên ở Việt Nam, có hoa nở từ tháng 2 – 4 hàng năm với vẻ đẹp dịu dàng, tạo nên giá trị du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến để tìm hiểu, chiêm ngưỡng và khám phá. Nhờ đó đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ chính là loại hình du lịch leo núi mạo hiểm chinh phục đỉnh Fansipan kết hợp ngắm hoa Đỗ Quyên.

 

 Quần thể cây Đỗ quyên cành thô tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên được công nhận quần thể cây Di sản Việt Nam

 

Phát biểu cam kết bảo tồn 2 quần thể cây Di sản Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Vĩnh – Giám đốc VQG Hoàng Liên cho rằng đây là một vinh dự lớn cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên, UBND tỉnh Lào Cai, Chính quyền và nhân dân huyện Sa Pa. Đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy, khai thác có hiệu quả những tiềm năng cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học nói chung và danh hiệu Cây Di sản Việt Nam nói riêng. Việc công nhận hai quần thể Cây Vân Sam Fansipan và Đỗ Quyên cành thô là hai quần thể Cây Di sản Việt Nam không chỉ là bằng chứng xác thực về rừng nguyên sinh hiện còn trong khu vực huyện Sa Pa, Lào Cai, mà còn góp phần tạo nên đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái hấp dẫn du khách khi đến với VQG Hoàng Liên, là điểm nhấn quan trọng và là động lực thúc đẩy cho loại hình du lịch sinh thái.

Để thực hiện bảo tồn 2 quần thể cây Vân Sam Fansipan và Đỗ Quyên cành thô trước mắt VQG Hoàng Liên can kết thực hiện bảo tồn theo hai hướng.

 Một là bảo tồn nguyên vị: Đây là giải pháp bảo tồn ngay tại nơi loài cây đang sinh sống trong tự nhiên thông qua biện pháp quản lý bảo vệ nghiêm ngặt, thường xuyên thành lập các đoàn tuần tra, kiểm soát. Đặc biệt VQG Hoàng Liên đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện việc thành lập các điểm chốt trực bảo vệ rừng Vân Sam Fansipan ngay tại khu vực có phân bố loài cây này, nhằm bảo vệ nghiêm ngặt không để xẩy ra tình trạng khai thác cành Vân Sam Fansipan làm cảnh chơi tết. Đồng thời vào mùa khô hanh đơn vị cũng thành lập chốt BVR, PCCCR tại khu vực trên nhằm phát hiện, ngăn trặn kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Ở những thời điểm thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài đơn vị cho đóng cửa rừng, tạm dừng tất cả các hoạt động du lịch và hoạt động vào rừng nhằm hạn chế cao nhất nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Hai là bảo tồn chuyển vị: Bao gồm các biện pháp nhằm di dời các cây con ra khỏi môi trường sống thiên nhiên của chúng. Mục đích của việc di dời này là để nhân giống, lưu giữ, nhân nuôi vô tính hay cứu hộ trong các khu vườn ươm, vườn thực vật, ngân hàng gen…song song với hai biện pháp bảo tồn trên, VQG Hoàng Liên cũng gắn liền với các giải pháp về phát triển kinh tế, đời sống, văn hóa, thực hiện các chương trình tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ đa dạng sinh học của người dân địa phương, đặc biệt tuyên truyền cho người dân, khách du lịch không sử dụng các loài cây này làm cây cảnh, nhất là vào dịp tết nguyên đán.

Cũng tại buổi lễ, Ban tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã tổng kết trao giải cuộc thi. Trước đó được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã phối hợp với Sở VHTTDL, Hội VHNT tỉnh Lào Cai, UBND huyện Sa Pa tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về Vườn Quốc gia Hoàng Liên năm 2014.

Cuộc vận động được phát động từ đầu tháng 6/2014. Sau hơn 4 tháng phát động Ban Tổ chức đã nhận 45 tác phẩm của 35 nhạc sĩ sáng tác, trong đó có 41 tác phẩm dự thi và 4 tác phẩm gửi tặng. Các tác phẩm tham dự đã thể hiện được tấm lòng yêu mến con người, thiên nhiên hùng vĩ, cảnh sắc hương đất, hương rừng, những khó khăn, vất vả trong công tác quản lý bảo vệ rừng của công chức, viên chức Vườn Quốc gia Hoàng Liên; Theo đề nghị của Ban Tổ chức, Ban giám khảo gồm những nhạc sĩ tên tuổi như Nhạc sĩ Văn Dung, Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Nhạc sĩ Vũ Duy Cương đã thẩm định, kết quả 6 tác phẩm đoạt giải trong đó Giải nhất thuộc về  tác phẩm Bất chợt Fansipan – nhạc và lời nhạc sĩ Bá Môn; Hai giải nhì thuộc về tác phẩm: Hoàng Liên bốn mùa – Nhạc Huy Hoàng, thơ Nguyễn Lê Hằng và tác phẩm: Hoa Đỗ Quyên - Nhạc và lời nhạc sĩ Lê Trọng Hùng; Ba giải ba thuộc về tác phẩm: Hát về em cô gái cứu hộ Hoàng Liên - Nhạc và lời nhạc sĩ Ngọc Hòa; tác phẩm: Rừng Hoàng Liên điểm hẹn tình yêu - Nhạc Đinh Tiến Bình, thơ  Đoàn Hữu Nam; tác phẩm: Mùa Hoa Đỗ Quyên - Nhạc Phu Ngọc Lan, thơ Phạm Công Thế.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

 

 

 GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam trao Quyết định và Bằng Công nhận
Cây Di sản Việt Nam cho Đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh - Giám đôc Vườn quốc gia Hoàng Liên

 

 Văn bia cây Di Sản Việt Nam

 

 Nhạc sĩ Văn Dung - Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội và Đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh - Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên trao giải Nhất cho nhạc sĩ Bá Môn - tác giả đạt giải nhất cuộc thi sáng tác ca khúc về VQG Hoàng Liên năm 2014

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập