Hội nghị sơ kết công tác 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2014
Lượt xem: 11
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thịnh – Phó Giám đốc VQG Hoàng Liên đã báo cáo kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2014. Nhìn chung 9 tháng đầu năm 2014 là thời gian đầy khó khăn đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng của VQG Hoàng Liên, do địa bàn rộng, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, một bộ phận trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán, trình độ canh tác còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào tài nguyên rừng. Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng gia tăng, trong 9 tháng đầu năm 2014, Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên đã tổng hợp hồ sơ 31 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, tăng so với cùng kỳ 25 vụ trong đó chủ yếu là vi phạm về vận chuyển  lâm sản (22 vụ), nguyên nhân chính do ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa tuyết cuối năm 2013 làm trên 50% diện tích Thảo quả bị mất mùa, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập chính của người dân các xã San Xả Hồ, Lao Chải, Hầu Thào, Tả Van..., làm gia tăng người dân phải vào rừng khai thác lâm sản phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, ảnh hưởng của các loại hình thời tiết cực đoan làm cây gẫy đổ, thực vật chết khô tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng là khó khăn, thách thức rất lớn cho công tác PCCCR trong năm 2014 và cả những năm tiếp theo. 

 

 Quang cảnh Hội nghị

Mặc dù trước những khó khăn đó, song Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã thực hiện và đạt được nhiều kết quả, tiêu biểu như tổ chức 54 buổi tuyên truyền với 3.553 lượt người tham gia; rà soát diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR huyện Sa Pa năm 2012, 2013 trên 18 thôn thuộc 4 xã vùng lõi VQG Hoàng Liên có diện tích rừng nằm trong lưu vực thủy điện Sử Pán 2; thực hiện đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen Tam Thất Hoang và Hoàng Liên ô rô”; dự án “Nhân giống một số loài hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào cung cấp cho các xã vùng lõi, vùng đệm VQG Hoàng Liên”; tiếp nhận 44 cá thể thuộc 32 loài động vật, tỷ lệ cứu hộ thành công 86,4%, nâng tổng số các loài động vật hiện nay tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên lên 206 cá thể thuộc 47 loài; Thu thập, nhân giống các loài thực vật, đặc biệt là các loài thực vật nguy cấp, quý hiếm, tổng số loài thực vật trong Trung tâm đến nay là 118.297 cây thuộc 71 loài, 41 họ trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ VN, IUCN 2013, Nghị định 32/2006; Xây dựng và triển khai Kế hoạch sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy VQG Hoàng Liên theo Nghị định 117/2010/NĐ-CP trong đó có việc thành lập Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên; Triển khai tổ chức cuộc thi "Sáng tác bài hát về Vườn Quốc gia Hoàng Liên"; Tổ chức thành công cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức luật bảo vệ và phát triển rừng”; Lập hồ sơ và đã được hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam công nhận hai quần thể cây Vân Sam Fansipan và Đỗ Quyên là cây di sản Việt Nam. Đặc biệt đối với công tác du lịch, tính từ đầu tháng 5 (thời điểm mở lại hoạt động du lịch trong VQG) cho đến nay đơn vị đã thực hiện bán vé thăm quan các tuyến, điểm du lịch thuộc VQG Hoàng Liên, thu từ phí, lệ phí đạt 1.652.365.000 đồng, tăng 293,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Các đại biểu dự hội nghị đã tham gia thảo luận sôi nổi và cũng đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng được đánh giá cao. Phát biểu và chỉ đạo, Đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh – Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các phòng, ban, đơn vị đã đạt được trong thời gian qua. Kết luận tại Hội nghị, Đồng chí chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm Quý IV năm 2014, cụ thể như sau:

1. Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên:

- Tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân các dân tộc sinh sống trong vùng lõi và vùng đệm VQG Hoàng Liên về công tác quản lý, BVR đặc biệt nhận thức về vai trò, ý nghĩa của đa dạng sinh học và nâng cao ý thức trong công tác PCCCR;

- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, Tổ BVR các thôn bản trên địa bàn, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tình hình khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn quản lý, đồng thời chỉ đạo, phổ biến nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật đối với cán bộ kiểm lâm của đơn vị trong việc thực thi pháp luật lĩnh vực quản lý, BVR;

- Tập trung triển khai thực hiện tốt công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, khoán bảo vệ rừng gắn với ý thức, trách nhiệm của người dân được hưởng lợi từ rừng;

- Bám sát các sở, ngành của tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đề xuất dự án Trồng 250 ha cây Sơn tra, xây dựng phương án và kế hoạch triển khai thực hiện dự án vào mùa xuân năm 2015;

- Tập trung thực hiện điều tra, thống kê cây Thảo quả trên địa bàn quản lý. Trạm trưởng các trạm Kiểm lâm địa bàn căn cứ kế hoạch đã được phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo Ban Giám đốc về kết quả và tiến độ thực hiện;

- Trên cơ sở đánh giá những khó khăn, thách thức trong công tác PCCCR mùa hanh khô 2014 – 2015, Hạt KL Hoàng Liên xây dựng phương án điều chỉnh bổ sung và hoàn thiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng, chuẩn bị sẵn sàng tất cả các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt công tác PCCCR trong mùa hanh khô năm 2014 – 2015.

2. Phòng Khoa học & hợp tác quốc tế:

- Tiếp tục thực hiện đề tài “Bảo tồn và phát triển Quỹ gen Tam thất hoang và Hoàng Liên ô rô” đảm bảo đúng tiến độ, tham mưu cho Ban Giám đốc các giải pháp hiệu quả để khi kết thúc đề tài sẽ cung cấp giống cho hộ gia đình trong vùng lõi, vùng đệm VQG Hoàng Liên và khu vực lân cận trên địa bàn huyện Sa Pa;

- Tiếp tục sản xuất các giống lan bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để chuẩn bị thực hiện dự án “Nhân giống một số loài lan bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào” cung cấp giống cho các hộ gia đình trong vùng lõi, vùng đệm VQG Hoàng Liên và khu vực lân cận trên địa bàn huyện Sa Pa;

- Bám sát các đơn vị đầu mối về đề xuất các đề tài, dự án năm 2015, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết khi đề tài, dự án chính thức được phê duyệt;

Đối với nhà bảo tàng đa dạng sinh học: Cần tập trung triển khai thu thập mẫu tiêu bản thực vật theo kế hoạch đã được phê duyệt. Sắp xếp mẫu tiêu bản hợp lý, bổ sung thông tin chính xác, đầy đủ, đa dạng trong phần mềm máy tính, tiện lợi cho việc tra cứu, thu thập thông tin loài.

3. Phòng Kế hoạch – Tài chính:

- Khẩn trương hoàn thiện kế hoạch trung hạn, kế hoạch 2016 – 2020, rà soát các hạng mục trong phạm vi đầu tư vào VQG Hoàng Liên, làm cơ sở hoạch định, lập dự án, chương trình thu hút vốn đầu tư vào Vườn trong những năm tiếp theo;

- Đối với các dự án đã triển khai, giao Phòng Kế hoạch – Tài chính làm đầu mối liên hệ, làm việc với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch – Đầu tư và các đơn vị liên quan về các công việc còn tồn đọng trong năm 2014, đặc biệt trong năm nay, cần tập trung đề xuất được dự án BVR Jica (Nhật Bản);

- Đối với công tác xây dựng cơ bản hiện nay còn chưa đảm bảo về chất lượng và hiệu quả của một số công trình, cần phối hợp với các nhà đầu tư, đơn vị thi công sửa chữa, bảo dưỡng các công trình đã hoàn thành; đẩy nhanh tiến độ quyết toán đối với các công trình đã thi công xong, chủ động lập hồ sơ quyết toán đối với các công trình đã hoàn thành thi công quá 12 tháng.

4. TT Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường Hoàng Liên:

- Khẩn trương hoàn thành nội dung tổ chức chương trình diễn giải môi trường đối với Tour du lịch leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, hoàn thành trước ngày 15/10/2014;

- Tăng cường công tác vệ sinh các tuyến, điểm du lịch, đặc biệt lưu ý công tác vệ sinh tại trạm BVR điểm 2.800m và 2.200m, đảm bảo văn minh, lịch sự;

- Bám sát Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Lào Cai về thủ tục hồ sơ đề xuất khai thác một số tuyến, điểm du lịch mới trong VQG Hoàng Liên và tổ chức lớp tập huấn, đào tạo thuyết minh viên tại điểm, thực hiện trong tháng 10/2014;

- Tổ chức chuyến đi thực địa (Thành phần gồm lãnh đạo VQG Hoàng Liên, các đơn vị liên quan, Hiệp hội du lịch Sa Pa) để trao đổi, nắm bắt tình hình và phối hợp tổ chức tốt các hoạt động du lịch VQG Hoàng Liên;

- Về công tác thu phí du lịch: Xác định mục tiêu và có giải pháp từ nay tới cuối năm 2014, có gắng phấn đấu thu phí cả năm đạt 2,2 tỉ đồng để hoàn thành chỉ tiêu đã xác định từ đầu năm 2014, làm cơ sở thực hiện tốt cho các năm sau. Để hoàn thành vượt chỉ tiêu trên, Trung tâm cần phối hợp chặt chẽ với Trạm KL Núi Xẻ tăng cường công tác quản lý, kiểm soát và tổ chức tốt các hoạt động du lịch, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước;

- Tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục về công tác giáo dục môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý, BVR cho các em học sinh tại các điểm trường chính trên địa bàn huyện Sa Pa, đổi mới phương pháp, kỹ năng sao cho phù hợp với đối tượng này.

5. Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên:

- Rà soát đội ngũ viên chức, làm công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ giữ chức vụ phụ trách trong Trung tâm, quy hoạch trong tháng 9 và bổ nhiệm tháng 10/2014;

- Xây dựng Quy định chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm; phân công nhiệm vụ cho Ban Lãnh đạo, viên chức của đơn vị mình; Chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của Trung tâm giai đoạn năm 2014 – 2020 và những năm tiếp theo, ưu tiên một số công việc trọng điểm, cần thiết. Đối với động vật cần tập trung bảo tồn, nhân nuôi một số ít loài điển hình. Đối với nghiên cứu, bảo tồn và nhân giống thực vật có thể mở rộng số lượng loài. Trước mắt cần xây dựng vườn giống các loài cây đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị, lựa chọn 10 – 15 loài tiêu biểu của Sa Pa, có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh cao (ưu tiên cây lâm nghiệp và cây cảnh quan);

- Xây dựng quy định, định mức cho các loài động, thực vật làm cơ sở triển khai công tác cứu hộ, bảo tồn trong các năm tới.

6. Phòng Tổ chức - Hành chính :

- Tham mưu cho Giám đốc xây dựng Quy định chức năng, nhiệm vụ của Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên, trình UBND tỉnh phê duyệt;

- Hoàn thiện các văn bản cơ sở để có căn cứ tổ chức thực hiện các hoạt động của đơn vị;

- Tiếp tục triển khai thực hiện khắc phục tồn tại theo Kết luận số 37/KL-SNV ngày 28/7/2014 của Sở Nội vụ;

- Phối hợp với TT Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường Hoàng Liên kiểm tra các nội dung kế hoạch đã đề xuất, nghiên cứu xem xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức Lễ công nhận cây di sản Việt Nam và trao giải cuộc thi “Sáng tác bài hát về VQG Hoàng Liên”;

- Bàn giao các nội dung công việc còn tồn đọng sau khi tách phòng, phối hợp với Phòng Kế hoạch – Tài chính hoàn thiện kế hoạch điều chỉnh, bổ sung kinh phí năm 2014, kế hoạch tài chính năm 2015.

6. Ban AFD:

- Do tiến độ thực hiện dự án còn chậm, nên trong thời gian tới trước mắt cần tập trung hoàn thành gói thầu khảo sát Nông học, các công việc khác, tùy theo điều kiện cụ thể tiếp tục triển khai thực hiện;

- Phối hợp với Ban AFD tỉnh đánh giá kết quả thực hiện dự án từ năm 2009 đến nay, đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập