Bảo vệ, phát triển giá trị của Vườn quốc gia Hoàng Liên
Lượt xem: 238

Vườn Quốc gia (VQG) Hoàng Liên được thành lập năm 2002 theo Quyết định số 90/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quản lý 28.498 ha rừng theo quy chế rừng đặc dụng, thuộc địa bàn hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Những năm qua, Vườn đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ: Quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; Tổ chức các hoạt động giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường...

Đa dạng sinh học

VQG Hoàng Liên có kiểu sinh thái rừng á nhiệt đới núi cao; hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, nhiều loài quý hiếm, nhiều sinh cảnh đặc hữu. Có thể khẳng định, thành phần các loài động thực vật ở VQG Hoàng Liên đa dạng nhất trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Thành phần loài thực vật chiếm tới 23% thành phần loài thực vật đã phát hiện trên toàn quốc; thành phần loài thú chiếm tới 30%, lưỡng cư chiếm tới 60%.

Đặc biệt, với gần 3.000 loài thực vật bậc cao có mạch, 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó có nhiều loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm, VQG Hoàng Liên được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) chọn là một trung tâm đa dạng của các loài thực vật; Quỹ môi trường toàn cầu xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. Năm 2003, VQG Hoàng Liên được công nhận là Vườn di sản ASEAN. 

Mặt khác, với diện tích rừng tự nhiên có nhiều tầng tán, độ tàn che lớn, đã đem lại giá trị phòng hộ đầu nguồn xung yếu của lưu vực sông Hồng và sông Đà, cung cấp nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng hạ lưu.

Đặc biệt, VQG Hoàng Liên với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khác biệt đã phát triển mạnh du lịch sinh thái, với các sản phẩm du lịch hấp dẫn như: chinh phục đỉnh Fansipan, khám phá suối Vàng - thác Tình Yêu... Vườn đã và đang xúc tiến mở thêm các điểm du lịch mới như: Vũng Rồng - Giếng Tiên, quần thể cây di sản Việt Nam, phối hợp với vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) nghiên cứu, đưa vào thử nghiệm một số loại hình du lịch thể thao mạo hiểm, nổi bật là "Tour trượt thác nước" tại thác Tình Yêu. Giai đoạn 2014-2019, tổng số khách du lịch đến Vườn là 310.000 khách; thu phí, lệ phí du lịch đạt 21 tỷ đồng.

Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng

Hiện nay, VQG Hoàng Liên đã xây dựng lực lượng bảo vệ rừng nòng cốt tại 19 thôn vùng đệm trong, vùng đệm ngoài làm lực lượng xung kích, kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại cơ sở. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật lâm nghiệp cho người dân, riêng trong giai đoạn 2016-2020 đã tổ chức 354 cuộc tuyên truyền với hơn 34.000 lượt người tham dự; thường xuyên tổ chức các cuộc thi bảo vệ rừng,…

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Từ năm 2017 đến nay, VQG Hoàng Liên không để xảy ra cháy rừng đặc dụng trong phạm vi quản lý; tỷ lệ che phủ rừng hiện đạt 89%. Vườn kết hợp chặt chẽ giữa giao khoán bảo vệ rừng với chi trả dịch vụ môi trường rừng (giao khoán trên 8.500 ha rừng cho 19 cộng đồng thôn; mỗi năm có hơn 2.000 hộ gia đình dân tộc thiểu số được hưởng lợi). 

Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các dự án, chương trình cải thiện sinh kế, như: Dự án trồng cây ăn quả ôn đới tại vùng lõi VQG Hoàng Liên; Dự án “Nhân giống một số loài hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật cung cấp cho các xã vùng lõi, vùng đệm VQG Hoàng Liên”; Hợp tác với Vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) triển khai thực hiện Dự án IDEAS - Nâng cao thu nhập cho người dân tộc thiểu số dựa trên nông nghiệp bền vững...

Các chương trình trên đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời tạo nguồn tài chính ổn định, bền vững cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đáng mừng hơn cả là số vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp hàng năm giảm mạnh; nhận thức và ý thức bảo vệ rừng của nhân dân được nâng lên. Đến nay, không còn tình trạng chặt phá, mua bán, vận chuyển cành cây vân sam Fansipan, cây đỗ quyên, cây cảnh có nguồn gốc từ rừng tự nhiên.

Công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cũng được VQG Hoàng Liên thực hiện hiệu quả, với việc thành lập Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên vào năm 2014. Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 272 cá thể động vật hoang dã từ các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh bàn giao, hiến tặng, trong đó có nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm như: rắn hổ mang chúa, cu li nhỏ, cu li lớn, tê tê java, gấu ngựa,... Các cá thể sau khi phục hồi sức khỏe và bản năng sinh tồn được thả về môi trường tự nhiên. Thời gian tới, Trung tâm sẽ phát triển để trở thành công viên cứu hộ động, thực vật hoang dã của khu vực Tây Bắc.

Theo vccinews.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập