10 sự kiện tiêu biểu Vườn Quốc gia Hoàng Liên năm 2014
Lượt xem: 19

Năm 2014, được coi là một năm chuyển mình mạnh mẽ của Vườn Quốc gia (VQG) Hoàng Liên, với nhiều hoạt động được tổ chức thành công đưa vị thế VQG Hoàng Liên lên một tầm cao mới. Để ghi nhận những thành công đó Lãnh đạo VQG Hoàng Liên đã bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu năm 2014.

10 sự kiện được bình chọn gồm:

1. Kiện toàn công tác tổ chức bộ máy Vườn Quốc gia Hoàng Liên

VQG Hoàng Liên được thành lập từ năm 2002 trên cơ sở chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên theo Quyết định số 90/2002/QĐ-TTg ngày 12/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời kỳ này, Ban quản lý mới chỉ có 14 cán bộ, trong đó có 04 kiểm lâm kiêm nhiệm và 10 cán bộ trực tiếp. Cơ cấu các phòng ban đơn giản, bao gồm Ban giám đốc 02 người, một Ban quản lý dự án, còn lại là khối văn phòng gồm: Kế hoạch, kỹ thuật, tổ chức hành chính và tài vụ. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, hiện nay VQG  Hoàng Liên đã có 123 cán bộ. Trong đó có 16 thạc sĩ, 69 đại học, 07 cao đẳng, 29 trung cấp, sơ cấp và 02 lái xe. Về bộ máy tổ chức có Ban Giám đốc 03 người, 01 Hạt Kiểm lâm, 02 Trung tâm trực thuộc và 03 phòng ban chuyên môn gồm Phòng Tổ chức hành chính, Phòng kế hoạch – tài chính và Phòng khoa học và hợp tác quốc tế. Ngày 22/7/2014 UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2010/QĐ-UBND, thành lập Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên trực thuộc VQG Hoàng Liên, đây là dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của VQG Hoàng Liên.

2. Tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về Vườn Quốc gia Hoàng Liên

Tháng 5 năm 2014, VQG Hoàng Liên phối hợp với Sở Văn hóa TT&DL Lào Cai, Hội văn học nghệ thuật Lào Cai phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về VQG Hoàng Liên. Cuộc thi đã được đông đảo nhạc sỹ chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh Lào Cai và cả nước tham gia hưởng ứng. Trong quá trình tổ chức, VQG Hoàng Liên đã được nhiều cơ quan, ban ngành, các tổ chức và cá nhân quan tâm ủng hộ. Với tình cảm yêu mến, choáng ngợp trước vẻ đẹp hùng vĩ của Hoàng Liên, cảm thông những khó khăn, vất vả trong công tác quản lý bảo vệ rừng của cán bộ VQG Hoàng Liên đã có 42 tác phẩm của 35 nhạc sĩ sáng tác. Trong đó có 38 tác phẩm dự thi và 4 tác phẩm gửi tặng. Đặc biệt có nhiều nhạc sỹ ở các tỉnh Bình Phước, Hậu Giang, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh…cũng đã nhiệt tình tham gia. Qua quá trình chọn lọc, thẩm định, kết quả có 6 tác phẩm đoạt giải, gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba. Đây là các tác phẩm có thể phục vụ cho công tác tuyên truyền bảo vệ rừng, quảng bá VQG Hoàng Liên, đáp ứng nhu cầu ca hát, giao lưu trong phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ của VQG Hoàng Liên nói riêng và huyện Sa Pa nói chung.

                                                           emoticon                                                                                                     
 Tác phẩm dự thi

3. Công nhận quần thể cây Vân San Fansipan và Đỗ quyên cành thô tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên là cây di sản Việt Nam

Ngày 05/11/2014, VQG Hoàng Liên long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng cây di sản Việt Nam đối với quần thể cây Đỗ quyên cành thô và quần thể cây Vân sam Fansipan. Trước đó ngày 01/7/2014, Hội đồng cây Di sản Việt Nam đã họp, xét duyệt hồ sơ và kết luận quần thể 7 cây Đỗ quyên cành thô và quần thể 07 cây Vân sam Fansipan thuộc VQG Hoàng Liên đã đạt đầy đủ các tiêu chí là cây Di sản Việt Nam do Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam quy định. Quần thể  07 Vân sam Fansipan tiêu biểu, đại diện cho quần thể 26 cây có diện tích khoảng 1.000m2 ở độ cao 2.600m, có độ tuổi trung bình khoảng trên 300 năm tuổi và quần thể 07 Đỗ quyên cành thô tiêu biểu, đại diện cho quần thể 56 cây cũng có diện tích khoảng 1.000m2 ở độ cao 2.700m, độ tuổi trung bình khoảng trên 200 năm tuổi.

                                                    emoticon                                                                                                    
 Quần thể cây Vân Sam Fansipan tại VQG Hoàng Liên

Việc công nhận quần thể 2 loài cây này không chỉ có ý nghĩa bổ sung vào danh sách cây di sản của Việt Nam mà còn có ý nghĩa to lớn, là một niềm vinh dự, tự hào và đầy trách nhiệm của công chức, viên chức VQG Hoàng Liên nói riêng và là của cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Sa Pa nói chung. Việc vinh danh cây di sản tại VQG Hoàng Liên góp phần quảng bá hình ảnh về sự phong phú và đa dạng các tài nguyên sinh vật VQG Hoàng Liên, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái bền vững.   

4. Tổ chức giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng

Năm 2014 là năm đầu tiên VQG Hoàng Liên thực hiện chính sách giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ kết quả rà soát đã xác định 7.902,02 ha nằm trên địa bàn 15 thôn bản thuộc 4 xã VQG Hoàng Liên đủ điều kiện chi trả DVMTR năm 2012, 2013. Với tổng kinh phí 2.591,863 triệu đồng, VQG Hoàng Liên chi trả cho 1.656 hộ gia đình tại 15 thôn bản với số tiền 1.842,845 triệu đồng và chi cho diện tích đơn vị tự bảo vệ 749,018 triệu đồng.

Chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, quyền lợi của người dân nhận khoán bảo vệ rừng được bảo đảm; từng bước nâng cao nhận thức của người dân, nhất là trách nhiệm của các hộ gia đình trong bảo vệ rừng, ngăn chặn khai thác gỗ trái phép, phá rừng làm nương... Việc chi trả cho công tác bảo vệ rừng đã tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống nhân dân, góp phần từng bước ổn định đời sống nhân dân đang sinh sống trong VQG Hoàng Liên.

                                                   emoticon                                                                                              
 Chi trả tiền DVMTR cho người dân

5. Nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, thu từ phí, lệ phí tham quan du lịch đạt trên 3,1 tỷ đồng vượt 450% so với năm 2013

Năm 2014, VQG Hoàng Liên đã làm tốt công tác quảng bá tới du khách trong và ngoài nước về hình ảnh du lịch VQG, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch như công tác vệ sinh môi trường, công tác an ninh, an toàn cho du khách, công tác quản lý người ra vào rừng. Đặc biệt chương trình chào đón và vinh danh khách du lịch khi tham gia leo núi Fansipan nhận được nhiều quan tâm và đánh giá cao. Ngoài việc khai thác tốt các tuyến du lịch đã có, đơn vị đã lập hồ sơ xin cấp phép khai thác đưa vào sử dụng các tuyến, điểm du lịch mới như Bản Sín Chải – Đồi Dù – Trạm Tôn; Tả Trung Hồ - Dền Thàng – Séo Mý Tỷ ; Cát Cát – Vũng Rồng – Giếng Tiên – Sín Chải; Séo Mý Tỷ - Rừng Tùng – Fansipan – Trạm Tôn... mở rộng phạm vi du lịch trong VQG Hoàng Liên nhằm đem lại việc làm cho người dân, nâng cao đời sống kinh tế và tăng thu cho Ngân sách nhà nước.

Trong năm 2014, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã thu từ phí, lệ phí du lịch đạt 3.110,56 Triệu đồng vượt 457% so với cùng kỳ năm 2013.
                                                              emoticon                                           
  Du khách chụp ảnh dưới chân thác Tình yêu

6. Dự án hoa lan tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên

Năm 2014, VQG Hoàng Liên đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt dự án “Nhân giống một số loài hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào cung cấp cho các xã vùng lõi, vùng đệm VQG Hoàng Liên”, nhằm tạo ra số lượng lớn cây lan sạch bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt theo quy mô công nghiệp. Sau 5 tháng triển khai, Dự án đã  nhân giống được hơn 3.000.000 cây lan Trần Mộng Xuân đủ tiêu chuẩn trồng ra ngoài tự nhiên. Ngoài ra, trong phòng nuôi cấy mô tế bào còn sản xuất hàng vạn cây lan đang trong bình thí nghiệm. Dự kiến mỗi năm sẽ sản xuất khoảng 3,5 vạn cây lan đủ tiêu chuẩn ra vườn ươm và sau 4 năm sẽ có đủ 10 vạn cây lan Trần Mộng Xuân và Hoàng thảo cung cấp cho nhân dân các xã vùng lõi, vùng đệm VQG Hoàng Liên.

Dự án được triển khai, không chỉ nâng cao đời sống cho nhân dân các xã thuộc VQG Hoàng Liên mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và đa dạng các loài lan nói riêng, phát triển nghề trồng hoa lan theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, được sử dụng rộng rãi trong nhân dân, giảm thiểu tác động đến tài nguyên rừng. 
                                                   emoticon                                              
 Nhân giống lan Trần Mộng Xuân tại VQG Hoàng Liên

7. Dự án cây sơn tra

Ngày 25/9/2014 UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 2697/QĐ-UBND, phê duyệt Dự án trồng cây Sơn tra trong phân khu phục hồi sinh thái VQG Hoàng Liên giai đoạn 2014-2018, theo đó mục tiêu của dự án sẽ trồng cây Sơn tra trên diện tích đất trống, loại rừng kém chất lượng nhằm nâng cao độ che phủ rừng, góp phần điều hòa khí hậu, môi trường sinh thái, tạo nguồn sinh thủy bền vững cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất  của người dân trong khu vực. Bên cạnh đó còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước giảm sức ép của người dân trong khu vực VQG Hoàng Liên.

Trong vòng 04 năm, dự án sẽ trồng 283,6 ha trên địa bàn 03 xã Tả Van, Lao Chải và San Xả Hồ. Tổng mức đầu tư 15.844,36 triệu đồng, trong đó vốn nhà nước 10.423,87 triệu đồng; vốn đối ứng của các hộ nhận khoán 5.420,5 triệu đồng.

8. Quy hoạch bền vững Vườn Quốc gia Hoàng Liên đến năm 2020.

Ngày 27/02/2014 UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 514/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Bảo tồn và phát triển bền vững VQG Hoàng Liên đến năm 2020.

Theo đó mục tiêu đến năm 2020, VQG Hoàng Liên trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học về Lâm nghiệp nhiệt đới, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động thực vật hoang dã ở Việt Nam, trung tâm tập huấn và đào tạo hiện trường cho các cán bộ bảo tồn thiên nhiên, sinh viên các trường lâm nghiệp; Bảo vệ được sự nguyên vẹn của các hệ sinh thái rừng trên núi cao; Giảm được áp lực hiện có và hạn chế, không để xuất hiện những áp lực mới đối với công tác bảo tồn của VQG như: Sức ép của cộng đồng dân cư sống ở trong và ven VQG về đất sản xuất, vào rừng trái phép canh  tác cây Thảo quả, săn bắt động vật rừng, thu hái lâm sản, khai thác các loài cây gỗ quý hiếm; những tác động mới xuất hiện như việc xây dựng hệ thống các nhà máy thuỷ điện

Nội dung Quy hoạch bao gồm: Quy hoạch phạm vi, quy mô, ranh giới; Điều chỉnh quy hoạch các phân khu chức năng; Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; Quy hoạch bảo tồn thiên nhiên; Quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng; Quy hoạch vùng đệm; Quy hoạch phát triển du lịch VQG Hoàng Liên. Tổng mức vốn đầu tư 197.128,32 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước 170.535,36 triệu đồng; Vốn liên doanh liên kết, thuê môi trường rừng 19.900 triệu đồng và vốn khác 6.692,96 triệu đồng.

9. Tổ chức thành công cuộc thi Tìm hiểu luật bảo vệ và phát triển rừng

Ngày 18/4/2014, VQG Hoàng Liên tổ chức Hội thi “Tìm hiểu kiến thức luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2014”, tham dự hội thi có 5 đội đến từ 5 xã vùng lõi và vùng đệm của VQG Hoàng Liên.

Tại hội thi, các đội đã trải qua 4 phần thi: Màn chào hỏi, phần thi kiến thức, phần thi tài năng và phần hùng biện. Nội dung các phần thi xoay quanh những kiến thức về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; các chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; bảo vệ hệ sinh thái và tài nguyên rừng. Nhìn chung các đội dự thi đã có sự chuẩn bị chu đáo nên đều hoàn thành tốt các phần, đặc biệt tiểu phẩm dự thi của các đội có nội dung đa dạng phong phú truyền tải được những thông tin và hiểu biết về Luật bảo vệ và phát triển rừng đến GBK và đông đảo người xem.

Hội thi là một dịp tuyên truyền, nhằm tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể người dân địa phương về một số điều luật, nghị định có liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy sức mạnh của quần chúng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước về bảo vệ rừng, PCCCR; xây dựng mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa cán bộ VQG với người dân địa phương, từ đó xây dựng lòng tin vững chắc của nhân dân vào lực lượng bảo vệ rừng.

Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đội thi xã San Xả Hồ, giải nhì cho đội thi xã Tả Van, giải ba cho đội thi xã Sử Pán và giải khuyến khích cho đội thi xã Lao Chải, Bản Hồ.

10. Nhiều công trình hoàn thành vượt tiến độ, đưa vào sử dụng phát huy được hiệu quả.

Năm 2014 cũng là năm VQG Hoàng Liên đưa nhiều công trình vào khai thác sử dụng đem lại hiệu quả cao như: Công trình nhà nghỉ tại độ cao 2800m trên tuyến leo núi Fansipan, đưa vào sử dụng góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và quản lý chặt chẽ khách tham quan du lịch; Công trình đường liên thôn kết hợp tuần tra bảo vệ rừng thôn Séo Mý Tỷ - Dền Thàng xã tả van hoàn thành góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, thúc đẩy kinh tế địa phương, bên cạnh đó công tác giám sát người ra vào rừng, công tác tuần tra lâm sản trên địa bàn được chặt chẽ; Công trình sửa chữa Trạm kiểm lâm Núi xẻ, công trình sửa chữa Trung tâm GDMT&DVMT Hoàng Liên hoàn thành đưa vào sử dụng tạo nơi làm việc khang trang, giúp công chức, viên chức trong đơn vị yên tâm công tác.

                                                          emoticon                                                                                                        
 Trụ sở TT Giáo dục MT&DVMT Hoàng Liên sau khi sửa chữa

Bên cạnh đó ngày 05/12/2014, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 3847/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng cấp bách VQG Hoàng Liên, theo đó với tổng số vốn 22.514 triệu đồng sẽ có 07 công trình Trạm Bảo vệ rừng sẽ được sửa chữa, xây mới, tổ chức mua sắm Ô tô phục vụ PCCCR và nhiều hạng mục công trình khác được đầu tư.

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập