Thực trạng của việc trồng cây Thảo quả dưới tán rừng đặc dụng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, những giải pháp cần tháo gỡ
Lượt xem: 47

Vườn Quốc gia Hoàng Liên là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 90/2002/QĐ-TTg ngày 12/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu: Quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng núi cao thuộc hệ thống núi Hoàng Liên với kiểu sinh thái đặc trưng Á nhiệt đới, bảo vệ đa dạng sinh học nhiều loài động, thực vật hoang dã quý hiếm và đặc hữu; phục hồi sinh thái và cảnh quan rừng, tạo điều kiện cho các loài động vật tồn tại và phát triển; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; phát triển du lịch sinh thái, giáo dục môi trường góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội.

Hiện nay Vườn Quốc gia Hoàng Liên được giao quản lý với tổng diện tích 28.509 ha, trong đó diện tích có rừng 23.278,92 ha (tỉnh Lào Cai 16.831,06 ha, tỉnh Lai Châu 6.456,86 ha), đất chưa có rừng: 3.969,69 ha và đất khác: 1.251,58 ha. Nằm trên địa bàn các xã: San Sả Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) và một phần các xã Trung Đồng, Phúc Khoa (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu). Với địa hình bao bọc bởi một hệ thống núi cao thuộc dãy Hoàng Liên Sơn chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, gồm nhiều đỉnh núi cao trên 2.800 m, trong đó có đỉnh Fansipan cao 3.143 m, được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương".

Theo thống kê sơ bộ ( kết quả điều tra, thống kê thí điểm tại thôn Séo Mí Tỷ, xã Tả Van và một số hộ thuộc 3 thôn của xã San Sả Hồ và kết hợp với việc tự kê khai của người dân các xã vùng lõi Vườn Quốc gia), diện tích trồng cây Thảo quả dưới tán rừng trên địa bàn Vườn Quốc gia Hoàng Liên quản lý khoảng 1.812,11 ha với 2.179 hộ trên 22 thôn của 4 xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Thực trạng sản xuất Thảo quả trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên

Tổng diện tích trồng cây Thảo quả dưới tán rừng trên địa bàn Vườn Quốc gia Hoàng Liên năm 2014 (thuộc 4 xã vùng lõi huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) khoảng 1.812,11 ha, tập trung nhiều nhất ở các xã Tả Van khoảng 691,9 ha và Bản Hồ khoảng 433,50 ha. Trên địa bàn quản lý có tổng số 22 thôn bản, với 2.179 hộ và 12.532 nhân khẩu, trong đó có 5 thôn nằm sâu trong vùng lõi, gồm: Séo Mí Tỷ, Dền Thàng, xã Tả Van; Ma Quái Hồ, Tả Trung Hồ, Séo Trung Hồ, xã Bản Hồ với 348 hộ và 2.198 khẩu, đây cũng là những thôn có diện tích trồng Thảo quả lớn nhất trong vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Việc quản lý sản xuất Thảo quả dưới tán rừng cũng phức tạp nhất, do những thôn này ngoài diện tích sản xuất của người dân sở tại thì còn có không ít diện tích sản xuất Thảo quả của người dân từ các thôn, bản khác ở các xã vùng đệm đến canh tác như Sử Pán, Hầu Thào, Sa Pả,…

Theo tính toán trên toàn địa bàn quản lý trung bình mỗi hộ dân sản xuất 0,83 ha Thảo quả (hộ nhiều nhất lên đến hàng chục ha, hộ ít nhất 0,5ha), với năng suất đạt 200 – 300 kg/ha cho thu nhập ổn định từ 24.000.000 – 39.000.000 đồng/hộ/năm (cá biệt có hộ thu được hàng vài trăm triệu đồng/năm) đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ chính việc phát triển cây Thảo quả dưới tán rừng đặc dụng.

 

 

 Một góc rừng có trồng cây Thảo quả trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên

Công dụng của cây Thảo quả (Amomum tsaoko Crevost et Lem): Là cây thân thảo, sống lâu năm, cao chừng 2,5-3m, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Thảo quả được dùng làm thuốc trong Đông y và ẩm thực Trung Hoa cũng như ẩm thực Việt Nam.

Thị trường tiêu thụ: Trên địa bàn Vườn Quốc gia Hoàng Liên Thảo quả được các hộ dân thu hái thủ công, sấy khô quả bằng củi ngay trong rừng, sau đó được bán cho một số tư thương tại thị trấn Sa Pa và chủ yếu được xuất thô sang Trung Quốc (ước tính trên 95 % được xuất sang thị trường Trung Quốc, gần 5 % còn lại được cung cấp cho thị trường các thành phố lớn trong nước).

Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của mưa tuyết và rét hại cuối năm 2013, đầu năm 2014 nên trên địa bàn Vườn Quốc gia Hoàng Liên quản lý nói riêng và huyện Sa Pa nói chung đã làm hàng ngàn ha Thảo quả bị thiệt hại, có những nơi mất trắng và phải mất 2 - 3 năm mới có thể phục hồi lại được (diện tích thiệt hại ước tính trên 50% tổng diện tích Thảo quả trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên). Hệ lụy của việc mất đi nguồn thu nhập chính từ Thảo quả là người dân sẽ vào rừng thu hái, khai thác, mua bán lâm sản để bù đắp lại nguồn thu nhập chính bị giảm sút để duy trì cuộc sống và đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt. Do vậy năm 2014 và những năm tiếp theo sẽ là những năm đặc biệt khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Sự tác động của việc canh tác Thảo quả dưới tán rừng đã có những tác động tích cực, song cũng nảy sinh nhiều tiêu cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học

Thảo quả là cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần tích cực phát triển kinh tế hộ; từ việc trồng, chăm sóc, thu hoạch… đã tạo ra nhiều việc làm có thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng đệm, vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên. So với các loại hình sản xuất nông nghiệp truyền thống khác như trồng lúa, trồng ngô, chăn nuôi thì suất đầu tư cho trồng Thảo quả ít hơn, rủi ro cũng thấp hơn và tỉ suất lợi nhuận cao hơn. Thảo quả là cây bản địa dễ trồng, dễ sống, phù hợp với trình độ canh tác và phong tục, tập quán của người dân địa phương.

Tuy nhiên, việc trồng Thảo quả dưới tán rừng tự nhiên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học VQG Hoàng Liên, do đặc tính tự nhiên của cây Thảo quả là cây sống dưới tán rừng, thích hợp với ánh sáng tán xạ nên người trồng Thảo quả đã phát dọn những cây nhỏ, cây tái sinh và lớp thảm thực bì, chỉ để những cây to, tán rộng làm tàn che cho cây Thảo quả. Nếu để độ tàn che quá cao, sẽ thiếu ánh nắng mặt trời, cây Thảo quả không phát triển được, nếu nắng quá thì cây cũng bị chết. Từ đó người trồng Thảo quả dọn cây rừng rất sạch, trong diện tích rừng trồng Thảo quả các cây mọc tự nhiên không có thế hệ tiếp nối, khi những cây to đến lúc già gãy đổ, thì diện tích đó sẽ biến mất. Có thể thấy, việc trồng Thảo quả dưới tán rừng đã làm thay đổi cấu trúc tầng thứ, tổ thành loài, làm biến đổi quá trình diễn thế tự nhiên của rừng và vì vậy tác động tiêu cực đến hệ sinh thái rừng, xâm hại và phá hủy sự đa dạng sinh học của các khu rừng tự nhiên. Thực tế cho thấy nhiều diện tích trước đây là rừng giàu, rừng có trữ lượng tốt nhưng sau một chu kỳ phát triển của cây Thảo quả (khoảng 20 năm) thì diện tích này dần dần được thay thế bằng rừng nghèo kiệt và đất trống.

Bên cạnh đó, cũng do đặc tính tự nhiên cây Thảo quả sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện độ ẩm cao, đất màu mỡ, tầng mùn dày. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn này, người dân thường trồng Thảo quả dưới tán rừng giàu hoặc chí ít cũng phải là rừng trung bình mà các khu rừng này phần lớn lại nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng rừng, đặc biệt với các khu rừng có giá trị quan trọng như phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Nếu trong thời gian tới không có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn, nghiêm cấm việc phát triển Thảo quả dưới tán rừng đặc dụng thì trong thời gian tới các khu rừng giàu, rừng có trữ lượng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Vườn Quốc gia Hoàng Liên sẽ trở thành rừng nghèo, rừng không có trữ lượng thậm chí là đất trống, đồi trọc. Thêm vào đó khi đến mùa thu hoạch Thảo quả người dân lại chặt hạ cây trong rừng để làm chất đốt, lò sấy.

Để đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm nên người dân thường sử dụng một lượng lớn củi tươi, mỗi tấn Thảo quả khi được sấy khô phải cần từ 10 - 12 m3 củi tươi. Chưa kể đến việc sấy Thảo quả, sử dụng lửa sinh hoạt trong rừng cũng tiềm ẩn mối hiểm họa cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng, thực tế đã có những vụ cháy rừng do nguyên nhân sấy Thảo quả.

Người dân sinh sống trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức hạn chế, trình độ canh tác lạc hậu dẫn đến đời sống khó khăn. Mặt khác, do tập quán sống dựa vào rừng, phụ thuộc vào rừng nên người dân thường kết hợp việc sản xuất Thảo quả dưới tán rừng để thu hái lâm thổ sản, săn bắt, khai thác các loài động, thực vật để sử dụng hoặc mang bán, gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng trên địa bàn Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Đối với Vườn Quốc gia Hoàng Liên việc sản xuất Thảo quả còn làm mất mỹ quan của các khu rừng, làm thay đổi cảnh quan, làm mất đi tính hoang sơ, vẻ đẹp tự nhiên của các khu rừng,… Từ đó ảnh hưởng đến các hoạt động thu hút du lịch của VQG nói riêng, huyện Sa Pa nói chung.

Như vậy, mặt trái của việc phát triển cây Thảo quả trong rừng đặc dụng đã, đang và sẽ hủy hoại tài nguyên rừng, làm suy giảm tính đa dạng sinh học, làm thay đổi cấu trúc tầng thứ, gây ảnh hướng đến quá trình diễn thế tự nhiên, dẫn đến nhiều loài động thực vật trong và xung quanh khu vực trồng Thảo quả bị tiêu diệt.

Những tiêu cực trên, nguyên nhân do đâu?

Đời sống khó khăn:

Đa số người dân sinh sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên đều là đồng bào dân tộc thiểu số, phong tục, tập quán lạc hậu, trình độ sản xuất thấp, cuộc sống phụ thuộc nhiều vào tài nguyên rừng nên người dân thường chọn những cây dễ trồng, dễ chăm sóc, dễ chế biến, bảo quản như cây Thảo quả để phát triển. Mặt khác cuộc sống khó khăn nên đồng bào chỉ quan tâm đến thu nhập trước mắt mà không quan tâm đến tính bền vững, ổn định của việc sản xuất Thảo quả.

Nhận thức hạn chế:

Cấp ủy, Chính quyền địa phương, đặc biệt các xã vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn có nhận thức sai lệnh về cây Thảo quả, vẫn còn có những suy nghĩ cho rằng phát triển Thảo quả là giữ rừng, bảo vệ rừng tự nhiên. Chính vì vậy chưa có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, hoặc có nhưng chưa kiên quyết. Do vậy, hiện tượng trồng mới Thảo quả dưới tán rừng đặc dụng vẫn còn xảy ra.

Đối với người dân do nhận thức hạn chế và đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên họ chỉ quan tâm đến thu nhập mà không quan tâm đến những tác động tiêu cực của việc sản xuất Thảo quả dưới tán rừng.

Tập quán lạc hậu:

Các dân tộc thiểu số sinh sống trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên phần lớn đều có phong tục, tập quán lạc hậu, nhận thức hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật kém. Mặt khác do tập quán sống phụ thuộc vào rừng nên người dân coi việc khai thác, chặt phá, bẫy bắt… là chuyện bình thường, do vậy tài nguyên rừng ở khu vực họ sinh sống ngày càng mai một và suy giảm nghiêm trọng.

Nhu cầu thị trường tăng cao:

Thảo quả là cây có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường rất lớn. Chính vì vậy cung không đủ cầu và cũng xuất phát từ điều đó mà cây Thảo quả được gây trồng và phát triển với diện tích rất lớn trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên. (lớn hơn bất kỳ loại lâm sản ngoài gỗ nào khác được gây trồng trên địa bàn quản lý).

Những biện pháp quản lý của Vườn Quốc gia Hoàng Liên

Từ những tác động tiêu cực nêu trên và theo quy chế quản lý rừng đặc dụng các hoạt động trong rừng đặc dụng phải đảm bảo sự phát triển tự nhiên, bền vững của hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan rừng. Do đó, từ trước đến nay Vườn Quốc gia Hoàng Liên quản lý chặt chẽ phần diện tích đã trồng (diện tích cũ) và không cho phép phát luống dưới tán rừng trồng mới Thảo quả. Vì vậy, Vườn Quốc gia Hoàng Liên không hướng dẫn việc sản xuất, khai thác, sử dụng cũng như việc phát triển Thảo quả dưới tán rừng đặc dụng. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế mang lại quá lớn và người dân vẫn coi đây là cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, bên cạnh đó sự nhận thức sai lệnh về cây Thảo quả của Cấp ủy, Chính quyền nên hiện tượng người dân lén lút trồng mới Thảo quả dưới tán rừng vẫn xảy ra trên địa bàn một số xã vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên như ở Tả Van và Bản Hồ.

Từ thực tế trên, làm thế nào để phát triển Thảo quả gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững, trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng hiện nay về việc phát triển Thảo quả, chúng tôi đưa ra một số biên pháp cần triển khai tiếp trong thời gian tới như sau:

1. Về mặt chính sách:

- Các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn từ Trung ương đến địa phương cần ban hành các văn bản nghiêm cấm việc sản xuất Thảo quả trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ rất sung yếu và sung yếu.

- Việc phát triển cây Thảo quả ở rừng đặc dụng đã làm ảnh hưởng đến đa dang sinh học và suy giảm tài nguyên rừng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về phát triển cây Thảo quả dưới tán rừng. Thực tế trên địa bàn Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã có những diện tích trước kia là rừng già, rừng giàu nhưng sau 1 thời gian sản xuất Thảo quả dưới tán rừng thì diện tích này đã biến thành đất trống, cây bụi và việc phục hồi lại hệ sinh thái rừng sau sản xuất Thảo quả phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. Như vậy, việc sản xuất Thảo quả đã làm suy giảm tài nguyên nhiên nhiên và gây những tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của rừng. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Lào Cai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chuyên môn cần có chính sách nhất quán, không phát triển Thảo quả trong rừng đặc dụng, đối với diện tích đã trồng chỉ được tiến hành chăm sóc, thu hoạch, không được trồng lại trên diện tích đó và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cây Thảo quả trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên vào năm 2020.

2. Tuyên truyền: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hệ thống chính trị, đặc biệt là Cấp ủy, Chính quyền cơ sở thuộc vùng lõi, vùng đệm VQG. Chỉ đạo, phân công, huy động các tổ chức chính trị, mặt trận tổ quốc các cấp, các cơ quan chuyên môn tăng cường vận động, tuyên truyền, giải thích để mọi người dân nhận thức được những ảnh hưởng của việc phát triển Thảo quả dưới tán rừng đặc dụng, rừng phòng hộ rất xung yếu và rừng phòng hộ xung yếu.

3. Quy hoạch vùng trồng Thảo quả:

- Quy hoạch vùng sản xuất Thảo quả ổn định, bền vững, từng bước chuyển Thảo quả từ rừng đặc dụng ra rừng sản xuất và rừng phòng hộ ít xung yếu, hoặc trồng Thảo quả dưới tán rừng trồng (rừng trồng Tống quá sủ). Đến năm 2020 cơ bản xóa bỏ cây Thảo quả dưới tán rừng đặc dụng.

- Nghiên cứu, xây dựng các vườn giống cây trội, cây có khả năng thích nghi trong môi trường rừng trồng, rừng sản xuất, rừng phòng hộ ít sung yếu cho năng suất cao, chất lượng tốt.

4. Sắp xếp, ổn định dân cư:

- Đối với dân cư trong vùng lõi trước mắt (do chưa có kinh phí di rời ra vùng lõi) giữ nguyên quy mô dân số như hiện nay, không tách hộ, tách khẩu làm gia tăng dân số trong vùng lõi VQG. 

- Di dời các hộ, khẩu mới do tăng dân số tự nhiên trong vùng lõi, đặc biệt đối với các hộ gia đình trẻ, thanh niên bố trí, sắp xếp và định cư lâu dài tại làng thanh niên lập nghiệp công ty cao su huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

- Các hộ nằm rải rác, nằm ở những nơi sung yếu có nguy cơ sạt lở cao và nằm sâu trong rừng đặc dụng cần hỗ trợ, di dời đến nơi ở tập trung, hoặc chuyển đến nơi ở mới ngoài vùng lõi VQG.

- Về lâu dài đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền di dân ra khỏi vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên và bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đệm để tránh những tác động bất lợi của người dân vùng đệm đến rừng đặc dụng.

5. Hỗ trợ chuyển đổi sản xuất và phát triển các thế mạnh của vùng:

- Cây ăn quả: Hỗ trợ phát triển các loại cây ăn quả, cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như cây đào, mận , lê,…

- Hoa, cây cảnh: Với đặc thù khí hậu á nhiệt đới và ôn đới núi cao nên trên địa bàn VQG có rất nhiều hoa và cây cảnh có giá trị cao về kinh tế. Tuy nhiên, nguồn giống chủ yếu được người dân khai thác từ tự nhiên nên số lượng và chất lượng không ổn định. Để phát triển hoa, cây cảnh trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống cho người dân đề nghị các cấp, các ngành hỗ trợ giống, vốn cho người dân địa phương như giống lan, đỗ quyên...

- Cây thuốc: Được mệnh danh là vương quốc của các loài cây dược liệu nên Vườn Quốc gia Hoàng Liên sở hữu rất nhiều các loài cây thuốc quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên, thế mạnh này vẫn còn chưa được chú trọng phát triển do người dân còn thiếu vốn, thiếu giống và thiếu kỹ thuật gây trồng, phát triển. Để đa dạng hóa cơ cấu cây trồng đề nghị các cấp, các ngành nghiên cứu, xây dựng các vườn giống cây thuốc và hỗ trợ các loài cây như: Sâm, cây Bảy lá một hoa…

- Cây rau: Hỗ trợ kinh phí cho người dân phát triển vùng sản xuất rau an toàn như Măng tre, Nấm hương, Cải mèo, Su su…

- Chăn nuôi gia súc, gia cầm: Hầu hết các hộ gia đình sinh sống trong vùng lõi, vùng đệm VQG Hoàng Liên đều có quỹ đất rộng phù hợp cho phát triển chăn nuôi. Đặc biệt hiện nay Vườn Quốc gia Hoàng Liên có hỗ trợ đồng bào nhân giống một số động vật rừng như lợn rừng, nhím. Tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp nên mô hình này phát triển còn chậm do vậy rất cần hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình.

- Thủy sản: Trên địa bàn quản lý có nhiều lưu vực tụ thủy tạo thành các dòng suối mang đến những nguồn nước mát trong rất phù hợp cho việc gây nuôi các loài cá nước lạnh như: cá hồi, cá tầm và các loại cá suối đều là những sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao. Đây là thế mạnh nếu được khai thác tốt sẽ là động lực để phát triển kinh tế trong vùng.

6. Phát triển du lịch sinh thái:

- Khai thác một số thế mạnh trong vùng như phát triển du lịch sinh thái, phát triển các làng nghề truyền thống: dệt, may, thổ cẩm, nghề rèn dao, tắm lá thuốc… từ đó chuyển đổi từ việc sản xuất Thảo quả sang sản xuất các mặt hàng, sản phẩm khác có giá trị kinh tế cao hơn cho người dân các xã vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

- Thu hút người dân địa phương vào các hoạt động du lịch như làm hướng dẫn, khuân vác đồ; làm dịch vụ du lịch như đón khách nghỉ tại gia đình, bán các mặt hàng lưu niệm,…

7. Chuyển đổi nghề nghiệp:

- Đối với những người đang sinh sống trong vùng lõi VQG Hoàng Liên: Có chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi từ sản xuất Thảo quả sang phát triển các cây trồng có giá trị cao hơn như cây ba kích, nấm hương… hoặc chuyển đổi từ sản xuất nông lâm nghiệp sang phi nông nghiệp như làm dịch vụ du lịch, sản xuất các mặt hành thủ công, mây tre đan, dệt may thổ cẩm, chạm khắc đá, rèn dao… để từng bước thay thế cây Thảo quả.

- Tăng cường hướng nghiệp, dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số để họ thoát ly khỏi vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

8. Về mặt kỹ thuật:

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn sản xuất Thảo quả bền vững trong rừng sản xuất, rừng phòng hộ ít sung yếu. Hướng dẫn kỹ thuật trong các khâu gây trồng, chăm sóc thu hoạch, đăc biệt chú trọng khâu chế biến, bảo quản vì đây là công đoạn quyết định đến chất lượng sản phẩm. Đồng thời bao tiêu sản phẩm, ổn định giá cả thị trường.

- Hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật để người dân chuyển đổi từ lối sản xuất thủ công cho năng suất và sản lượng thấp sang sản xuất thâm canh, tăng năng xuất, tăng chất lượng sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích canh tác.

- Hỗ trợ cộng đồng, cá nhân các lò sấy Thảo quả công suất lớn, tiết kiệm nhiên liệu để tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng và hạn chế việc khai thác củi tươi trong rừng để sấy Thảo quả.

- Trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên có rất nhiều diện tích sản xuất Thảo quả dưới tán rừng, sau một chu kỳ phát triển của cây Thảo quả (khoảng 20 năm) những khu rừng này sẽ trở thành đất trống sau khi những cây che bóng già cỗi và chết đi. Để tiếp tục duy trì sự phát triển liên tục của rừng đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ kinh phí để VQG Hoàng Liên triển khai việc làm giàu rừng trồng Thảo quả bằng việc trồng bổ sung những loài cây bản địa và cây đa mục đích trong khu rừng này như cây Táo mèo, cây Nhội,…

9. Về mặt quản lý:

- Bảo vệ, phát triển rừng, hỗ trợ người dân tham gia BVR: Thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ dịch vụ môi trường rừng nhằm bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn quản lý và giúp người dân có thêm nguồn thu nhập từ bảo vệ rừng.

- Quản lý chặt chẽ việc trồng Thảo quả trong rừng đặc dụng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng phát luỗng dưới tán rừng trồng mới Thảo quả, lấn chiếm mở rộng diện tích Thảo quả. Tăng thuế môi trường đối với cây Thảo quả trong rừng tự nhiên để khuyến khích phát triển Thảo quả trong rừng trồng, rừng sản xuất.

Sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa cả các cấp, các ngành địa phương, người nông dân và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vừa là động lực vừa là đòn bẩy nhằm hỗ trợ cho người dân tất cả những yếu tố về kinh tế, xã hội cũng như nhận thức về tác hại của việc trồng Thảo quả dưới tán rừng tự nhiên, trên cơ sở không phát triển mở rộng thêm diện tích trên trong rừng tự nhiên, từng bước đưa Thảo quả ra khỏi rừng đặc dụng ... Tiến tới canh tác thảo quả theo hướng thâm canh, bền vững có kiểm soát, đảm bảo thu nhập cho người dân góp phần vào xóa đói giảm nghèo và công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, môi trường sinh thái, tính đa dạng sinh học của rừng./.



 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập