Thí điểm trồng cây dược liệu dưới tán rừng
Lượt xem: 523

Ngày 02/10/2018, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 3061/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Xây dựng mô hình thí điểm trồng cây dược liệu dưới tán rừng khu vực đèo Ô Quý Hồ”.

Theo nội dung quyết định, dự án thực hiện trên diện tích 7,2 ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái tại khu vực đèo Ô Quý Hồ, giáp ranh giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu. Vườn Quốc gia Hoàng Liên có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung của dự án đảm bảo hiệu quả, thiết thực; theo đúng các quy định về quản lý đầu tư hiện hành; quản lý, bảo vệ và phát triển tốt tài nguyên rừng khu vực thực hiện dự án.

Tam thất hoang (Panax stipuleanatus)

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Tú, Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Hoàng Liên cho biết: Kết quả của các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học đã khẳng định giá trị bảo tồn và phát triển phù hợp của nhiều loài cây dược liệu trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, hoàn cảnh rừng của VQG Hoàng Liên; nhất là các loài cây Tam thất hoang, Sâm vũ diệp, Sâm Ngọc Linh, Bẩy lá một hoa. Dự án được thực hiện sẽ mang lại giá trị kinh tế cao và giảm sự khai thác cây dược liệu từ rừng tự nhiên; góp phần bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn gien cây dược liệu bản địa quý, hiếm của tỉnh Lào Cai và nước ta.


Sâm vũ diệp (Panax bipinnatifidus)

Được biết, Tam thất hoang, Sâm vũ diệp, Sâm Ngọc Linh, Bẩy lá một hoa là những loài cây thuốc quý, hiếm, mọc rải rác dưới tán rừng kín thường xanh, độ dốc lớn. Đây là những loài cây mang lại giá trị kinh tế cao, giá bán hiện nay của mỗi loại dao động từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng một kg. Đặc biệt, Tam thất hoang và Sâm vũ diệp là hai loài dược liệu chỉ tìm thấy được trên dãy núi Hoàng Liên từ độ cao 1.200m đến 2.200m ở sườn Đông Bắc. Hạt của những loài cây này trong tự nhiên có tỷ lệ nẩy mầm rất thấp và số lượng cây tái sinh trong tự nhiên cũng rất hạn chế. Trong dân gian, các bộ phận của cây Tam thất hoang, Sâm vũ diệp, Sâm Ngọc Linh, Bẩy lá một hoa đều được dùng làm thuốc. Với thành phần hóa học chính là Saponin steroid và Polyphyllin, các loài dược liệu trên đã được chứng minh có các tác dụng giảm đau, chống viêm, cầm máu, kích thích miễn dịch, ức chế sự phát triển của khối u. Chúng được người dân bản địa sử dụng làm thuốc bồi bổ, chữa thiếu máu, xanh xao gầy còm, chữa huyết áp thấp do thiếu máu nặng và phòng, chống ung thư,…


Bẩy lá một hoa (Paris chinensis)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã San Sả Hồ, ông Má A Nủ vui mừng cho rằng: Những năm qua, nhiều hộ gia đình đã đủ ăn và trở lên giàu có từ việc phát triển cây Thảo quả dưới tán rừng đặc dụng. Song trồng Thảo quả dưới tán rừng cũng làm suy thoái tài nguyên rừng, suy giảm đa dạng sinh học, gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, việc triển khai thực hiện mô hình trên địa bàn xã sẽ là cơ sở thúc đẩy Nhân dân thăm quan, học tập, gây trồng và phát triển các loài cây dược liệu dưới tán rừng, dần dần thay thế cây Thảo quả, giảm áp lực của người dân đối với rừng, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng VQG Hoàng Liên./.

Ban Biên tập






 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập