Tăng cường phối hợp trong bảo vệ và phát triển rừng
Lượt xem: 466

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết thực trạng phá rừng, khai thác gỗ và lâm sản trái phép trên địa bàn cả nước trong những năm gần đây. Địa phương nào là điểm nóng về tình trạng này?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, nhất là tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật vẫn diễn ra ở một số địa phương. Rừng bị phá trái phép chủ yếu ở khu vực rừng phòng hộ và rừng sản xuất, đặc biệt ở các dự án được phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng hoặc cải tạo rừng và diện tích chuyển giao từ các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp cho địa phương quản lý. Tính từ năm 2014 đến nay, cả nước đã xảy ra 3.656 vụ phá rừng trái pháp luật, 3.528 vụ khai thác lâm sản trái phép. Điển hình là tại các tỉnh: Đắc Nông, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Sơn La, Điện Biên…

Mục đích chủ yếu của hành vi phá rừng trái pháp luật là để lấy đất sản xuất; trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp; mua bán sang nhượng trái pháp luật; khai thác khoáng sản; khai thác tận thu gỗ, lâm sản có giá trị cao.

                                            emoticon                                                                  
  Cán bộ Kiểm lâm cùng dân quân tự vệ tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: THANH TIẾN. 

PV: Cục Kiểm lâm đã tham mưu và có những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng trên?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Trong những năm gần đây, công tác quản lý bảo vệ rừng đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo; nhiều biện pháp cấp bách chống chặt phá rừng được triển khai quyết liệt. Bên cạnh đó, Cục Kiểm lâm đã kịp thời tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành góp phần tích cực, có hiệu quả vào công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và xử lý các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc chi cục kiểm lâm các tỉnh tổ chức các đợt kiểm tra, tuần tra, truy quét các tổ chức, cá nhân phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng và những cán bộ kiểm lâm thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nên thời gian gần đây, tình trạng vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng đã giảm nhiều. Về cơ bản, rừng đã và đang được quản lý bảo vệ và phát triển; tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép trên quy mô lớn đã giảm đáng kể, một số điểm nóng đã được kiểm soát. Cụ thể, vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm từ 25.658 vụ năm 2014 xuống còn 20.116 vụ năm 2015 (giảm 5.542 vụ, tương ứng với 22%).

PV: Được biết, Cục Kiểm lâm đã phối hợp với Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) trong công tác bảo vệ rừng, vậy kết quả của công tác phối hợp đó như thế nào? Đồng chí đánh giá, nhận xét gì về vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ trong việc tham gia bảo vệ rừng?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Năm 2014, Cục Kiểm lâm và Cục Dân quân tự vệ, Cục V28 (Bộ Công an) đã ký Quy chế phối hợp trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong công tác bảo vệ rừng. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Dân quân tự vệ đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quan trọng để chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ rừng. Từ đó, công tác phối hợp tuần tra, bảo vệ tài nguyên rừng đã được tăng cường; nhiều tụ điểm về khai thác, cất giữ, mua bán, vận chuyển gỗ, lâm sản trái phép đã bị phát hiện, ngăn chặn và triệt phá.

Qua công tác phối hợp, lực lượng Dân quân tự vệ đã thể hiện rõ vai trò gương mẫu, trách nhiệm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, lực lượng này còn tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ diễn tập phòng, chống cháy rừng-bảo vệ rừng, sẵn sàng tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng khi có yêu cầu. Khi có cháy rừng xảy ra, lực lượng Dân quân tự vệ được huy động với số lượng lớn, tích cực tham gia chữa cháy rừng.

Thời gian tới, các lực lượng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy chế phối hợp số 836/QCPH-DQ-V28-KL trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ rừng. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức thành lập các đoàn kiểm tra giữa hai cục để kiểm tra công tác phối hợp hoạt động giữa hai lực lượng ở cấp xã tại một số tỉnh trọng điểm; xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình, tiêu biểu trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và bảo vệ tài nguyên rừng…

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập