Cho thuê môi trường rừng xây dựng hệ thống cấp nước sạch thị trấn Sa Pa
Lượt xem: 467

Từ lâu, thị trấn Sa Pa là tâm điểm thăm quan, nghỉ mát của khách du lịch trong nước và quốc tế. Năm 2017, lượng khách du lịch đến Sa Pa là trên 2,5 triệu lượt khách, dự tính đến 2020 là trên 4,0 triệu lượt khách, đến 2030 là trên 8,0 triệu lượt khách. Hiện nay, lượng nước sạch chỉ đáp ứng được 3.000m3/ngày đêm, trong khi nhu cầu nước sạch lúc cao điểm là trên 10.000m3/ngày đêm. Do vậy, việc đảm bảo cung ứng nguồn nước sạch tại Sa Pa đang trở nên vô cùng cấp thiết.


Rừng già trong Vườn quốc gia Hoàng Liên

Vườn quốc gia Hoàng Liên nằm liền kề thị trấn Sa Pa, thuộc dẫy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, cao nhất là đỉnh Fansipan 3.143m được ví như nóc nhà của Đông Dương. Do điều kiện đặc thù của địa hình, khí hậu và các yếu tố tự nhiên khác đã tạo cho VQG Hoàng Liên có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và hệ động vật, thực vật rừng vô cùng phong phú với nhiều loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm. Đồng thời, VQG Hoàng Liên nằm trong khu vực có lượng mưa trung bình hàng năm lớn (2.486 mm/năm), hình thành 2 hệ thống suối lớn đổ ra sông Hồng và sông Đà. Đây là những tiềm năng to lớn trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ. Đem lại nguồn thu đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phòng cháy, chữa cháy rừng. Cụ thể như chi trả DVMTR từ các cơ sở sản xuất thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cho thuê DVMTR để phát triển du lịch sinh thái,… Năm 2017, kinh phí DVMTR lưu vực thủy điện Tà Thàng chi trả cho VQG Hoàng Liên đạt gần 5 tỷ đồng.

Thời gian qua, nhiều cuộc khảo sát thực địa cho thấy khu rừng đặc dụng VQG Hoàng Liên có tiềm năng to lớn cung cấp nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Nhân dân và khách du lịch đến thăm quan, nghỉ mát tại Sa Pa. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để “không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định)” theo đúng nội dung Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. VQG Hoàng Liên đã cùng với đơn vị chủ đầu tư Vinaconex nhiều lần tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước, tài nguyên rừng; xem xét thấu đáo, lựa chọn phương án thi công giảm tối đa ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên. Từ đó, VQG Hoàng Liên xây dựng và đã được UBND tỉnh Lao Cai ban hành Quyết định số 2946/QĐ-UBND ngày 21/9/2018 phê duyệt Phương án cho thuê dịch vụ môi trường rừng để thực hiện dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa.


Tiềm năng nguồn nước tự nhiên cung ứng nước sạch cho thị trấn Sa Pa


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc VQG Hoàng Liên cho biết việc thực hiện phương án đạt được nhiều mục tiêu đa lợi ích:

Một là, giảm tối đa diện tích thi công ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, chỉ còn 1.900 m2.

Hai là, đảm bảo cung ứng lượng nước thương phẩm ổn định 15.000 m3/ngày, đêm; đáp ứng được lượng nước sạch đang thiếu hụt của đô thị Sa Pa.

Ba là, tiền cung ứng DVMTR các năm 2019-2022 là 132,9 triệu đồng/năm, từ năm 2023 trở đi là 284,7 triệu đồng/năm; tiền thuê đất hàng năm là 174 triệu đồng. Góp nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên.

Bốn là, việc xây dựng 02 đập chứa nước sẽ góp phần đảm bảo kết hợp phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng nơi đây.

Năm là, Nhân dân địa phương tham gia và được hưởng lợi từ thực hiện hợp đồng khoán bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Tin tưởng rằng trong thời gian tới, các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều  Phương án cho thuê DVMTR  đê kinh doanh du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, trông cây dược liệu dược liệu dưới tán rừng,.....nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ban Biên tập





 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập