Cây Di
sản – Cây cổ thụ hay còn gọi là Danh mộc cổ thụ đã trở thành cái tên rất đỗi
quen thuộc đối với mọi người dân Việt Nam. Danh mộc cổ thụ là những cây gỗ lớn
sống lâu đến nhiều trăm năm tuổi, chưa đựng nhiều giá trị quan trọng đối với cuộc
sống nhân loại.
Cây Di
sản – Cây cổ thụ hay còn gọi là Danh mộc cổ thụ đã trở thành cái tên rất đỗi
quen thuộc đối với mọi người dân Việt Nam. Danh mộc cổ thụ là những cây gỗ lớn
sống lâu đến nhiều trăm năm tuổi, chưa đựng nhiều giá trị quan trọng đối với cuộc
sống nhân loại.
Danh mộc
cổ thụ không đơn thuần là cá thể hay quần thể, ý nghĩa hơn là nó gắn bó gần gũi
với văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hiểu
theo nghĩa dân gian hoặc nhân cách hóa, thì Danh mộc cổ thụ được ví như những cụ
già nhân từ, những lớp cây cao bong cả chở che cho con cháu đời sau có được cuộc
sống an lành, ấm no và hạnh phúc, là biểu tượng mộc mạc, thiêng liêng trong
không gian văn hóa con người Việt. Còn trong tự nhiên, thì Danh mộc cổ thụ mang
lại rất nhiều giá trị to lớn, sống còn tới cho con người và đất nước như các
giá trị về khoa học, bảo tồn, văn hóa, lịch sử, du lịch và thẩm mỹ:
Tính đến
nay, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt
Nam (VACNE) công nhận 06 quần thể Danh mộc cổ thụ là Cây Di sản Việt Nam gồm Đỗ
Quyên cành thô, Vân Sam Fansipan, Đỗ Quyên quang trụ, Hồng Quang, Thiết Sam và
Trâm Ổi.
Ngày từ
thời gian đầu mới thành lập, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã được đánh giá là một
trong những trung tâm đa dạng sinh học vào bậc nhất của cả nước về số lượng các
loài động thực vật, trong đó đó có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm, được ghi trong
sách đỏ Việt Nam và Thế giới. Vườn còn được công nhận là Vườn Di sản ASEAN do
có nhiều nguồn gen quý hiếm. Việc công nhận 06 quần thể cây cổ thụ, đặc hữu,
quý hiếm là Cây Di sản Việt Nam không chỉ là tin vui đối với Vườn Quốc gia
Hoàng Liên, mà còn có vai trò và ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp bảo tồn đa dạng
sinh học của cả nước.
06 quần
thể Danh mộc cổ thụ đã được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)
công nhận là 06 quần thể Cây Di sản Việt Nam vào tháng 11/2014 và trong năm
2015:
Một là, quần thể 06 cây Đỗ Quyên cành thô trong quần
thể 56 cá thể, hay còn gọi là Đỗ Quyên hoa vàng, có tên khoa học là Rhododendron basilicum Balf. F. & W.W.Sm,
thuộc họ Đỗ Quyên (Ericaceae), có độ
tuổi khoảng 218 tuổi, phân bố tại độ cao 2.700m trên tuyến đường leo núi từ Cát
Cát lên đỉnh Fansipan 3.143m, có diện tích khoảng 1.000m2. Trong số
30 loài Đỗ Quyên của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, duy nhất có Đỗ Quyên cành thô là
loài cây gỗ lớn, than cây cao tới 14 – 15m, cành thô được phủ một lớp lông
nhung màu trắng hoặc xám rất đẹp, có giá trị về khoa học, bảo tồn, du lịch và mỹ
quan.
Hoa đỗ quyên cảnh thô
Hai là, quần thể 06 cây Vân Sam Fansipan trong quần
thể 26 cá thể, gọi theo tên địa phương là Sam lạnh, Vân sam Hoàng Liên hoặc Lãnh
sam, có tên khoa học là Abies delavayi
subsp. Fansipanensis, thuộc ngành Thông (Pinophyta), có độ tuổi khoảng 347 tuổi, phân bố tại độ cao 2.600m
trên tuyến đường leo núi Cát Cát lên đỉnh Fansipan 3.143m, với diện tích khoảng
1.000m2. Vân Sam Fansipan là loài cây gỗ lớn, mọc thẳng, cao tới 15
– 20m với đường kính gốc khoảng 1m, cây mọc đứng có tán tỏa rộng, mọc rải rác ở
các vách núi cao thuộc đường đỉnh của núi trong rừng rậm nguyên sinh thường
xanh mưa mùa nhiệt đới ở độ cao từ 2.600m – 3.000m thuộc vùng núi Fansipan
trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên, có giá trị về khoa học, bảo tồn, văn hóa, lịch
sử và mỹ quan, đồng thời cũng là loài cây làm biểu tượng đặc trưng cho Vườn Quốc
gia Hoàng Liên ngay từ những năm đầu thành lập.
Vân sam Fansipan
Ba là, quần thể 07 cây Đỗ Quyên quang trụ, gọi
theo tên địa phương là Đỗ Quyên hoa đỏ, có tên khoa học là Rhododendron Tanastylum Balf., thuộc họ Đỗ Quyên (Ericaceae),
có độ tuổi khoảng 267 tuổi, phân bố tại độ cao 2.715m trên tuyến đường leo núi
Cát Cát lên đỉnh Fansipan 3.143m, với diện tích khoảng 1.000m2,
trong quần thể 20 cá thể. Trong số 30 loài Đỗ Quyên tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, có duy nhất cây Đỗ Quyên quang trụ (Rhododendron Tanastylum
Balf.) là loài
cây gỗ nhỏ cao đến 20m, có hoa to, đẹp và sặc sỡ nhất mà ai cũng dễ
dàng nhận ra được.
Cây có giá trị về khoa học, bảo tồn, du lịch và mỹ quan.
Đỗ quyên Quang trụ

Bốn là, quần thể 09 cây Hồng
quang, có tên gọi địa phương là Pơ Linh hoặc Lôi, tên khoa học là Rhodoleia championii Hook. F., thuộc
ngành Ngọc Lan (Magnoliphyta), có độ
tuổi khoảng 199 tuổi, phân bố tại độ cao 2.676m trên tuyến đường leo núi Trạm
Tôn lên đỉnh Fansipan 3.143m, với diện tích khoảng 1.000m2, trong quần
thể 16 cá thể. Hồng Quang (Rhodoleia championii Hook. F.) mọc rải rác tại các khu rừng thứ sinh,
rừng rậm nguyên sinh ẩm thường xanh mưa nhiệt đới ở độ cao 200m – 2.500m, tập trung nhiều ở độ cao 800m – 1.500m trong rừng nguyên sinh hoặc
thứ sinh thuộc dãy Hoàng Liên Sơn trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Lào Cai, có giá trị về khoa
học, bảo tồn, văn hóa, lịch sử và mỹ quan.
Hồng quang
Năm là, quần thể 09 cây Thiết sam, có tên gọi địa
phương là Thiết Sam Fansipan hoặc Thiết Sam núi đá, tên khoa học là Tsuga dumosa (D.don) Eichler, 1887, thuộc
ngành Thông (Pinophyta), có độ tuổi
khoảng 347 tuổi, phân bố tại độ cao 2.829m trên tuyến đường leo núi Cát Cát lên
đỉnh Fansipan 3.143m, với diện tích khoảng 1.000m2. Thiết Sam Fansipan (Tsuga dumosa (D.don) Eichler, 1887) mọc rải rác tại các vách núi cao thuộc đường đỉnh của núi
trong rừng rậm nguyên sinh thường xanh mưa mùa nhiệt đới ở độ cao 2.600m – 3.000m thuộc vùng núi Fansipan trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Lào Cai, có giá trị về khoa
học, bảo tồn, văn hóa, lịch sử và mỹ quan.
Thiết sam
Sáu là, quần thể 10 cây Trâm
ổi, tên gọi địa phương là Hồ Mộc Tây Tạng, có tên khoa học là Huodendron tibeticum (Anthony) Rehd, thuộc họ Bồ đề (Styracaceae), có độ tuổi khoảng 387
tuổi, phân bố tại độ cao 2.146m trên tuyến đường leo núi Sín Chải lên đỉnh
Fansipan 3.143m, với diện tích khoảng 10.000m2 (1ha). Trâm ổi/
Hồ Mộc Tây Tạng (Huodendron
tibeticum (Anthony) Rehd.) mọc rải
rác tại các khu rừng thứ sinh, rừng rậm nguyên sinh ẩm thường xanh mưa nhiệt đới
ở độ cao 1.500m – 2.600m, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Lào Cai. Ngoài ra còn có thể thấy nó ở Tây Tạng, Trung Quốc. Cây có giá trị về
khoa học, bảo tồn, văn hóa, lịch sử và mỹ quan.
Cây Trâm ổi (Hồ mộc tây tạng)
06 quần
thể Danh mộc cổ thụ đẹp, đặc hữu, quý hiếm, có tuổi đời rất cao, trong đó có
loài được ghi danh trong sách đỏ Việt Nam, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao cần
được bảo vệ cấp bách. Vậy phải làm như thế nào đề chăm sóc, bảo vệ tốt các quần
thể Danh mộc cổ thụ này? Chúng ta hiểu rằng, cây cũng như con người vậy, nếu sống
ở những hoàn cảnh, điều kiện, giai tầng khác nhau thì sự phát triển về vật chất,
thể chất và tâm lý cũng khác nhau. Ở đây 06 quần thể Danh mộc cổ thụ là 06 loài
cây khác nhau, phân bố ở những độ cao và khu vực khác nhau nên tính áp lực phải
hứng chịu từ môi trường sống cũng khác nhau khi mà khí hậu toàn cầu ngày càng
biến đổi. Bởi vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu, điều tra và tìm hiểu kỹ về độ
tuổi, đặc điểm hình thái và hiện trạng phân bố của từng loài cây, đồng thời
cũng cần nắm bắt sâu sắc về đặc điểm giá trị của từng loài. Nếu chúng ta thiếu
am hiểu, không có sự chăm sóc, bảo vệ đúng mức thì sức khỏe của cây sẽ trở lên
tồi tệ, làm giảm tuổi thọ của cây, nghĩa là làm giảm đi các giá trị vốn có của
chúng. Nhưng khác với các loài Cây Di sản được trồng ở các vùng đồng bằng, được
chăm sóc, bảo vệ bằng việc cử người tưới nước, bón phân, theo dõi để phát hiện
và phòng trừ sâu bệnh, thì các loài Cây Di sản ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên lại cần
được chăm sóc và bảo vệ bằng các biện pháp mang tính chuyên môn lâm nghiệp. Vốn
dĩ, các loài Cây Di sản ở các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên là những
loài cây mọc tự nhiên nên chúng sinh trưởng và phát triển bình thường, có khả
năng chống chịu cao ở mọi điều kiện thời tiết, khí hậu. Nhưng biến đổi khí hậu
toàn cầu với những vấn đề thời tiết bất thường lại là vấn đề đáng quan ngại đối
với các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên hiện nay nên việc chăm sóc và
bảo vệ liên quan chủ yếu đến hai vấn đề chính, đó là: Tập trung bảo vệ nghiêm
ngặt và Nhân giống bảo tồn nguồn gen. Những loài cây này thường là những loài
cây đặc hữu, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Việc tập
trung bảo vệ nghiêm ngặt cần phải tuân theo cơ chế bảo vệ nghiêm ngặt được áp dụng
đối với các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên và theo đúng nguyên tắc bảo
vệ của rừng đặc dụng, đó là đảm bảo sự phát triển tự nhiên của các loài cây, bảo
tồn đa dạng sinh học và cảnh quan của khu rừng. Phân tích rộng ra là cần phải đảm
bảo nguyên vẹn, quản lý, bảo vệ chặt chẽ để theo dõi diễn biến tự nhiên của các
loài cây, đồng thời nghiêm cấm mọi hành vi làm thay đổi cảnh quản tự nhiên, ảnh
hưởng đến đời sống tự nhiên của các loài Cây Di sản như: Di thực các loài cây mới;
Khai thác tài nguyên sinh vật; Chăn thả gia súc; Các hoạt động gây ô nhiễm môi
trường; Mang hoặc sử dụng hóa chất độc hại; Đốt lửa…v.v…trong hoặc ven khu vực
chăm sóc, bảo vệ các loài Cây Di sản Việt Nam.
Việc nhân
giống bảo tồn nguồn gen liên quan đến hai phương pháp là bảo tồn nguyên vị và bảo
tồn chuyển vị. Bảo tồn nguyên vị là bảo tồn tại chỗ, tại khu vực phân bố của
các quần thể Cây Di sản. Bảo tồn chuyển vị là phương pháp bảo tồn di thực nguồn
gen về nơi có đặc điểm sinh thái tương đồng với nơi phân bố loài ngoài tự nhiên.
Qúa trình nhân giống được thực hiện qua hai cách là nhân giống bằng hạt và nhân
giống bằng phương pháp giâm hom với các quy trình kỹ thuật chuyên môn của ngành
lâm nghiệp. Nhưng lý thuyết bảo tồn và thực tế bảo tồn là hai khía cạnh khác
nhau. Khi ta nói đến hai từ “thách thức” và ta cảm nhận được mức độ nghiêm trọng
của nó bao nhiêu, thì khi hành động, bắt tay vào thực hiện lý thuyết đó lại khiến
cho người thực hiện cảm nhận được thách thức lớn hơn gấp bội.
Chúng
ta cần phải hiểu hiện trạng bảo tồn ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên và cả ở các khu
vực xung quanh khi mà hiện nay chúng ta phải đối mặt với thách thức của biến đổi
khí hậu ngày càng nghiêm trọng, các vụ cháy rừng, lũ quét, lũ ống thường xuyên
xảy ra trong khu vực, đặc biệt là ở những khu vực núi cao có phân bố các loài
cây cổ thụ, to đẹp bao gồm cả những loài Cây Di sản được đề cập ở đây.
Mặt
khác, ngày càng xuất hiện nhiều những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực
buôn bán lâm sản, khai thác và buôn bán gỗ, buôn bán cây cảnh và các loài dược
liệu quý đang là mối họa lớn đối với công tác chăm sóc, bảo vệ các loài Cây Di
sản đặc hữu, quý hiếm ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Nghiêm trọng hơn nữa, nhận thức
của một bộ phận cộng đồng người dân đang sinh sống trong khu vực là những người
dễ bị ảnh hưởng bởi các luồng tư tưởng khác nhau khi mà cuộc sống hàng ngày của
họ chưa được đảm bảo, thì các hoạt động khai thác lâm sản bừa bãi và trái phép dễ
dàng xảy ra mới mong muốn có một cuộc sống no đủ trước mắt.
Một vấn
đề nữa là ý thức, nhận thức từ khách du lịch cũng là vấn đề đáng quan tâm trong
tình hình hiện nay. Thường thì Cây Di sản là những loài cây có giá trị lớn đối
với ngành du lịch, nhất là du lịch sinh thái hướng con người về với thiên nhiên
hoang dã và văn hóa bản địa. Các loài Cây Di sản là những loài cây to đẹp, có
nhiều giá trị, sẽ thu hút nhiều khách du lịch, các nhà khoa học tới tham quan,
nghiên cứu, học tập. Nếu là những du khách thiếu ý thức và không có nhận thức
sâu sắc về các loài cây này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới những nỗ lực chăm
sóc, bảo vệ của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh, Giám đốc VQG Hoàng Liên cùng đoàn cán bộ đi kiểm tra hiện trạng cây di sản.
Để việc
chăm sóc, bảo vệ tốt các loài Danh mộc cổ thụ tại đây, Vườn Quốc gia Hoàng Liên
đã và đang thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, nghiên cứu nhân
giống bảo tồn các loài Cây Di sản, bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
giáo dục để cộng đồng người dân, du khách tiếp cận thông tin. Xây dựng các tuyến,
điểm du lịch sinh thái với chủ đề hướng về các loài Danh mộc cổ thụ - Cây Di sản
Việt Nam. Để làm tốt được những việc trên, Vườn Quốc gia Hoàng Liên cần tiếp tục
kêu gọi đầu tư nhân lực và nguồn lực, xây dựng chương trình hành động, lập các
đề tài, dự án có sự tham gia, đóng góp của cộng đồng địa phương, các nhà khoa học
và các tổ chức xã hội. Theo đó là du lịch
sinh thái với chủ đề hướng về các loài Danh mộc cổ thụ - Cây Di sản Việt Nam cũng
sẽ được khai thác mạnh trong khu vực. Đây sẽ trở thành bước đột phá lớn trong sự
nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp với phát triển du lịch sinh thái ở Vườn
Quốc gia Hoàng Liên./.
Doãn Hương