Tạo sinh kế để người dân phát triển nông nghiệp bền vững
Lượt xem: 184

LCĐT - Nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, thời gian qua, các ngành chuyên môn và huyện Sa Pa đã nỗ lực cải thiện sinh kế bền vững cho người dân sống trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên thông qua nâng cao kỹ thuật canh tác và đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Người dân thôn Tả Van Giáy 2 (xã Tả Van) được hướng dẫn trồng giảo cổ lam trong vườn nhà.

Dọc theo dãy Hoàng Liên Sơn, các bản làng người Giáy, Dao, Mông… sống xen kẽ dưới những cánh rừng, nằm trong vùng đệm và vùng lõi của vườn quốc gia. Quá trình sinh sống, hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác các nguồn tài nguyên từ rừng đã tác động không nhỏ đến đa dạng sinh học trong khu vực. Người dân sống trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn nghèo, kinh tế phần lớn dựa vào sản xuất nông nghiệp nên gây áp lực lên tài nguyên thiên nhiên của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Trong phạm vi đổi mới thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Lào Cai với vùng Nouvelle Aquitaine (Pháp), tỉnh Lào Cai đề nghị hỗ trợ các hộ nông dân sống trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Trên cơ sở đó, chương trình hỗ trợ nông nghiệp cho các hộ vùng đệm và vùng lõi của Vườn Quốc gia Hoàng Liên được triển khai với mục tiêu cải thiện và đa dạng hóa hoạt động nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực và tạo thu nhập bền vững, giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên và góp phần bảo vệ nguồn đa dạng sinh học tại địa phương. Năm 2017, Tổ chức Agrisud triển khai Dự án “Nâng cao thu nhập cho người dân tộc thiểu số dựa trên nông nghiệp bền vững” (Dự án Ideas) tại một số xã nằm trong vùng đệm và vùng lõi của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Theo ông Lê Huy Công, Điều phối viên Dự án Ideas, đại diện Tổ chức Agrisud, dự án hướng đến các hoạt động cải thiện thu nhập từ sản phẩm nông nghiệp như giảo cổ lam, mật ong, địa lan và một số loại cây ăn quả; phát triển và cải tiến các kỹ thuật cho các mô hình như trồng rau, nuôi lợn đen và gà bản. Dự án có 351 hoạt động hỗ trợ 252 hộ.

Ông Lê Huy Công cho biết: Người dân vẫn giữ thói quen khai thác các nguồn lợi từ rừng nhưng phương pháp khai thác tận diệt, thiếu tính duy trì. Thay vì chỉ hỗ trợ đơn thuần, dự án mong muốn đồng hành với người dân, thay đổi cách nghĩ, cách làm, thói quen sản xuất. Bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, dự án nỗ lực góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển nông nghiệp bền vững.

Giảo cổ lam là một trong những sản phẩm hàng hóa được tạo ra từ người dân sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Trước đây, ngoài những vụ sản xuất lương thực chính như ngô, lúa, người dân thường vào rừng thu hái giảo cổ lam. Tuy nhiên, người dân thường có thói quen thu hái triệt để “từ gốc đến ngọn”. Chính vì vậy, ở những nơi đã được khai thác, giảo cổ lam thường không thể tái sinh, người dân chỉ thu hái được 1 lần. Bên cạnh đó, do thiếu kỹ thuật sơ chế, chế biến nên hầu như người dân chỉ bán giảo cổ lam tươi với giá rất rẻ.

Gia đình bà Sần Thị Bức ở thôn Tả Van Giáy 2 (xã Tả Van, thị xã Sa Pa) là một trong những hộ được hướng dẫn phát triển bền vững cây giảo cổ lam. Trước đây, cũng như nhiều người khác, bà Bức thường hái giảo cổ lam trong rừng Hoàng Liên rồi đem bán cho tư thương. Sau khi tham gia dự án, bà và một số hộ trong vùng được hướng dẫn cách đưa giảo cổ lam về trồng, khai thác và sơ chế, chế biến thành sản phẩm hàng hóa. Giảo cổ lam được tạo những điều kiện tương đương với môi trường tự nhiên nên sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, việc thu hái hợp lý nên tái sinh, cho thu hoạch nhiều vụ. Từ đó, bà Bức không cần phải vào rừng hái giảo cổ lam trong khi vẫn có nguồn thu nhập đáng kể.

Ngoài giảo cổ lam, Dự án Ideas cũng hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, khai thác thế mạnh bản địa. Các mô hình có thể kể đến như phát triển đàn ong đặc hữu của rừng Hoàng Liên, giảm việc khai thác mật ong thiên nhiên; mô hình nuôi nhím; trồng cây ăn quả ôn đới trong vườn nhà và xen giữa những tán rừng… Việc tạo sinh kế giúp người dân có thêm thu nhập đã góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu tác động của con người đến môi trường rừng của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Hoàng Liên nhận định: Người dân sống trong vùng đệm, vùng lõi của vườn quốc gia có nhiều tác động tiêu cực tới rừng. Bởi vậy trong những năm qua, nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là bảo vệ bền vững tài nguyên rừng, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong bảo vệ đa dạng sinh học. Chúng tôi đã lồng ghép các dự án của các tổ chức quốc tế với mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững không chỉ tạo sinh kế cho người dân, mà còn giảm sự phụ thuộc vào việc khai thác nguồn lợi tự nhiên trong rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo baolaocai.vn


Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập