Đánh giá kết quả bảo tồn lưỡng cư tại Vườn quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2017 - 2019
Lượt xem: 226

LCĐT - Chiều 26/4, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên phối hợp với Đoàn nghiên cứu thuộc Hội Động vật London (Anh) và Bảo tàng Quốc gia Úc tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch bảo tồn lưỡng cư tại Vườn quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2017 - 2019, đề xuất kế hoạch thực hiện đến năm 2023.

Dự hội thảo có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; các cơ quan chuyên môn của tỉnh Lào Cai và Lai Châu.

Quang cảnh hội thảo

Năm 2013, các nhà khoa học công bố phát hiện 2 loài lưỡng cư quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) đưa ra, đó là cóc răng sterling và cóc mày botsford tại Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa). Năm 2017, Vườn quốc gia Hoàng Liên và Hội Động vật London (Anh), Bảo tàng Quốc gia Úc đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, đào tạo, bảo tồn động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Hoàng Liên giai đoạn 2017 - 2019, trong đó có bảo tồn hai loài lưỡng cư quý hiếm nói trên. Vườn quốc gia Hoàng Liên đã xây dựng kế hoạch bảo tồn hai loài lưỡng cư và trình UBND tỉnh phê duyệt, đồng ý cho phép phối hợp với Hội Động vật London (Anh), Bảo tàng Quốc gia Úc và các tổ chức khoa học quốc tế liên quan thực hiện kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn hai loài cóc quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng tại Vườn quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Trong 3 năm (2017 - 2019), các bên liên quan đã tổ chức 6 đợt nghiên cứu, điều tra thực địa tại Vườn quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, thu thập các mẫu vật gửi đi phân tích tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Quốc gia Úc, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London. Qua khảo sát thực địa và kết quả phân tích mẫu vật, đã ghi nhận 45 loài tại Vườn quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Trên cơ sở đó, cập nhật danh lục gồm 87 loài cho hệ lưỡng cư ở Vườn quốc gia Hoàng Liên, mô tả 3 loài lưỡng cư mới cho khoa học, ghi nhận 4 loài lưỡng cư mới cho Vườn quốc gia Hoàng Liên, phát hiện một số loài mới và loài đặc hữu, quý hiếm, nguy cấp. Trong số 87 loài lưỡng cư ghi nhận, có 10 loài đặc hữu của Việt Nam và 3 loài đặc hữu chỉ ghi nhận tại Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Chuyên gia Hội Động vật London và Bảo tàng Quốc gia Úc 
lấy mẫu tại Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Đối với loài cóc răng sterling, kết quả nghiên cứu đã mở rộng vùng phân bố mới ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát so với ghi nhận trước đó (núi Fansipan, Vườn quốc gia Hoàng Liên) và mở rộng độ cao phân bố xuống 2.345 m so với ghi nhận trước đây trên 2.700 m. Đối với loài cóc mày botsford, kết quả nghiên cứu ghi nhận địa điểm thứ 2 của loài này ở 2.500 m rừng Tùng, tuyến Cát Cát, trước đó ghi nhận xuất hiện của loài lưỡng cư này tại suối 2.800 m, tuyến Trạm Tôn.

Loài cóc mày botsford (bên trái) và cóc răng sterling
 phát hiện tại Vườn quốc gia Hoàng Liên

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, các bên liên quan đề xuất kế hoạch thực hiện đến năm 2023, gồm 9 nội dung: Tổng hợp thông tin về các loài mới đã được tìm thấy ở Vườn quốc gia Hoàng Liên, bao gồm phạm vi phân bố, sinh cảnh sống liên quan, lịch sử sự sống của các loài lưỡng cư tại Vườn quốc gia Hoàng Liên; tìm hiểu các mối đe dọa đối với các loài lưỡng cư tại Vườn quốc gia Hoàng Liên và cách chúng tác động khi kết hợp với nhau; xác nhận sự đa dạng thực sự của các loài lưỡng cư, thiết lập mối quan hệ giữa các loài - môi trường - độ cao, lập danh sách các loài làm cơ sở xem xét sự ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu và bảo tồn; mở rộng tìm hiểu sự đa dạng loài tại các khu vực được bảo vệ khác trên dãy Hoàng Liên; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực để có đội ngũ cán bộ, chuyên gia làm việc độc lập tại Vườn quốc gia Hoàng Liên về lưỡng cư; gắn kết các dự án về lưỡng cư với các dự án về bò sát (Việt Nam và quốc tế) vì hiện có rất ít thông tin về sự đa dạng của các loài bò sát; phân tích mối quan hệ giữa khách du lịch và đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Hoàng Liên để nâng cao nhận thức về lưỡng cư và môi trường; xuất bản các ấn phẩm về lưỡng cư, góp phần thúc đẩy nghiên cứu, củng cố cơ sở dữ liệu và khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học tại Vườn quốc gia Hoàng Liên.

THANH NAM(BAOSLAOCAI.com)

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập