Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị định số 156/2018/NĐ-CP
Lượt xem: 249

Từ ngày 01/01/2019, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp có hiệu lực với nhiều nội dung về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị định số 156/2018/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tính đến hết năm 2021, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh đạt 378.036,2 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,91%. Trong thời gian qua, Lào Cai đã triển khai hiệu quả công tác rà soát, quy hoạch 3 loại rừng thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thực hiện theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến rừng, các biến động về tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp; thiết lập quản lý và bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, vùng giáp ranh có nguy cơ xâm hại rừng cao. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững của 12 chủ rừng gồm Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Bát Xát, 09 Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện, thị xã, thành phố với diện tích trên 200.000 ha; xây dựng được vùng rừng trồng nguyên liệu hơn 40.000 ha và có diện tích quế đạt thương hiệu quế hữu cơ trên 3.600 ha.

Rừng được quản lý, bảo vệ tốt tại Khu BTTN Bát Xát (ảnh: internet)

Hàng năm, Lào Cai tổ chức khoán quản lý, bảo vệ diện tích trên 369.311 ha rừng hiện có. Trồng mới được 14.224,3 ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 13.367,69 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2021 đạt 56,91%. Khai thác và chế biến lâm sản trung bình hàng năm đạt 180.000 m3 với 365 cơ sở chế biến lâm sản. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đến hết năm 2021 ước đạt 2.654 tỷ đồng, chiếm 16% giá trị nội ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các quy định về giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng được triển khai thực hiện nghiêm. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa diện tích phải chuyển mục đích sử dụng rừng. Kiên quyết không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang thực hiện dự án khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, các lực lượng chức năng luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” gắn với phương châm đồng bộ, ráo riết, quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Trong đó chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn các chủ rừng thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; hướng dẫn người dân canh tác nương rẫy an toàn, nhất là tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Các lực lượng tổ chức thường trực 24/24h trong những ngày thời tiết khô, hanh kéo dài, thực hiện chủ động công tác ứng cứu, chữa cháy rừng để hạn chế thấp nhất nếu có cháy rừng xảy ra. Đồng thời kiện toàn hoạt động của 178 Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp với 4.460 thành viên và củng cố, duy trì hoạt động của các đội/tổ xung kích bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã, thôn.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện trong những năm qua từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích, duy trì tỷ lệ che phủ, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện môi trường sinh thái. Hiện nay, Lào Cai đã xác định và áp dụng hệ số K, xác định diện tích rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm; xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng, hướng dẫn UBND cấp xã việc kiểm tra, xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Thực hiện xây dựng quy chế phối hợp, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Qua đó công tác thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng đảm bảo thu đúng, thu đủ và theo các quy định hiện hành. Hàng năm, tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho khoảng 229.000 ha với trên 18.700 chủ rừng; Vườn quốc gia Hoàng Liên là đơn vị duy nhất đang thực hiện cho Công ty TNHH Dịch vụ cáp treo Fansipan thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, tự tổ chức thu vé 03 điểm du lịch.

Một góc rừng VQG Hoàng Liên (ảnh: VQG Hoàng Liên)

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ như: (i) Sử dụng môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu; (ii) việc xây dựng, thẩm định, quản lý các công trình, dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; (iii)  trình tự, thủ tục thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng chưa thống nhất, đồng bộ với thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất;(iv) chưa có Thông tư hướng dẫn chi tiết việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt kế hoạch, chỉ tiêu phân bổ diện tích rừng được chuyển mục đích sử dụng trong kỳ quy hoạch; (v) Luật Lâm nghiệp không quy định thuê rừng tự nhiên là rừng phòng hộ đối với tổ chức là doanh nghiệp.

Với những khó khăn vướng mắc trên Lào Cai đã đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét xây dựng dự thảo trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan.

1. Đề xuất Sửa đổi: (1) Quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 70 về "Kinh phí dự phòng được trích tối )đa 5% tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu trong năm để hỗ trợ: hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được giao, khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài trong trường hợp có thiên tai, khô hạn;  thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng đặc thù của địa phương; Quy định tại khoản 5, Điều 57 đề nghị quy định cụ thể để đưa ra tổ chức triển khai thực hiện chi trả dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng.

2. Đề xuất bổ sung: Bổ sung hướng dẫn cụ thể về khai thác lâm sản ngoài gỗ trong rừng phòng hộ, rừng trồng sản xuất của tổ chức Nhà nước; Hướng dẫn lập dự án thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; hướng dẫn về "trình tự thủ tục thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thống nhất đồng bộ với trình tự thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt kế hoạch chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Xem xét sửa Luật Lâm nghiệp theo hướng cho doanh nghiệp là thủy điện thuê diện tích rừng tự nhiên trong lưu vực thủy điện.

Với việc điều chỉnh, bổ sung kịp thời những quy định mới phù hợp với tình hình thực tiễn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đồng thời góp phần đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai nói riêng và của cả nước nói chung theo hướng bền vững./.

Theo kiemlamlaocai.org.vn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập