“Kho vàng xanh” giữa đại ngàn Hoàng Liên
Lượt xem: 681

Với những cánh rừng già trải dài ngút ngát, có những loài động - thực vật đặc hữu quý hiếm, vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn thật sự hấp dẫn với tất cả những ai đặt chân đến. Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và thế giới khi đến khảo sát, nghiên cứu đã từng gọi Khu Bảo tồn này là “Kho vàng xanh” của đại ngàn Hoàng Liên.


Gian nan đường đi tuần rừng
Khi nghe kể về sự “giàu có” tài nguyên trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, chúng tôi cảm thấy thích thú bởi bấy lâu nay xuôi ngược ở vùng đất này mà chúng tôi vẫn chưa biết được phía Đông Nam của dãy Hoàng Liên hùng vĩ lại có một “viên ngọc xanh” quý như vậy. Sau nhiều lần hẹn, vừa rồi, chúng tôi mới có dịp cùng cán bộ của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn tổ chức chuyến khám phá Khu Bảo tồn.

Để thực hiện chuyến đi rừng, chúng tôi phải có mặt ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn từ chiều hôm trước, nghỉ ngơi và chuẩn bị dụng cụ, phương tiện đảm bảo an toàn. Trong bữa cơm tối cùng những cán bộ của Khu Bảo tồn, một kiểm lâm viên hỏi vui chúng tôi: “Các anh đã từng đi bộ xa nhất là bao nhiêu cây số?”. “Chắc chừng 10 cây” - tôi trả lời. “Vậy thì chuyến này sẽ phải đi bộ gần 20 cây số và còn trèo đèo, lội suối, liệu các nhà báo có đi được không (!?)” - Anh kiểm lâm viên cười.

Sáng tinh mơ, trời còn mù sương, từ trụ sở Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn nằm dưới chân đèo Khau Cọ, thuộc xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá “Kho vàng xanh”. Sau hơn 4 giờ lội suối, xuyên rừng, khi mặt trời đứng bóng, chúng tôi cũng đến được chốt nghỉ thứ 4, đây là khu vực phân bố nhiều cây pơ mu nhất trong Khu Bảo tồn.

Ngồi căng tấm bản đồ lớn đặt máy định vị để xác định tọa độ, anh Trần Đức Hà, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn Hoàng Liên - Văn Bàn cho chúng tôi biết: Vị trí chúng ta đang đứng là đỉnh Nậm Lẹp, ở độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển. Tuy không phải là đỉnh núi cao nhất ở đây, nhưng từ Nậm Lẹp (dịch theo tiếng của người Tày Văn Bàn nghĩa là “núi có khe nước dài”) có thể quan sát bao quát gần hết cả Khu Bảo tồn. Từ đây nhìn xuống, Khu Bảo tồn nổi bật giữa đại ngàn xanh mênh mông. Theo những cán bộ kiểm lâm đã cắm chốt ở đây thì khung cảnh trong một ngày ở Nậm Lẹp như bức tranh chuyển màu của bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Nhưng đẹp nhất là lúc nắng ngả về chiều, phong cảnh lung linh huyền ảo, sương giăng mờ các thung lũng, len lỏi, hòa quyện đồi núi trùng điệp. Điểm trên bức tranh đó là những thác nước trong vắt, nhìn giống những dải lụa trắng tinh khôi từ trên trời thả xuống, tạo cảm giác như ở chốn “bồng lai, tiên cảnh”.

Ngồi nhâm nhi chén rượu thóc truyền thống của người Mông xanh Nậm Xé với món cá suối nướng giữa chốn “bồng lai” ấy, chúng tôi được nghe nhiều con số thú vị về Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn. Với diện tích 25.669 ha, Khu Bảo tồn nằm trên địa bàn 3 xã Nậm Xây, Nậm Xé và Liêm Phú (huyện Văn Bàn). Diện tích tuy không lớn, nhưng Khu Bảo tồn đặc biệt bởi có những cánh rừng già tự nhiên, đa dạng sinh học với nhiều loài thực vật, động vật quý hiếm.

Về hệ thực vật rừng, nơi đây có khoảng gần 2.000 loài gồm các loại cây gỗ điển hình như: sến, thông đỏ, đỗ quyên, pơ mu, lát..., trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Bách tán Đài Loan, thông đỏ, gù hương, vân sam... Ngoài ra, trong rừng già của Khu Bảo tồn đang nuôi dưỡng hàng trăm loài thảo dược như: quy, thục, đỗ trọng, hoàng liên chân chim, kim giao. Bên cạnh hệ thực vật phong phú, động vật rừng ở đây cũng rất đa dạng với trên 50 loài thú, phổ biến là vượn đen tuyền, hồng hoàng, voọc bạc má và hơn 300 loài chim cùng hàng trăm loài lưỡng cư và bò sát, trong đó, nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam... Đặc biệt, duy nhất tại đây còn bảo tồn được quần thể cây bách tán Đài Loan - loài thực vật đặc hữu đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.


Xác định tọa độ để đánh số những cây Pơ mu nghìn năm tuổi

Mọi người đang ngồi trò chuyện vui vẻ, bỗng giọng anh Lự Văn Viết, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn bảo: “Nói thật với nhà báo, nhiều nhà khoa học sau khi đến đây khám phá, nghiên cứu đã ví Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn như “kho vàng xanh” trên dãy Hoàng Liên Sơn. Ví von như vậy kể cũng không ngoa, bởi ở đây đang lưu giữ những “tài sản” quý giá trong hệ động - thực vật rừng của đất nước Việt Nam, thậm chí là của thế giới, nhưng việc giữ gìn, bảo vệ nơi này là cả câu chuyện dài, có muôn vàn khó khăn. Theo quy luật, ở khu vực nào, rừng càng “giàu” thì cán bộ kiểm lâm chúng tôi càng vất vả, trách nhiệm càng nhiều”.

Như để minh chứng rõ hơn sự gian nan, vất vả của lực lượng khi làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng ở đây, anh Viết chỉ vào tấm bản đồ Khu Bảo tồn và cho biết: Khu Bảo tồn nằm trải dài gần 40 km bên sườn dãy Hoàng Liên Sơn. Do địa hình rừng núi hiểm trở, lại có nhiều điểm giáp ranh với các tỉnh Yên Bái, Lai Châu nên chúng tôi phải lập 5 chốt bảo vệ ở những khu vực trọng yếu. Hằng tháng, anh em trong Hạt và các thành viên tổ bảo vệ rừng ở địa phương phải thay nhau lên các chốt kiểm tra; mỗi chuyến tuần rừng phải trèo đèo, lội suối, đi bộ xuyên rừng có khi cả tuần. Theo quy định thì biên chế của Hạt cần 46 người, nhưng hiện tại chỉ có 15 cán bộ đang “gánh hết” nhiệm vụ. Đặc biệt, bây giờ “lâm tặc” vào rừng khai thác gỗ trái phép rất manh động, nhiều lần anh em đi tuần tra rừng bắt gặp chúng chặt gỗ, săn thú đã tổ chức vây bắt, nhưng các đối tượng này chống cự quyết liệt, dùng đủ thủ đoạn để đe dọa, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của anh em.

“Khó khăn, gian khổ đấy nhưng chúng tôi vẫn luôn yêu rừng và có trách nhiệm với rừng và không nản lòng, bởi chúng tôi luôn nhớ lời động viên, nhắc nhở của các đồng chí lãnh đạo tỉnh khi vào đây kiểm tra: Các đồng chí rất vinh dự vì đang được coi “kho vàng xanh” của tỉnh đấy, vậy nên đừng bao giờ lơ là, mất cảnh giác” - anh Viết tâm sự.

Có đi tuần rừng cùng các cán bộ kiểm lâm, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi vất vả và sự hiểm nguy mà các anh đang nỗ lực vượt qua. Theo quy định thì lúc nào trên rừng cũng phải có người canh gác, nên lực lượng kiểm lâm và tổ bảo vệ rừng thay phiên nhau đi tuần 1 tháng 2 lần, mỗi lần tuần rừng từ 4 đến 5 ngày. Nhưng hai năm nay, công việc tuần rừng của các anh bớt vất vả hơn vì có sự tham gia của các tổ bảo vệ rừng ở các xã vùng ven Khu Bảo tồn. Hơn nữa, ý thức bảo vệ rừng của người dân có sự chuyển biến rõ rệt, họ được tham dự những lớp tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, đồng thời được hưởng lợi từ công tác chăm sóc, bảo vệ rừng...

Trên đường xuống núi, dọc hai ven đường đi, những mầm xanh báo hiệu một năm mới đang đến. Chia tay nhau ngoài bìa rừng với những cái bắt tay thật chặt, chúng tôi chúc các cán bộ của Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn luôn “chân cứng, đá mềm”, bình an trong mỗi chuyến tuần rừng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ “Kho vàng xanh”.

Phạm Vũ Sơn - baolaocai.vn

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập