Trồng rừng và sử dụng bền vững hệ sinh thái là góp phần phát triển nền kinh tế xanh Việt Nam
Lượt xem: 1252

1. Mở đầu

Trước thảm họa do biến đổi khí hậu, nguy cơ diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp, các hệ sinh thái (HST) bị phá hủy đa dạng sinh học (ĐDSH), suy giảm nghèo kiệt cùng với nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng là mối đe dọa lớn đối với cuộc sống, phát triển của nhân loại nói chung cũng như với 54 cộng đồng dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương xây dựng chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với việc thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ bảy, Ban chấp hành Trung ướng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm thực hiện đường lối và chủ trương đúng đắn đó thì việc tổ chức phục hồi phát triển trồng rừng và bảo tồn HST tự nhiên như là một trong những giải pháp quan trọng góp phần xây dựng nền kinh tế xanh tăng trưởng xanh trong phát triển bền vững ở Việt Nam.

Tầm quan trọng của rừng và các HST ĐDSH là vậy nhưng hiện nay nguồn của rừng trên thế giới cũng như ở Việt Nam đang cạn kiệt. Các HST tự nhiên rừng trên đất liền, đất ngập nước, vùng biển đảo bị suy giảm nghèo kiệt dần trong khi dân số cứ tăng, hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa đến sự sống còn của nhân dân. Do vậy nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam phải lựa chọn con đường phát triển nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, nền kinh tế thân thiện với môi trường.

2. Cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo tồn, phát huy giá trị của rừng và các HST.
Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới có lợi thế về rừng, về da dạng các HST, phong phú các thành phần thực vật tự nhiên và nuôi trồng, là tiềm năng là nền tảng cho việc phát triển kinh tế xanh. Theo các nhà khoa học cho đến nay đã phân loại thống kê được 16.428 loài thực vật, trong đó có 4.528 loài thực vật bậc thấp và 11.458 loài thực vật bậc có mạch [1], trong đó có nhiều lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế, đặc biệt với gần 4.000 loài cây có giá trị dược liệu. Bên cạnh các loài thực vật hoang dã Việt Nam là một trong những trung tâm có nhiều giống cây trồng nhất thế giới với khoảng hơn 1000 loài cây trồng [2]. Là cơ sở cho phát triển nền kinh tế xanh ở Việt Nam.

Về động vật hoang dã: Đã thống kê được 21.425 loài. Trong đó có 7.750 loài côn trùng, 1.100 loài cá nước ngọt, 2.038 loài cá biển, 222 loài lưỡng cư, 478 loài bò sát, 870 loài chim, 310 loài thú, 15 loài thú biển và hàng chục ngàn loài động vật không xương sóng phân bổ trong các HST rừng trên đất liền, rừng ngập mặn, đất ngập nước và vùng biển. Trong những năm gần đây có rất nhiều loài thực vật, động vật, côn trùng, động vật đất, các loài thủy sinh... được phát hiện thêm chưa được thống kê. Rõ ràng tài nguyên rừng tự nhiên cũng như rừng trồng là vật chất quan trọng, là tiềm năng rất lớn trong quy hoạch phát triển nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, chẳng hạn trên nền tảng của nguồn vốn tự nhiên và rừng trồng trong những năm qua Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban dân tộc miền núi.v.v... đã quy hoạch phát triển hệ thống trang trại với khoảng 113.730 trang trại, trong đó: 17.721 trang trại chăn nuôi, 55.529 trang trại cây trồng; 2.661 trang trại cây lâm nghiệp; 34.2020 trang trại nuôi trồng thủy sản; 4.630 trang trại kinh doanh tổng hợp [3]. Tất cả các trang trại đều phân bố đều ở mỗi miền của đất nước, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng có nhiều trang trại quy mô lớn. Cùng với trang trại nuôi trồng, lưu giữ nguồn gen thực vật, động vật Việt Nam đang có hệ thống các khu rừng đặc dụng 164 khu bao gồm 32 vườn quốc gia, 58 khu dự trữ thiên nhiên, 11 khu bảo tồn loài, 45 khu bảo vệ cảnh quan, 20 khu rừng nghiên cứu khoa học cùng với 45 khu bảo tồn vùng nước nội địa và 16 khu bảo tồn và 6 khu ramsar, 5 vườn di sản Asean, 9 khu bảo tồn sinh quyển, 2 khu di sản thiên nhiên thế giới và nhiều khu rừng trồng trong các hộ gia đình, dòng tộc, đình chùa, trường học, công viên... Chính  đây là đầu vào của nền kinh tế xanh, bởi giá trị to lớn của các dịch vụ rừng và HST ĐDSH.

3. Vai trò ý nghĩa và tầm quan trọng của rừng tự nhiên, rừng trồng trong bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế xanh Việt Nam.

Rừng tự nhiên và rừng trồng trên hành tinh nói chung và ở Việt Nam nói riêng là một tài sản vô giá đối với cộng đồng, là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Thực vậy, các khu rừng tự nhiên hay các khu rừng do con người trồng ngay từ thuở sơ khai cho đến thời kỳ CNH, HĐH không những góp phần duy trì sự cân bằng hóa học trên trái đất làm ổn định khí hậu mà chúng còn cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp các sản phẩn cần thiết phục vụ cho mọi phúc lợi của xã hội, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái và an ninh môi trường, là nền tảng phát triển một nền kinh tế xanh – tăng trưởng xanh ở Việt Nam hiện nay và trong tương lai bởi các giá trị dịch vị của từng và các HST là cơ sở để phát triển ngành kinh tế xanh, tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, du lịch giải trí, du lịch nghiên cứu khám phá các nền văn hóa đa sắc màu của cộng đồng thông qua kiến thức bản địa truyền thống, du lịch tâm linh... đồng thời đó cũng là những bể lưu giữ cacbon, lưu giữ nguồn nước tạo năng lượng tái tạo năng lượng sạch, năng lượng gió, năng lượng mặt trời trong các vùng biển.

Chức năng và giá trị của các loại, kiểu rừng, các HST của Việt Nam là vô cùng to lớn, có vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển nền kinh tế xanh bền vững, miễn là trong phát triển hiện đại biết tôn trọng các quy luật của tự nhiên, quy luật cân bằng sinh thái – địa hóa của rừng, của các HST tự nhiên và HST nhân tạo trong 8 vùng sinh thái trên đất liền và các vùng đất ngập nước nội địa và vùng biển.

Nhưng điều đáng báo động là diện tích rừng, tài nguyên động vật, thực vật trong các HST Việt Nam đã và đang bị suy giảm, nghèo kiệt thậm chí là mất mát do các quy hoạch phát triển kinh tế chạy theo lợi ích trước mắt không chú ý hoặc lãng quên lợi ích lâu dài, không dựa trên luận cứ khoa học – gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ thành thị đến nông thôn, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, gây xáo trộn không có lợi đến sự khỏe mạnh của rừng, của các HST. Chính vì vậy mà sự ra đời hiệp hội phát triển trồng rừng và bảo tồn sinh thái Việt Nam do ông Nguyễn Ngọc Khôi – Chủ tịch quỹ trái tim vàng Việt Nam, Phó Chủ tịch hội hỗ trợ kinh tế miền núi, Chủ tịch Hội trồng rừng Hà Nội đề xuất sáng lập là chủ trương phù hợp sáng tạo nhằm động viên cộng đồng doanh nghiệp quần chúng nhân dân mọi miền đất nước tăng cường trồng rừng, trồng cây trên các vùng đất trống trong các làng xóm, đình làng, ngõ xóm, trường học, bệnh viên, cơ quan nhằm phục vụ cho nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh trong nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2015 đến 2020 và tầm nhìn năm 2030.

Kết luận: Trồng rừng và bảo tồn HST tự nhiên và nhân tạo ở Việt Nam nhằm phục vụ lâu dài cho sự phát triển của dân tộc là phải hướng tới xây dựng các mô hình phát triển nền kinh tế xanh trên mọi miền đất nước, góp phần vào chương trình xây dựng nông thông mới, trong xóa đói giảm nghèo thì cần có chủ trương chính sách thích đáng đầu tư về khoa học và công nghệ, hỗ trợ về tài chính cho việc trồng và phát triển rừng bền vững trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Bộ TN&MT, Báo cáo Quốc gia về đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường xuất bản.

2. Nguyễn Đăng Khôi , 2000. Số lượng và phân nhóm các giống cây trồng ở Việt Nam (trong chuyên đề luật ĐDSH Việt Nam).

3. Tổng cục Thống kê, 2010. Báo cáo tổng kết các trang trại ở Việt Nam.

4. Chính phủ nước CHNXHCN Việt Nam, 2010, Nghị định số 117/2010 /NĐ-CP về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.

5. Vacne.2013 – Sách đa dạng sinh học trên dãy Trường Sơn- Sách Nhà nước đặt hàng.

GSTSKH Đặng HuyHuỳnh

          Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam


Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập