Quy định về tội danh và những điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về lĩnh vực lâm nghiệp
Lượt xem: 431

Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 (gọi tắt là BLHS năm 2015). BLHS năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới, bao quát cả phần những quy định chung lẫn phần các tội phạm cụ thể; trong đó có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới tư duy, nhận thức về chính sách hình sự, về vấn đề tội phạm và hình phạt. Bộ luật đã phản ánh được những yêu cầu, giải quyết được những tồn tại của Bộ luật hình sự năm 1999 trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới của đất nước trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, giáo dục ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

      
Bộ Luật hình sự 1999 (trái) và Bộ luật Hình sự năm 2015 (phải)

Về lĩnh vực lâm nghiệp, BLHS năm 2015 quy định 08 tội danh, bao gồm: (1) Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản (Điều 232); (2) Tội vi phạm quy định về quản lý rừng (Điều 233); (3) Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234); (4) Tội hủy hoại rừng (Điều 243); (5) Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm (Điều 244); (6) Tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245); (7) Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (Điều 313); (8) Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và quản lý sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (Điều 345).

 Trong đó, cơ quan Kiểm lâm có thẩm quyền điều tra từ ban đầu 06 tội danh (Quy định tại điều 232, 244, 245, 313, 343, 345). Đặc biệt, tại Khoản 1 (Các điều 232, 245, 345), cơ quan Kiểm lâm được thực hiện từ khâu khởi tố vụ án đến kết luận điều tra và chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát lập cáo trạng, không phải chuyển cho cơ quan điều tra.

Các điểm mới về các tội danh quy định về lĩnh vực lâm nghiệp:

 Thứ nhất: BLHS năm 2015 quy định chi tiết, rõ ràng về định lượng gồm số lượng, khối lượng, diện tích hoặc giá trị tang vật vi phạm, diện tích rừng, tài sản bị gây thiệt hại mà hành vi phạm tội thực hiện. Đây là sự thay đổi căn cơ, là bước tiến đột phá đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, quy định chi tiết rõ ràng để cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án dễ dàng áp dụng trong định khung, định tội với các tội phạm, đảm bảo công minh đúng pháp luật.

Thứ 2: Tại điểm  m,  khoản 1, điều 232; điểm d, khoản 1, điều 233; điểm c, khoản 1, điều 234 và điều 245; điểm g, khoản 1, điều 243; điểm e, khoản 1, điều 244 có quy định người nào thực hiện các hành vi vi phạm có số lượng, khối lượng, diện tích, giá trị…dưới mức quy định tại các điều luật này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều trên hoặc đã bị kỷ luật, kết án về tội này mà chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự được quy định tại khoản 1 các điều luật trên. Điều này được hiểu, các trường hợp, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của cơ quan Kiểm lâm mà chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính (trong 06 tháng đối với phạt cảnh cáo, 01 năm đối với phạt chính khác kể từ ngày cá nhân, tổ chức chấp hành quyết định xử phạt hoặc trong thời hiệu thi hành quyết định xử phạt VPHC mà tái phạm). Đây là điểm mới và là yếu tố để nâng cao hình phạt đối với các cá nhân, tổ chức cố tình tái phạm, mặc dù chưa thi hành xong bản án vi phạm trước đó. Việc Bộ luật quy định trên mang tính răn đe, phòng ngừa, hướng thiện của các loại tội phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng và các loại tội phạm nói chung

Đồng thời, BLHS năm 2015 còn sửa đổi, bổ sung một số điểm mới đột phá về các loại tội phạm, nhằm đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; cụ thể như: (i) Bổ sung thêm chủ thể pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự; (ii) Bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh (bao gồm: tội cướp tài sản; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm; tội tàng trữ trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy; tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng địch). Không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ nếu sau khi bị kết án, người đó đã chủ động giao nộp lại cho Nhà nước ít nhất là 3/4 số tiền, tài sản tham ô, nhận hối lộ. Bổ sung quy định 03 trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự mới: (i) Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; (ii) Rủi ro trong nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; (iii) Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (Các điều 24, 25, 26). 

Trần Tiến Dũng – HKL Hoàng Liên
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập