Ảnh đẹp và hiếm của Vân Sam Fansipan - Abies delavayi subsp. fansipanensis
Lượt xem: 381

Vân Sam Fansipan  (hay phan xi păng, Phanxipang, Sam phan xi păng) Abies delavayi subsp. fansipanensis là bậc phân loại dưới loài  của Abies delavayi, và chúng được gọi là Phân loài. Những cây Vân Sam này đã từng được biết với tên định loại nhầm là Abies delavayi var. nukiangensis và được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam 1996, chúng cũng được nhắc với tên đó trong các tài liệu chuyên khảo về Thông trước đó. 

Chúng là loài cây gỗ lớn, mọc thẳng, cao 15-20 m với đường kính gốc khoảng 1 m. Thông thường chúng mọc rải rác tại các vách núi cao thuộc đường đỉnh của núi trong rừng rậm nguyên sinh thường xanh mưa mùa nhiệt đới ở độ cao 2600 – 3000 m a.s.l. thuộc núi Phan xi păng, Lào Cai. Người ta tìm thấy chúng mọc hỗn giao với thảm thực vật tre nứa ưu thế. Ngoài ra chúng còn mọc chung với loài Thông khác là Thiết Sam núi đất Tsuga dumosa.

 

 Cành mang nón cái trưởng thành của Vân sam Fansipan

Vân Sam Fansipan  mang những chiếc lá dẹt dài 2-3 cm, mọc xung quanh đầu cành, có thể ví giống như cái chổi rửa ly, cốc. Nón của chúng dựng đứng, dài chừng 10 cm, có màu xanh đen khi trưởng thành.

Cho đến thời điểm này phân loài Vân Sam Fansipan  là đặc hữu của Lào Cai cũng như của Việt Nam. Chúng phân bố duy nhất ở đỉnh Phan Xi Păng thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Còn loài Abies delavayi thì phân bố rộng ở Tây Nam Trung Quốc, dãy Himalaya vùng thuộc Myanmar và Đông Bắc Ấn Độ.

Theo Danh lục đỏ của IUCN (ver. 2013.1) về các loài bị đe doạ toàn cầu, Vân Sam Fansipan Abies delavayi subsp. fansipanensis được xếp vào mức độ đe doạ Rất Nguy Cấp (Critically Endangered). Ở Sách đỏ Việt nam 2007, chúng được xếp ở mức Sẽ Nguy cấp (VU). Ngoài ra chúng còn được xếp vào nhóm IA, nhóm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại trong Nghị Định 32/2006/NĐ-CP Về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp. 

Những cá thể Vân Sam Fansipan  phân bố ở tự nhiên không nhiều và luôn nằm trên bờ vực tuyệt chủng. Có rất nhiều mối đe doạ đối với chúng như việc khả năng tái sinh rất kém, sinh trưởng và phát triển rất chậm, người dân khai thác cành về làm cảnh. Những mối đe doạ này đã được giảm thiểu rõ rệt khi Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã xây dựng phương án bảo vệ tận gốc quần thể Vân Sam Fansipan. Đặc biệt  Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã lập hồ sơ đăng ký với Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xét duyệt công nhận hai quần thể cây Vân Sam Fansipan và cây Đỗ Quyên cành thô là quần thể cây Di sản Việt Nam.

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập