Những “bóng hồng” giữa đại ngàn
Lượt xem: 417

LCĐT - Tưởng chừng công việc băng rừng, vượt núi tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng chỉ dành cho nam giới, nhưng những “bóng hồng” ở Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên, Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa), đang gánh trên vai nhiệm vụ nặng nề.

Tình yêu rừng lớn lao

Trong chuyến công tác tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với những nữ kiểm lâm tại Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên. Đơn vị này hiện có 47 công chức, trong đó có 10 công chức nữ. Qua câu chuyện, chúng tôi thêm nể phục công việc các chị đang làm, họ đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng.

anh tin bai

Những "bóng hồng" kiểm lâm phối hợp với cán bộ nam tổ chức tuần tra, "tuần lửa rừng".

Sau 20 năm trong ngành kiểm lâm, những gian nan, hiểm nguy tưởng như sẽ khiến chị Vũ Thị Ngọc (43 tuổi) thành một phụ nữ rắn rỏi và “cứng cáp như cây rừng”, thế nhưng khi gặp chị, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước gương mặt đầy nữ tính với nụ cười thật hiền. 20 năm trong nghề, chị Ngọc đã quen với những chuyến băng rừng, vượt suối dài ngày đến từng điểm, chốt kiểm tra từng gốc cây. Sương trắng, nắng hanh, gió núi của đại ngàn vời vợi không những không khiến chị trở nên “già trước tuổi”, mà còn khiến chị năng động hơn.

Chia sẻ “bí quyết” vượt qua khó khăn, chị “bật mí”: Đó là sự đam mê, yêu nghề, luôn cảm nhận được niềm vui từ công việc. “Khi mới nhận nhiệm vụ, tôi còn đôi chút bỡ ngỡ và lo lắng, thế nhưng với bản tính ưa khám phá, qua các chuyến đi rừng làm tôi càng thấy thích và thêm yêu nghề nhiều hơn. Đó cũng là động lực để tôi có thể băng rừng, vượt suối, tuần tra, bảo vệ rừng suốt ngần ấy năm”, chị Ngọc tâm sự.

Không chỉ có chị Ngọc, Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên còn có những “bóng hồng” đã nhiều năm gắn bó với rừng. Tuy là nữ kiểm lâm trẻ tuổi nhất nhưng chị Trần Tuyết Minh (33 tuổi) đã gắn bó hơn 10 năm tại đơn vị. Công tác từ năm 2011, chị Minh đã dành cả thanh xuân của mình với rừng. Ban đầu chị học ngành du lịch, nhưng với tình yêu rừng mãnh liệt, chị đã rẽ ngang và trở thành một “người lính” giữ rừng. Chị Minh hồi tưởng: Năm 2010, Sa Pa có một vụ cháy rừng rất lớn. Chứng kiến khói đen nghi ngút cả bầu trời, từng cây cổ thụ ngã xuống, tôi xót xa lắm. Từ ấy, tôi thay đổi ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch để trở thành người bảo vệ rừng như bây giờ.

Giống như chị Trần Tuyết Minh, chị Phạm Thị Nga đã có gần 12 năm gắn bó với nghề kiểm lâm. Ban đầu, chị Nga là nhân viên một trường học, nhưng được kết nối tình yêu rừng từ người chồng của mình (hiện cũng công tác tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên), chị đã rẽ ngang trở thành kiểm lâm viên. Tình yêu rừng đã giúp chị, một phụ nữ năm nay 55 tuổi, gắn bó với công việc nặng nhọc và nguy hiểm này. “Chồng tôi là người có tình yêu đặc biệt với màu xanh của đại ngàn. Được nghe những câu chuyện trong nghề của anh ấy khiến ngọn lửa yêu rừng nhen nhóm trong tôi. Lâu dần, ngọn lửa ấy bùng lên, thế là tôi quyết định theo nghề của chồng, để có thể tự viết những câu chuyện giữ rừng”, chị Nga hồi tưởng.

Gian nan nhưng không chùn bước

Vườn Quốc gia Hoàng Liên có tổng diện tích hơn 28.000 ha. Sống trong và xung quanh rừng có hơn 2.000 hộ gia đình, hơn 12.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, người dân có tập quán sống phụ thuộc vào rừng. Chính vì vậy, công tác bảo vệ rừng của các cán bộ kiểm lâm gặp không ít trở ngại.

Đối với nhân viên kiểm lâm nữ, thường gặp gian khó, thách thức hơn so với nam, do thể lực có hạn, nhất là khi phải leo núi, vượt suối tuần rừng dài ngày. Ngoài bám địa bàn, vận động người dân, nhiều lúc các chị còn phối hợp các lực lượng kiểm lâm là “cánh mày râu” tổ chức tuần tra đột xuất những lúc cao điểm mùa hanh khô. 

anh tin bai

Dù công việc có gian nan, nhưng nụ cười vẫn luôn trên môi những nữ kiểm lâm

Nhớ lại khoảng thời gian đã qua, những “bóng hồng” kiểm lâm không thể quên thời điểm khó khăn mà các chị phải đối mặt. “Những ngày đầu, do bất đồng ngôn ngữ với bà con nên việc tuyên truyền của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ khó tiếp cận, không chịu hợp tác, đôi khi thấy chúng tôi là phụ nữ nên họ không coi trọng tiếng nói của chúng tôi”, chị Nga chia sẻ.

Là một trong những người có thâm niên nhất tại Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên, hơn ai hết, chị Ngọc đã từng đối mặt với những khó khăn, thậm chí là với những tình huống hiểm nguy, đe dọa tới tính mạng. Chị kể lại: Có lần tôi cùng anh em trong đơn vị đi tuần rừng. Buổi tối hôm ấy chúng tôi phát hiện một nhóm đối tượng đang thực hiện hành vi xâm phạm rừng, nên lập biên bản xử lý. Chúng không chấp hành mà còn hung hăng tấn công tổ công tác, khiến một đồng nghiệp của tôi bị thương. Rất may, nhờ sự bảo vệ của các anh em nên tôi không bị sao, dù rất hoảng sợ, nhưng qua đó giúp tôi có thêm kinh nghiệm công tác.

Ngoài những khó khăn trong công việc, các nữ kiểm lâm còn phải cân bằng thời gian cho gia đình. “Mỗi tuần, chúng tôi có 2 đến 3 buổi trực đêm. Vì thế, chúng tôi phải bố trí việc nhà hài hòa để hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều lúc cũng buồn vì phải trực xuyên tết và các ngày lễ. Trong những ngày ấy, nhìn người khác được ở bên gia đình, chúng tôi cũng mủi lòng, nhưng vì công việc nên đành tự an ủi mình, yên tâm bám rừng, giữ cho rừng Hoàng Liên mãi xanh” - chị Minh tâm sự.

Khi được hỏi về những nữ kiểm lâm, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên cho biết: Với địa hình rộng, mỗi kiểm lâm viên phải phụ trách khối lượng công việc rất lớn, đối với nữ kiểm lâm viên thì thách thức càng lớn. Lúc đầu, khi phân công cán bộ kiểm lâm địa bàn là nữ, lãnh đạo hạt rất trăn trở, nhưng qua thời gian công tác, thấy yên tâm, các chị làm việc hiệu quả không thua kém nam giới. Thậm chí, các nữ kiểm lâm địa bàn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền còn có phần xuất sắc hơn.

Với tình yêu rừng, không ngại khó, ngại khổ, những nữ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên vẫn cần mẫn ghi “dấu chân” trên từng cánh rừng, góp phần giữ cho đại ngàn Hoàng Liên xanh mãi…

Theo: baolaocai.vn


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập