Lộ trình quản lý sản xuất thảo quả bền vững tại Vườn quốc gia Hoàng Liên đến năm 2030
Lượt xem: 807

Thảo quả là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nhưng cũng tiềm ần nguy cơ gây tổn thất đa dạng sinh học

Thảo quả là cây dễ trồng, dễ sống, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tập quán sản xuất của đồng bào các dân tộc vùng cao tỉnh Lào Cai; Đây cũng là cây lâm sản ngoài gỗ cho giá trị kinh tế cao. Vào những năm 1990, nhiều địa phương khuyến khích Nhân dân trồng thảo quả dưới tán rừng nhằm thay thế cây thuốc phiện; Từ đó, Nhân dân vùng cao có tập quán canh tác Thảo quả dưới tán rừng tự nhiên. Theo kết quả điều tra, thống kê của VQG Hoàng Liên, trung bình mỗi hộ dân trồng khoảng 0,65 ha cây thảo quả, với năng suất trung bình đạt từ 600 - 700 kg/ha và cho thu nhập ổn định từ 70-80 triệu đồng/hộ/năm (cá biệt có hộ thu được vài trăm triệu đồng/năm). Đây là nguồn thu nhập đáng kể, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ việc gây trồng, phát triển cây thảo quả dưới tán rừng tự nhiên. 

Thảo quả dưới tán rừng tự nhiên VQG Hoàng Liên

Tuy nhiên, do đặc tính tự nhiên là cây ưa bóng, thích hợp sống dưới tán rừng với ánh sáng tán xạ , người trồng thảo quả đã phát dọn những cây nhỏ, cây tái sinh và lớp thảm thực bì, chỉ để những cây gỗ lớn, tán rộng làm tàn che cho cây thảo quả; Vì vậy, đã loại bỏ cây rừng tái sinh tự nhiên, không còn thế hệ tiếp nối, gây ảnh hưởng và làm suy giảm đa dạng sinh học. Mặt khác, việc sấy thảo quả bằng gỗ củi luôn tiềm ẩn nguy cơ xẩy ra cháy rừng; Đồng thời, việc trồng thảo quả và tồn tại các lều, lán sinh hoạt, sấy thảo quả đã làm mất đi tính hoang sơ, vẻ đẹp tự nhiên của các tuyến du lịch sinh thái trong VQG Hoàng Liên.

Nỗ lực quản lý sản xuất thảo quả bền vững trong rừng đặc dụng VQG Hoàng Liên

Theo kết quả rà soát tại thời điểm tháng 8/2020, thống kê trong rừng đặc dụng VQG Hoàng Liên có 2.281 nương thảo quả với tổng diện tích sản xuất 1.242,8 ha giảm 423,6 ha so với năm 2016. Kiểm lâm địa bàn đã kê khai, xác nhận có 628 lều, lán sinh hoạt, sấy thảo quả trong rừng. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai; VQG Hoàng Liên đã thực hiện bài bản, nề nếp công tác quản lý, bảo vệ rừng và tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân sản xuất thảo quả bền vững, không chặt bỏ cây tái sinh trong quá trình phát dọn, chăm sóc thảo quả. Đặc biệt, tăng cường tuần tra, ngăn chặn các hành vi phát luỗng rừng trồng mới thảo quả. Đồng thời, nhiều hộ gia đình, cá nhân cũng bỏ những diện tích thảo quả già cỗi, năng suất thấp hoặc bị chết do các đợt mưa tuyết, băng đông kết nên diện tích sản xuất thảo quả ngày một giảm.

Lều lán sinh hoạt, sấy thảo quả trong rừng tự nhiên VQG Hoàng Liên

Các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tích cực thực hiện chủ trương xóa bỏ cây thảo quả

VQG Hoàng Liên đã chủ trì, cùng với các cấp, các ngành triển khai quyết liệt chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai về thực hiện xóa bỏ lều, lán sinh hoạt, sấy thảo quả trong rừng tự nhiên. Với phương châm lấy tuyên truyền là chính, VQG Hoàng Liên đã tổ chức 77 buổi tuyên truyền với 7.389 lượt người tham dự, ký 1.441 bản cam kết sản xuất thảo quả bền vững; Qua đó, Nhân dân địa phương có trách nhiệm cao hơn và tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời tự nguyện tháo dỡ 532/628 lều, lán, sinh hoạt, sấy thảo quả, góp phần giảm thiểu nguy cơ xẩy ra cháy rừng.

Tổ công tác tháo dỡ lều, lán thả quả tại xã Hoàng Liên

VQG Hoàng Liên nỗ lực tạo sinh kế bền vững, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn diện tích cây thảo quả vào năm 2030

Từ nay đến năm 2030, VQG Hoàng Liên cần thực hiện chặt chẽ từng bước xóa bỏ diện tích trồng cây thảo quả dưới tán rừng tự nhiên, tạo sự tin tưởng, đồng thuận của Nhân dân địa phương; Nhân rộng các mô hình phát triển sinh kế phù hợp và có giá trị ngang bằng, cao hơn thu nhập từ thảo quả. VQG Hoàng Liên đã xây dựng, trình UBND tỉnh Lào Cai xem xét, phê duyệt Dự án nuôi trồng cây, con có giá trị kinh tế thay thế cây thảo quả dưới tán rừng đặc dụng; Trong đó, tập trung làm giầu rừng 500 ha trên diện tích Nhân dân không còn sản xuất thảo quả (mỗi năm 50 ha), khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng 750 ha. Đặc biệt chú trọng các giải pháp: (1) Giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình cam kết không sản xuất thảo quả dưới tán rừng, bình quân mỗi hộ 30 ha, tạo thu nhập hàng năm 18 triệu đồng/hộ; (2) Hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình trồng cây đặc sản, cây dược liệu, mô hình chăn nuôi có giá trị kinh tế cao trên đất nương rẫy, đất trống, đất vườn tạp để tạo thu nhập thay thế, xóa bỏ hoàn toàn cây thảo quả dưới tán rừng đặc dụng.

Tuyên truyền xóa bỏ lều lán thảo quả tại thôn San 1, xã Hoàng Liên

Tuyên truyền xóa bỏ lều, lán thảo quả tại thôn Tả Trung Hồ, xã Bản Hồ

Tin tưởng rằng với vai trò, trách nhiệm cao của VQG Hoàng Liên cùng sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, lộ trình quản lý sản xuất thảo quả bền vững tại Vườn quốc gia Hoàng Liên sẽ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra và xóa bỏ hoàn toàn diện tích thảo quả trồng dưới tán rừng tự nhiên vào năm 2030; Góp phần thiết thực quản lý rừng bền vững, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học nơi đây./.

Dương Lan – Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập