Những kết quả nổi bật trong công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật tại VQG Hoàng Liên
Lượt xem: 835

Được thành lập năm 2014, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên (Trung tâm) đã tổ chức sắp xếp, bố trí nhân sự hợp lý, thường xuyên tu sửa cơ sở vật chất, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng sinh học của VQG Hoàng Liên.

Các đại biểu dự Lễ công bố Quyết định thành lập Trung tâm

Trung tâm luôn sẵn sàng tiếp nhận, chăm sóc và cứu chữa các cá thể động vật hoang dã do cơ quan chức năng bàn giao sau khi xử lý các vụ săn bắt, buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp hoặc do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao, hiến tặng để cứu hộ.

Tiếp nhận 12 cá thể Don từ Hạt Kiểm lâm huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã thực hiện tiếp nhận 94 vụ với 166 cá thể động vật hoang dã. Trong đó có nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như: Rắn Hổ mang chúa, Cu li nhỏ, Cu li lớn, Tê tê Java, đặc biệt có 01 cá thể Gấu ngựa do người dân hiến tặng. Các cá thể động vật sau khi được cứu hộ thành công đều phục hồi sức khỏe và bản năng sinh tồn của loài. Đơn vị đã tổ chức tái thả 08 đợt với 101 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.

Tái thả động vật năm 2019 tại VQG Vũ Quang (Hà Tĩnh)

Tái thả động vật năm 2020 tại VQG Hoàng Liên

 Ngoài ra, Trung tâm cũng đã thực hiện ghép đôi sinh sản thành công đối với các loài Khỉ, Cu li, Gà rừng. Những cá thể sinh ra đều có sức khỏe tốt, hòa nhập nhanh với môi trường bán hoang dã, đây sẽ là nguồn động vật có giá trị cho việc tái thả nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen tại VQG Hoàng Liên. Hoạt động chăn nuôi một số loài động vật có nguồn gốc hoang dã hoặc bản địa thông qua phát triển các mô hình cũng đã góp phần phát triển kinh tế của cộng đồng, làm giảm các tác động đến hệ động vật rừng ở VQG Hoàng Liên.

Khỉ Đuôi dài được sinh sản thành công tại Trung tâm

 Hoạt động hợp tác với các tổ chức trong nước, quốc tế cũng đã được quan tâm nhằm chia sẻ kinh nghiệm cứu hộ, làm giàu phúc lợi cho động vật. Qua đó đã góp phần nâng cao kỹ năng chăm sóc, điều trị bệnh cho đội ngũ viên chức, người lao động trong lĩnh vực cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã. Các chương trình nghiên cứu điều tra thực địa đã giúp định tên 120 loài bướm, ghi nhận có 27 loài lưỡng cư tại VQG Hoàng Liên, trong đó có 2 loài mới cho khoa học là Cóc răng sterling (Oreolalax sterlingae) và Cóc mày botsford (Leptolalax botsfordi).
Cóc mày (Botford Leptolalax)

Họp thảo luận, báo cáo kết quả bảo tồn 02 loài Lưỡng cư quý, hiếm,

 nguy cấp tại VQG Hoàng Liên giai đoạn 2017 - 2019

Công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển thực vật cũng thu được kết quả nhiều mặt, từ năm 2014 đến nay đơn vị đã thực hiện tiếp nhận cứu hộ thành công 07 vụ, 07 loài với trên 71.400 cây như: Bảy lá một hoa, các loài lan, Đỗ quyên; Điển hình năm 2015, Trung tâm đã tiếp nhận trên 71.000 cây Thông đỏ Hàn Quốc và sau thời gian cứu hộ, đơn vị đã đề xuất thực hiện dự án trồng thí điểm trên địa bàn các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát tỉnh Lào Cai.

Trung tâm tiếp nhận và cứu hộ 3,5 vạn cây Thông đỏ Hàn Quốc 

Hiện nay, đơn vị đang bảo tồn 105 loài thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm với 4.222 cây. Đồng thời cũng đã phát triển được 15 loài thực vật cung cấp cho dự án Sơn tra trên 188.000 cây; cấp phát cây ăn quả ôn đới bản địa cho người dân được 3.750 cây. Hiện nay, có trên 50.300 cây đang được chăm sóc tại đơn vị, gồm nhiều loài có giá trị kinh tế cao như Pơ mu, Bách xanh, Anh đào, các loại hoa Đỗ quyên.

Lan Hài huyền khoe sắc tại Trung tâm

Cây Bách xanh được trồng bảo tồn tại Trung tâm

Công tác tuyên truyền cũng thường xuyên được Trung tâm đẩy mạnh: Thông qua các trang mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng đã thu hút được hàng nghìn lượt người quan tâm, theo dõi; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ động, thực vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học cho hơn 10.000 lượt người, chủ yếu là khách du lịch, học sinh, sinh viên, người dân và các nhà nghiên cứu đến thăm quan, học tập tại đơn vị.

Cán bộ Trung tâm giới thiệu về công tác cứu hộ động vật cho các em học sinh

Tập huấn về công tác cứu hộ, bảo tồn cho người dân các xã vùng lõi VQG Hoàng Liên

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song công tác cứu hộ, bảo tồn sinh vật tại VQG Hoàng Liên còn gặp nhiều khó khăn. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Trung tâm cần phát huy tối đa tình thần đoàn kết, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, viên chức trong đơn vị, cùng với sự quan tâm tạo điều kiện của VQG Hoàng Liên. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục củng cố về tổ chức, cơ sở vật chất, tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trong nước và quốc tế để trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề của viên chức làm nhiệm vụ cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật nhằm bảo đảm tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao./.

Minh Tuyết – Trung tâm Cứu hộ


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập