Vườn Quốc gia Hoàng Liên thực hiện chính sách chi trả tiền DVMTR
Lượt xem: 1290

Thực hiện Chính sách chi trả tiền Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ, Ngày 18/01/2017 UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 226/QĐ-UBND về việc phê duyệt diện tích lưu vực, diện tích rừng trong lưu vưc, hệ số K, đơn giá, đối tượng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2016. Trên cơ sở đó Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã chỉ đạo Kiểm lâm Hoàng Liên phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả.


Một buổi họp thôn tuyên truyền bảo vệ rừng

Vườn Quốc gia Hoàng Liên xác định gắn việc chi trả tiền DVMTR với việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp, công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, các chính sách phát triển lâm nghiệp… Trong 3 tháng đầu năm 2017, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã tổ chức 19 buổi họp/19 thôn thuộc địa phận Vườn Quốc gia Hoàng Liên, với trên 2.200 lượt người tham gia.

Trên cơ sở diện tích đã được phê duyệt năm 2017, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã lập hồ sơ chi trả tiền DVMTR diện tích 8.571 ha giao khoán cho 19 cộng đồng thôn với 2219 hộ gia đình tham dự. Theo đơn giá được phê duyệt là 267.000 đồng/ha, sau khi trừ kinh phí quản lý 10% theo quy định, đơn giá chi trả cho hộ nhận khoán là 240.300 đồng. Tổng số tiền chi trả là 2,059,611.300 đồng, trong đó chi nâng cao đời sống: 1,370,110.000 đồng (đơn vị chi trả cho thôn tại cuộc họp, và thực hiện giám sát thôn chi trả tiền cho từng hộ gia đình); số tiền còn lại chi cho công tác quản lý bảo vệ rừng của từng thôn (từng thôn xây dựng kế hoạch chi ưu tiên cho các nội dung: Tuần tra BVR, trực PCCCR, tuyên truyền, mua dụng cụ PCCCR… ) báo cáo Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên thẩm định và UBND xã phê duyệt để tổ chức thực hiên.


Tuyên truyền Bảo vệ rừng tại thôn bản

Đặc biệt trong quá trình thực hiện theo nguyện vọng của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại thôn Cát Cát, thay bằng nhận tiền mặt (kinh phí nâng cao đời sống) cộng đồng thôn đã họp bàn và thống nhất cộng đồng thôn trực tiếp sử dụng nguồn kinh phi nêu trên mua bếp ga phát cho từng hộ gia đình, với tổng số 137 bộ bếp ga/137 hộ gia đình trong thôn để thay thế phương thức sử dụng lửa truyền thống.


Tổ bảo vệ rừng Thôn Cát Cát phát bếp ga cho các hộ gia đình

Có thể khẳng định với Chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn VQG Hoàng Liên trong vài năm qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt: Đã tạo được sự đồng thuận từ bộ máy chính quyền đến các cộng đồng thôn bản, từ cán bộ đến nhân nhân trên địa bàn quản lý; tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân, thay bằng việc nhận thức trong những năm trước đây việc bảo vệ rừng là của Kiểm lâm, cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ rừng và các cơ quan, do vậy còn mang nặng tính trông chờ ỷ lại, nhưng hiện nay người dân đã thay đổi nhận thức, xác định rõ trách nhiệm nghĩa vụ bảo vệ rừng của người dân, vì vậy có những vụ việc phát sinh ở cơ sở đã được các hộ nhận khoán phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Qua đó, rừng được quan tâm bảo vệ, các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy rừng có chiều hướng giảm dần; tăng cường sự phối hợp giữa chủ rừng, chính quyền địa phương và nhân dân trong công tác BVR từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích, duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện môi trường sinh thái.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện còn một số hạn chế, khó khăn như: Tình trạng khai thác gỗ và lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra, người dân thôn, xã khác đến khai thác trái phép chưa được ngăn chặn, việc ngăn chặn đã dẫn đến xích mích, thù hằn. Đơn giá chi trả tiền DVMTR còn thấp người dân chưa thể sống được bằng nghề rừng nên chưa tạo ra động lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Là chính sách mới được triển khai thực hiện, địa bàn rộng chia cắt, đi lại gặp nhiều khó khăn, trình độ học vấn nhất là người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Một số Chính quyền địa phương tuy vào cuộc nhưng chưa quyết liệt, chưa hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành các ban ngành, thôn bản, nhân dân trên địa bàn quản lý.

Để chính sách chi trả DVMTR đi vào cuộc sống, kịp thời động viên khích lệ người dân trong công tác bảo vệ rừng, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực: Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng kế hoạch chi trả tiền DVMTR của từng thôn đảm bảo công khai, minh bạch, sát với tình hình thực tế của từng thôn, đặc biệt có sự bàn bạc thống nhất cao của mọi người dân trong thôn. Đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Tỉnh xem xét khẩn trương phân khai tiền DVMTR ngay sau khi có Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh để kịp thời chi trả cho hộ nhận khoán.

Các trạm Kiểm lâm địa bàn làm tốt công tác tham mưu cho UBND xã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; chỉ đạo phối hợp giữa kiểm lâm và dân quân xã trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng; kiện toàn tổ xung kích xã, tổ đội BVR các thôn hàng năm nhằm thực hiện có hiệu quả công tác BVR, PCCCR tận gốc.

Với những kết quả nêu trên có thể khẳng định việc tiếp tục triển khai chính sách chi trả tiền DVMTR trên lâm phần do Vườn Quốc gia Hoàng Liên quản lý, sẽ từng bước mang lại những hiệu quả nhất định, đi vào cuộc sống, phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng nhất là đồng bào các dân tộc ở các vùng miền núi, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn phát triển bền vững tài nguyên rừng xứng đáng Vườn Di sản Asian và khu dự trữ sinh quyển Hoàng Liên sơ trong tương lai./.

Duy Thịnh


 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập